Bán khống là hoạt động khá rủi ro, đặc biệt ở thị trường kém thanh khoản như TTCK Việt Nam - Ảnh minh họa: internet

Bán khống là hoạt động khá rủi ro, đặc biệt ở thị trường kém thanh khoản như TTCK Việt Nam - Ảnh minh họa: internet

Bán khống đang ngày càng lộ diện

(ĐTCK-online) Khi nhận thấy hai chỉ số chứng khoán đi ngang và chưa có động lực bứt phá, gần đây một số thành viên thị trường đã đi vay mượn cổ phiếu để bán. Năm 2010, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã phạt khá nặng một số CTCK vì lỗi này. Thế nhưng, hiện tại có nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động bán khống đang quay trở lại, với quy mô và tổ chức bài bản hơn.

 

Dấu hiệu của bán khống

Hai tuần trước, Quỹ B.H nhận được lời đề nghị "mượn tạm" cổ phiếu. Đây là số cổ phiếu blue-chip mà tổ chức nước ngoài này mua và đang nắm giữ, tạm thời không có nhu cầu giao dịch. Nếu đồng ý cho "vay tạm", sau một thời gian nhất định, trừ các phí giao dịch, Quỹ sẽ được hưởng 2% trên giá trị giao dịch. Không khó để Quỹ B.H nhận ra phía sau đề nghị kia là việc bán khống: người đi vay sẽ bán cổ phiếu ở mức giá cao và mua lại ở mức giá thấp hơn, lãi đến từ chênh lệch giá. Nhưng nếu Quỹ B.H chấp nhận đề nghị này thì chỉ số ít NĐT có thể hưởng lợi, bởi hệ quả của bán khống trong trường hợp này có thể khiến thị trường giảm mạnh, rất nhiều NĐT cá nhân khác sẽ bị thua lỗ. Quỹ B.H đã từ chối!

Tuy nhiên, không nhiều tổ chức giữ trách nhiệm như vậy. Giới môi giới (broker) đang kháo nhau về việc một công ty đầu tư ở phía Bắc vừa thành công với việc bán khống 4 triệu cổ phiếu PVX. Sau khi bán trước đè giá, số cổ phiếu này được mua lại ở giá thấp hơn. Đây là một trong các lý do khiến giá cổ phiếu PVX rơi tự do, xuống dưới cả mệnh giá chỉ trong một thời gian rất ngắn. Trên HOSE, động thái giao dịch của một số cổ phiếu bất động sản cũng cho thấy dấu hiệu của hoạt động bán khống: giá cổ phiếu rớt mạnh đột ngột rồi bất ngờ phục hồi, đi ngang một thời gian ngắn rồi lại rớt mạnh, với cục diện cung cầu luôn thay đổi.

Hiện tại, hoạt động bán khống diễn ra dưới hai dạng. Cách thứ nhất được cho là khá phổ biến với một số thành viên thị trường, đó là việc đi vay cổ phiếu để bán trước với hy vọng mua lại với giá rẻ hơn. Cầu nối trung gian trong trường hợp này là các broker lão luyện hay các công ty đầu tư. Nguồn cung cổ phiếu đến chủ yếu từ các quỹ hay các NĐT trường vốn. Cổ phiếu đi vay thường có thời hạn vay cụ thể và người vay trả phí. Cần nói thêm, việc vay mượn và bán cổ phiếu này mang tính dân sự, rất khó để cơ quan quản lý phát hiện, chưa nói tới việc xử lý.

Cách thứ hai là CTCK cung cấp gói dịch vụ "bán khống - margin", thường chỉ hướng tới một số khách hàng VIP. Nếu cho khách hàng sử dụng margin (giao dịch ký quỹ), CTCK phải có tiền. Ngoài ra, CTCK luôn đối mặt với rủi ro mỗi khi giá cổ phiếu giảm mạnh. Giờ đây, thay vì việc cho NĐT VIP vay tiền để mua cổ phiếu, CTCK cho khách VIP mượn cổ phiếu bán. Dĩ nhiên, người đi vay vẫn cần đặt cọc. Chẳng hạn, nếu NĐT có tiền mặt hay cổ phiếu trị giá 10 đồng sẽ được CTCK cho vay chứng khoán trị giá 100 đồng. Cổ phiếu có thể được lấy từ chính tài khoản tự doanh của CTCK. Ngoại trừ rủi ro bị cơ quan quản lý "sờ gáy" hay việc vung tay quá trán khiến cổ phiếu giảm giá quá sâu (CTCK phải trích lập dự phòng), thì gói dịch vụ này tỏ ra khá đảm bảo: cổ phiếu cho vay có thể gom được từ nhiều nguồn; CTCK vẫn thu được phí dù thị trường đi xuống; trong điều kiện sức cầu yếu như hiện nay, khi "đánh xuống", CTCK không lo "mất hàng".

