Bài toán tỷ giá và lãi suất

Bài toán tỷ giá và lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường tuần qua kết thúc bằng một phiên đổ sàn của hàng loạt cổ phiếu khiến không ít nhà đầu tư nao núng, mất phương hướng, vì chỉ cách đó vài phiên họ vẫn còn hy vọng các chỉ số sẽ hồi phục thêm sau khi VN-Index bật lên từ mức 1.000 điểm trước đó.

Ngày 17/10, thị trường đón nhận thông tin Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biên độ biến động tỷ giá USD/VND từ 3% lên 5%, nhưng phiên giao dịch kế sau, chỉ số xanh trở lại và tăng tiếp trong phiên giao dịch sau đó nữa.

Động thái tăng tỷ giá dường như đã được đoán trước trong giới đầu tư nên khi nó thành hiện thực tâm lý thị trường trở nên lạc quan hơn khi cho rằng tin xấu đã ra.

Nhưng một báo cáo của định chế tài chính nước ngoài tại Việt Nam dự báo lãi suất điều hành có thể được điều chỉnh tăng lên mức tối đa 7% vào năm 2023 khiến tâm lý bi quan quay trở lại bao phủ toàn thị trường như diễn biến xảy ra vào ngày thứ Sáu.

Thanh khoản của nền kinh tế đang gặp khó khăn khi hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, áp lực đáo hạn và mua lại trái phiếu gia tăng, đầu tư công nhiều rào cản…, lại thêm đà tăng lãi suất vẫn kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Khó khăn bủa vây ở cả thị trường trong nước và nước ngoài, khi nhiều nền kinh tế đang suy giảm tăng trưởng, thắt chặt chi tiêu.

Trong Tiêu điểm số báo này đề cập nhận định của nhiều chuyên gia, giới phân tích với góc nhìn tích cực về quyết định nới biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, của xu hướng VND so với USD. Mặc dù các nhận định đều cho rằng áp lực tỷ giá là có, nhưng với lợi thế riêng của Việt Nam cũng như chu kỳ tăng lãi suất USD đã đi được quá nửa đoạn đường để tới đỉnh thì biến động tỷ giá trong thời gian tới không phải quá lớn, có thể tăng thêm 1-2% nữa.

Nhưng khi nhìn về biến động của tỷ giá trước mắt, vẫn còn những biến số liên quan, trong đó đặc biệt là lãi suất tiền đồng. Lãi suất tiền đồng không chỉ phải gánh bớt áp lực cho tỷ giá mà còn chịu áp lực thanh khoản yếu của nền kinh tế trong khi nhu cầu vay tăng cao, một mặt là để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh bình thường, một mặt để đáo hạn các khoản vay. Hiệu ứng từ các thương vụ vi phạm trên thị trường trái phiếu vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường chung.

Câu chuyện đã được dự báo từ trước nhưng đến thời điểm này bắt đầu thành hiện thực và những cuộc họp đàm phán mua lại trái phiếu giữa trái chủ, bên môi giới và doanh nghiệp phát hành của Hưng Thịnh, của chứng khoán TVSI… khiến tâm lý lo ngại lây lan đến các trái chủ khác, nhất là những cá nhân nhỏ lẻ.

Khi chúng ta có thể kỳ vọng biến động tỷ giá trong tương lai có thể được dự báo một cách tương đối, như trong Tiêu điểm số báo này đề cập, sẽ sớm chiết khấu vào thị trường chứng khoán thì cũng đừng quên yếu tố thanh khoản thị trường, dưới áp lực tăng lãi suất sẽ còn kéo dài hơn.

Nhưng theo lý thuyết Mean Reversion, lý thuyết trở về giá trị trị trung bình thường được sử dụng trong tài chính, cho thấy rằng biến động giá tài sản (chứng khoán, hay bất động sản) thường có xu hướng trở lại mức trung bình dài hạn của nó sau khi biến động mạnh. Thị trường giảm càng nhanh, càng mạnh, thường có khả năng đảo chiều vì có xu hướng trở lại giá trị trung bình của nó.

Tin bài liên quan