Bán lẻ xoay trục trong cơn thoái trào

0:00 / 0:00
0:00
Mô hình bán lẻ qua đại siêu thị ở Việt Nam sẽ thoái trào vì quỹ đất không còn nhiều, giá đất cao, buộc các nhà bán lẻ phải xoay chuyển tình thế.
Khi sử dụng TPay tại các cửa hàng Winmart, khách hàng được nhận khuyến mãi thêm 2% trên mỗi hóa đơn.

Khi sử dụng TPay tại các cửa hàng Winmart, khách hàng được nhận khuyến mãi thêm 2% trên mỗi hóa đơn.

“Mỏ kim cương” du lịch bán lẻ

Công ty cổ phần Vincom Retail (mã VRE) đã trải qua năm 2022 với nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường bán lẻ có nhiều điểm sáng, Công ty có nhiều cơ hội để phát triển.

Đây cũng là lý do Vincom Retail ghi nhận kết quả kinh doanh với các chỉ số tăng trưởng tốt trong năm 2022. Cụ thể, tổng doanh thu đạt 7.361 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.777 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ. Kết thúc năm 2022, Vincom Retail ghi nhận biên lợi nhuận sau thuế ở mức 38% doanh thu.

Vincom Retail có 83 trung tâm thương mại, hiện diện tại 44 tỉnh, thành phố trên cả nước. Năm 2022, Vincom Retail là chủ đầu tư bất động sản bán lẻ duy nhất mở mới 3 trung tâm thương mại và đều đạt tỷ lệ lấp đầy cam kết trên 94%.

Việc quyết liệt khai trương các trung tâm thương mại mới, liên tục cung cấp các nguồn cung mặt bằng mới cho thị trường là động thái tích cực thúc đẩy sự hồi phục nhanh chóng của mảng bán lẻ hiện đại, khẳng định vị thế dẫn dắt thị trường của Vincom Retail.

Năm nay, lãnh đạo Vincom Retail đặt nhiều kỳ vọng hơn về triển vọng kinh tế và môi trường kinh doanh khởi sắc hơn so với năm trước. Đặc biệt, Vincom Retail đang chú trọng đến khách thuê là các thương hiệu lớn từ quốc tế. Hiện có nhiều nhãn bán lẻ lớn, chuỗi bán lẻ bắt đầu thâm nhập thị trường ngoài Hà Nội và TP.HCM. Do đó, Vincom Retail đặt kế hoạch doanh thu thuần 10.350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.680 tỷ đồng, tăng lần lượt 41% và 69% so với năm 2022.

Theo bà Trần Mai Hoa, CEO Vincom Retail, Công ty đã chuẩn hóa được các mô hình phát triển trung tâm thương mại. Đặc biệt, Công ty đang nghiên cứu mô hình khu du lịch bán lẻ.

Du lịch bán lẻ được ví như “mỏ kim cương” cho nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là bán lẻ, khi nhiều nghiên cứu cho biết, hoạt động mua sắm chiếm đến 70% chi phí của một chuyến du lịch. Đây là lực đẩy để phát triển mô hình bán lẻ kết hợp du lịch. Trong khi các quốc gia trên thế giới đã và đang nỗ lực phát triển mô hình du lịch bán lẻ, thì đây lại được ví như “viên kim cương thô” của ngành du lịch Việt.

Du lịch bán lẻ và mô hình kinh tế ban đêm đã xuất hiện tại một số đô thị và các trung tâm du lịch lớn tại Việt Nam, như phố Tạ Hiện (Hà Nội), phố Bùi Viện, chợ đêm Bến Thành (TP.HCM)..., nhưng còn đơn lẻ, chưa được khai thác triệt để, tối ưu lợi thế. Hai năm trước, “thành phố không ngủ Grand World” thuộc siêu quần thể Phú Quốc United Center của Vinpearl đã khai trương và cho thấy tín hiệu tích cực để Vincom Retail xoay trục sang mô hình này.