 

Chính sách chưa theo kịp thị trường

Hiện tượng bán khống như trên không còn mang tính đơn lẻ, mà đã hình thành theo chiến lược. Các broker lành nghề biết cánh cửa dẫn vào nhiều "kho" cổ phiếu có thể vay mượn. Trong số này có Quỹ S. Holding. Tổ chức này dù trên thực tế quy mô tài sản chỉ ở mức khiêm tốn, nhưng nổi danh ở khả năng tập hợp và vay mượn số lượng lớn cổ phiếu.

Khách hàng VIP ở nhiều CTCK gần đây cho biết, đã được môi giới tại một số CTCK "nhóm 2" về Top 10 thị phần môi giới chào mời giao dịch. Chiêu độc hút khách hàng là hứa hẹn cho phép bán khống. Một động thái khác đáng lưu ý là việc mở rộng sang lĩnh vực quản lý quỹ hay trào lưu lập các công ty vệ tinh của CTCK. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó có lý do muốn lập các "kho" cổ phiếu ở "sân sau", xa tầm giám sát của cơ quan quản lý. Nếu thị trường tốt lên thì CTCK sẽ dùng để tự doanh. Trong trường hợp thị trường vẫn đi ngang thì CTCK có hàng, đáp ứng nhu cầu vay mượn của khách VIP.

Bán khống là hoạt động khá rủi ro, đặc biệt ở thị trường kém thanh khoản như TTCK Việt Nam . Chẳng hạn, trong điều kiện bình thường, để đạt được mức chênh lệch 5 - 7%, người bán phải nỗ lực đè giá trong một vài ngày. Trừ phí giao dịch, phí ứng trước, NĐT thu lợi nhuận không đáng là bao. Thế nhưng, nếu bất ngờ thị trường đảo chiều, người bán thường trở tay không kịp, nguy cơ mất hàng khá cao.

Điều 71 Luật Chứng khoán năm 2006 có quy định mở về việc bán khống: "CTCK thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán". Tuy nhiên, Luật cũng nêu rõ, việc này phải thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có hướng dẫn nào và như vậy có thể hiểu, việc bán khống chưa được phép áp dụng tại TTCK Việt Nam .

Vậy tại sao một số CTCK vẫn cung cấp dịch vụ này cho khách hàng? Thứ nhất, trên "mảnh đất" chứng khoán khô hạn hiện tại, CTCK phải tìm ra các "ngón độc" về dịch vụ để giữ chân khách VIP, vì đây là các yếu nhân quyết định tới thứ hạng thị phần môi giới của CTCK. Thứ hai, không loại trừ khả năng tự doanh, lãnh đạo CTCK, đặc biệt là các broker cũng bán khống, bước chung một nhịp với khách hàng.

Bán khống là một sản phẩm đã xuất hiện và tồn tại từ lâu ở các TTCK phát triển, cho thấy sự cần thiết của sản phẩm này. Tuy nhiên, khi khung pháp lý chưa theo kịp nhu cầu của NĐT thì thị trường đã tìm ra các giải pháp thay thế. Thế nhưng, do các quy định giao dịch lỗi thời, sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý chưa sâu sát, nên dẫn tới hệ lụy bất bình đẳng trên thị trường. Giờ đây, phần lớn thị trường chỉ có thể tìm kiếm lợi nhuận khi chứng khoán tăng, nhưng lại có một nhóm nhỏ các NĐT có thể tìm kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường đi xuống. Sự bức xúc này suy cho cùng cũng chỉ góp thêm vào các bất bình đang âm ỉ và ngấm ngầm lan tỏa bấy lâu nay. Nếu không có giải pháp hợp lý, thì niềm tin của nhiều NĐT vào cơ quan quản lý và thị trường sẽ càng thêm giảm sút.