Bàn tròn chứng khoán: Rủi ro bán tháo đã hết?

Bàn tròn chứng khoán: Rủi ro bán tháo đã hết?

(ĐTCK) Nhà đầu tư vẫn đang giữ thái độ thận trọng trước sự hồi phục trong phiên của thị trường, bởi nỗi lo nguy cơ bẫy tăng giá (bull trap) với những phiên xả hàng ồ ạt giống như nhiều phiên vừa vẫn luôn thường trực. Liệu nguy cơ xả ồ ạt có còn xuất hiện trong thời gian tới? Cùng Báo Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.

Thị trường đang ở giai đoạn “dò đáy” và nhiều ý kiến cho rằng, chỉ số VN-Index có thể sẽ lùi sâu về kiểm tra lại ngưỡng 1.000 điểm. Quan điểm của ông/bà?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ đó là một khả năng. Nhiều mã vốn hóa lớn hồi phục nhẹ trong 2 phiên cuối tuần qua, nhưng dự báo sẽ thiết lập 1 mặt bằng giá mới ở quanh khu vực hiện nay, tức là đi ngang, hoặc giảm nhẹ so với vùng giá hiện nay.

VN-Index vì thế cũng sẽ thiết lập vùng điểm mới, loanh quanh đâu đó gần 1.000.

Rất khó có thể quay ngay trở lại vùng giá cũ và điểm số cũ, tức là trước ngày 10/4, ngày khởi đầu suy giảm của rất nhiều mã lẫn chỉ số VN-Index, trừ phi có thông tin vĩ mô nào đó có tác động thật sự tích cực trên diện rộng lên thị trường. Nhìn quanh lúc này, có lẽ chỉ còn thông tin tốt là khả năng MSCI xem xét đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng.

Ông Đăng Thanh Thế, Giám đốc chiến lược, CTCK KB Việt Nam

Từ phiên 19/4/2018, thị trường đã xác nhận xu hướng giảm giá về mặt kỹ thuật. Ngưỡng 1.000 điểm mang yếu tố tâm lý ngắn hạn nhiều hơn là điểm cân bằng cung cầu cần thiết để “tạo đáy”.

Nếu bỏ qua cổ phiếu VIC (vốn đang có những phiên giao dịch rất “lạ lùng”), thì VN-Index đã nằm dưới mốc 1.000 điểm này khá sâu. Tôi cho rằng, chỉ số thị trường đang bị “méo” khá nghiêm trọng và không phản ảnh đúng cung cầu thực tế.

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Nhìn trên đồ thị có thể nhận thấy, VN-Index có tuần suy giảm thứ 4 liên tiếp mặc dù chúng ta có kỳ nghỉ lễ dài ngày. Tuy nhiên, xét từ cây nến giảm cuối cùng đang mang đến hy vọng hồi phục khi mà chân nến khá dài, cách điểm đóng cửa tương đối lớn.

Điều đó cho thấy, lực mua bắt đáy đã gia tăng kéo chỉ số quay trở lại mặc dù khối lượng giao dịch rất thấp không phản ánh khả năng hồi phục mạnh, tất nhiên do nghỉ lễ nên số liệu này cũng không chính xác.

Bàn tròn chứng khoán: Rủi ro bán tháo đã hết? ảnh 1

 Ông Nguyễn Hữu Bình

Xét theo 1-2 phiên gần nhất, mặc dù có tín hiệu khả quan hơn nhưng cũng cần theo dõi bởi thực tế nếu xét điểm số hiện nay với mốc 1.000 điểm không quá lớn nếu nhóm trụ tiếp tục suy giảm.

Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng quan về thị trường có thể nhận thấy, đà giảm vừa qua liên quan đến một số yếu tố sau: đầu tiên là do sức căng quá mức của thị trường nên khi gặp áp lực bán mạnh của khối ngoại, đặc biệt bán ròng mạnh nhóm VN30 khiến thị trường rớt điểm nhanh chóng.

Thứ hai, do tình trạng margin quá lớn của nhà đầu tư nên áp lực càng ngày càng dồn nén lại tạo ra cú bán tháo.

Cuối cùng lại chính là tâm lý nhà đầu tư trở nên yếu ớt và mong manh. Trước kia, họ kỳ vọng bao nhiều thì nay họ lại lo ngại chính yếu tố mà họ từng kỳ vọng, nên lực mua không gia tăng để áp chế lực bán. Tuy nhiên, 1-2 phiên gần đây, áp lực bán ròng đã suy giảm, chủ yếu tập trung vào VIC - VRE mà nhiều ý kiến cho rằng, liên quan câu chuyện cố phiên VHM (Vinhomes) sắp lên sàn.

Sau ngày 9/5 tới đây, khi hạn nộp tiền chấm dứt, kỳ vọng xu hướng bán ròng sẽ chấm dứt. Một điểm nữa là nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh đến 20-30% so với đỉnh và đã tạo ra mức giá tương đối hấp dẫn nên sẽ có lực mua dần xuất hiện.

Vì thế, nếu thị trường điểu chỉnh trở lại, tôi cho rằng, mốc đáy có thể chạm tới là 970 điểm, nhưng không quá đáng ngại. Ngược lại, nếu thị trường ổn định kỳ vọng sẽ test lại mốc 1.060 điểm và sau đó là 1.120 điểm.

Ông/bà nhìn nhận như thế nào về xu hướng thị trường trong ngắn hạn?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Không bi quan như cách đây 2 tuần, khi đó tin xấu ra dồn dập, còn bây giờ thì không. Thị trường nhiều khả năng sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới trong vài phiên hoặc thậm chí 1 tuần trước khi quyết định đi tiếp như thế nào.