Trong khi đó, một số tên tuổi trên thị trường phân phối bán lẻ cho rằng, mô hình bán lẻ qua đại siêu thị ở Việt Nam sẽ thoái trào vì quỹ đất không còn nhiều, giá đất cao.

Việc Công ty TNHH Parkson Việt Nam (Parkson Retail Asia - PRA, sở hữu 100% vốn) đã đệ đơn lên tòa án tại TP.HCM và bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện vào ngày 28/4 cho thấy điều đó. Thương hiệu Parkson sẽ chính thức rời khỏi Việt Nam sau 18 năm hoạt động.

Những năm gần đây, các khoản lỗ của Parkson đã phình to do ảnh hưởng từ Covid-19 tới môi trường kinh doanh. Đặc biệt, việc thiếu hỗ trợ từ chủ mặt bằng, như không giảm tiền thuê hoặc giảm không đáng kể, trong thời gian phong tỏa vì Covid-19 đã ảnh hưởng xấu đến tài chính của Parkson Việt Nam. Thuế đất cao cũng khiến công ty này thêm khó khăn.

Trong năm tài chính 2022, các hoạt động tại Việt Nam ghi nhận khoản lỗ trước thuế 1,72 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm trước lãi trước thuế 10,27 triệu USD. Doanh thu của Công ty cũng giảm từ 7,57 triệu USD vào năm 2021, xuống còn 1,8 triệu USD vào năm ngoái.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN), CEO WinCommerce (thành viên Masan), bà Nguyễn Thị Phương khẳng định, Việt Nam đang ở thời điểm vàng để nâng cấp thị trường bán lẻ khi dân số đã cán mốc 100 triệu dân, quy mô dân số đứng thứ 15 thế giới, cơ cấu dân số ở độ tuổi vàng, với trên 60% nằm trong độ tuổi lao động, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng.

Tuy nhiên, bà Phương cho rằng, quy mô bán lẻ hiện đại ở Việt Nam lại đang có phần khiêm tốn so với thị trường có quy mô lên tới 70 tỷ USD. Hiện tại, trong mảng kinh doanh thực phẩm có 9 nhà bán lẻ lớn tham gia, với tổng doanh số khoảng 6 tỷ USD.

WinCommerce là một trong hai nhà bán lẻ có doanh số đạt ngưỡng 30.000 tỷ đồng, đồng thời là đơn vị duy nhất duy trì được tốc độ mở mới thành công trong năm 2022.

Cơ hội trong mảng bán lẻ thực phẩm

Trong một năm qua, các tên tuổi đã chứng kiến thị trường lao dốc, sức mua giảm sút và rất nhiều cửa hàng phải đóng cửa do doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Theo thống kê, khoảng 1.000 cửa hàng của các đối thủ của WinCommerce đã phải đóng cửa trong năm 2022.

Dẫu vậy, trong cuộc chơi này, WinCommerce tự tin có đầy đủ sức mạnh để giành chiến thắng tại thị trường trong nước. Đặc biệt, tỷ lệ của kênh bán lẻ thực phẩm hiện đại tại Việt Nam chỉ chiếm 11%, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan và Indonesia lần lượt là 48% và 25%.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của bán lẻ hiện đại, các nhà bán lẻ lớn có cơ hội chiếm lĩnh thị phần ở mảng bán lẻ thực phẩm. WinCommerce và Co.op Mart đang chiếm 48% tổng doanh thu toàn thị trường, trong khi doanh thu ngành bán lẻ thực phẩm của Việt Nam đến năm 2025 ước đạt 9 tỷ USD. WinCommerce có đầy đủ sức mạnh để có thể chiến thắng ở thị trường đầy tiềm năng này.

Đi cùng với tuyên bố của mình, CEO WinCommerce nhận định, siêu thị và minimart (siêu thị cỡ nhỏ) - những mô hình mà WinCommerce đang theo đuổi với chuỗi WinMart và WinMart+ sẽ thành công trong tương lai.

Mô hình siêu thị và minimart có đầy đủ lợi thế như sự thuận tiện, giải quyết được cơ bản nỗi trăn trở của người dân về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trải nghiệm của khách hàng cũng hoàn toàn khác biệt.

“Với quy mô của WinCommerce và chuỗi cung ứng vững mạnh, chúng tôi đã có thể cạnh tranh về giá bán để đưa đến tay người tiêu dùng hàng hóa chất lượng và giá cả cạnh tranh”, CEO WinCommerce chia sẻ.

Trong tương lai, WinCommerce đặt mục tiêu đạt 10.000 cửa hàng. Năm nay, Wincommerce đặt mục tiêu mở mới 800 cửa hàng mới và xây dựng các mô hình tương ứng cho khu vực thành thị, nông thôn. Với doanh thu 400 triệu đồng/tháng, thì một cửa hàng Winmart ở nông thôn đã có thể sinh lời.

Với việc mua lại WinCommerce (trước là VinCommcere), chủ sở hữu và điều hành hệ thống siêu thị bao gồm 130 siêu thị WinMart và 3.268 cửa hàng WinMart+ vào cuối năm 2022, Masan Group hiện là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm lớn nhất tại Việt Nam, xét về số lượng cửa hàng.

Masan nhận định rằng, lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam còn khá phân mảnh và hoạt động thiếu hiệu quả, khiến người tiêu dùng có ít lựa chọn hơn và chi trả nhiều hơn cho nhu cầu của mình.

Cụ thể, kênh thương mại truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh số bán lẻ, khiến thị trường bán lẻ bị phân mảnh. Do đó, ngay cả khi là một doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, nhưng WinCommerce chỉ chiếm từ gần 2% đến 3% tổng thị trường bán lẻ.

Masan nhận định, một cuộc cách mạng về bán lẻ hiện đại đang diễn ra và sẽ bùng nổ tại Việt Nam khi tốc độ đô thị hóa đạt 50% và tầng lớp trung lưu (với thu nhập bình quân đầu người từ 5.000 USD) thực sự xuất hiện. Các hình thức mua sắm hiện đại dự kiến chiếm 30% thị trường bán lẻ trong ngắn hạn và trung hạn, so với mức khoảng 10% như hiện nay.

Tập trung vào chất lượng hàng hóa, mang đến trải nghiệm cho người tiêu dùng như phát triển dịch vụ cá nhân hoá và tính tiện ích. Bên cạnh đó, chương trình thành viên và chính sách giá cạnh tranh so với thị trường là những yếu tố sẽ giúp WinCommerce đạt doanh số kỳ vọng.

Theo các chuyên gia, để chiến thắng trên thị trường bán lẻ hiện nay, các nhà bán lẻ cần tăng quyền lực của người tiêu dùng, thông qua công nghệ. Theo đó, người tiêu dùng ở thành thị hay nông thôn có thể mua và tùy chỉnh mọi thứ tại mọi nơi, mọi lúc. Bên cạnh đó, việc số hóa và mở rộng kênh bán hàng có thể khiến chi phí tăng lên, song về lâu dài sẽ giúp các nhà bán lẻ cắt giảm chi phí và giảm rủi ro vận hành. Đặc biệt, bán lẻ không còn đơn thuần là mua và bán, các nhà bán lẻ phải không ngừng đổi mới và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Trong đó, những giá trị văn hóa, xã hội và các chuẩn mực môi trường sống sẽ tác động mạnh mẽ đến xu hướng, hành vi của người tiêu dùng.

Theo CBRE, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội và TP.HCM trong giai đoạn 2023-2025 dự kiến đạt 440.000 m2.

Xu hướng mở rộng tại các thị trường lớn, ngoài Hà Nội và TP.HCM, kết hợp với cửa hàng flagship tại các vị trí đắc địa nhằm khẳng định thương hiệu tiếp tục được duy trì. Trong lĩnh vực ẩm thực, doanh thu được phục hồi tốt.

Nhu cầu mặt bằng bán lẻ chất lượng và có diện tích lớn sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng đáng kể của giá thuê và tỷ lệ lấp đầy trong năm 2023.

Tin bài liên quan