Cổ phiếu và chỉ số có thể giảm nhẹ, nhưng tôi không khuyến nghị bán như trước, trừ phi doanh nghiệp gặp khó khăn, căn cứ theo kết quả kinh doanh quý vừa công bố xong.

Margin có thể là một yếu tố vẫn hiện diện trên thị trường, nhưng trong 3 phiên vừa qua, tôi không thấy lượng xả nào khủng như 1-2 tuần trước. Điều mà tôi lo ngại nhất hiện nay là khối ngoại bán ròng. Trên nhiều mã, chính họ là người “đạp” giá xuống.

Ông Đăng Thanh Thế, Giám đốc chiến lược, CTCK KB Việt Nam

Xu hướng giảm giá vẫn đang được tăng cường mạnh mẽ, nhưng các nhóm cổ phiếu chủ chốt của thị trường như ngân hàng, chứng khoán đều đã lùi sát các ngưỡng hỗ trợ mạnh. Do đó, khả năng có nhịp phục hồi trong ngắn hạn cho thị trường trong tháng 5.

Bàn tròn chứng khoán: Rủi ro bán tháo đã hết? ảnh 2

 Ông Đăng Thanh Thế

Tuy nhiên, diễn biến thị trị trường chứng khoán thế giới đang xấu đi rất nhanh và cách “ứng xử” cổ phiếu đầu tàu VIC khiến nhịp hồi phục (có thể có) này trở lên khó lường, không loại trừ trường hợp các cổ phiếu có thể giảm 10 - 20% nữa mới đạt ngưỡng cân bằng ngắn hạn.

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Tôi cho rằng, giai đoạn này bớt rủi ro bán tháo nhưng khó lường bởi tâm lý nhà đâu tư yếu, đặc biệt khi họ vẫn nhìn vào giao dịch của khối ngoại để hành động.

Do đó, bất thường vẫn có thể xảy ra,  trong kịch bản xấu nhất thì VN-Index có thể giảm về mốc 970 điểm, xấu hơn là 830 điểm. Tuy nhiên, nếu kịch bản bán ròng suy giảm khi sát ngày 9/5 và từ nay đến đó VN-Index tiếp tục duy trì sự ổn định với biên độ vừa phải, thì khả năng hồi phục mốc 1.060 điểm và cao hơn là 1.120 điểm khá cao.

Nhà đầu tư vẫn đang giữ thái độ thận trọng trước sự hồi phục trong phiên của thị trường. Ông/bà suy nghĩ như thế nào về nguy cơ bẫy tăng giá (bull trap) và nhà đầu tư cần lưu ý gì về hiện tượng này?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Thứ nhất, vì cổ phiếu còn khả năng giảm, nếu nhìn vào biểu đồ kỹ thuật, nhất là nhìn vào động thái bán ròng của khối ngoại, nên sự thận trọng là đúng.

Thứ hai, thống kê giao dịch từ giữa tháng 4 đến nay, đội phân tích công ty tôi đếm được không dưới 5 lần thị trường xảy ra bulltrap trong phiên. Nhà đầu tư bắt đáy hụt nhiều, nên giờ thận trọng là đúng.

Bàn tròn chứng khoán: Rủi ro bán tháo đã hết? ảnh 3

Ông Hoàng Thạch Lân 

Tuy nhiên, tôi nghĩ sẽ vẫn có nhiều người bắt đáy nếu thị trường giảm thêm, bởi vì nhiều mã cổ phiếu cũng đã hay sắp rơi vào vùng quá bán. Tôi nghĩ, họ bắt đáy ngắn hạn, ví dụ như “đánh T+3”, chứ không phải vì thấy rẻ mà mua. Vâng, lúc này nếu đánh cách đó thì cũng có thể được, nhưng đừng đi vay margin hay đập hết tiền vào lệnh bắt đáy.

Ông Đăng Thanh Thế, Giám đốc chiến lược, CTCK KB Việt Nam

Bull trap xuất hiện liên tục trong nhịp giảm giá vừa qua của thị trường cùng với việc khối ngoại liên tục bán ròng các cổ phiếu Bluechip củng cố thêm sức mạnh của xu hướng giảm giá đã nêu trên.

Về mặt kỹ thuật, hiện tượng này có thể còn tiếp tục diễn ra cho đến khi thị trường tạo đáy ngắn hạn thực sự.

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Bull Trap (bẫy tăng giá) điển hình chính là phiên thứ Sáu (20/4) khi bất ngờ tăng mạnh nên nhiều nhà đầu tư đã mua vào. Thực tế, bẫy tăng giá chỉ nên xét khi VN-Index điều chỉnh tầm 5-10% và giá cổ phiếu giảm khoảng 10%. Còn hiện nay, khi áp lực margin giảm mạnh, giá cổ phiếu đã giảm rất lớn từ 20-30%, khả năng bẫy này không nhiều, nhưng tôi cho rằng có.

Tôi đã từng chứng kiến sự kiện này nhiều lần và giai đoạn này nếu nhà đầu tư lướt sóng T+ với hàng sẵn có không cần thận vẫn lỗ và lỗ không hề ít. Vì thế, cần thật sự chắc chắn với Trading của mình và nên xác định biên độ của giá từ đáy lên khoảng 15% là tối đa. Cổ phiếu sẽ giao dịch trong biên độ đó trong ít nhất 1 tháng. Nếu có tin tức tốt xuất hiện, có thể lúc đó mới có xu hướng tăng giá thực sự và bắt đầu thoát khỏi đà giảm.

Nhóm ngân hàng, chứng khoán đã có sự hồi phục sau thời gian giảm sâu trước đó, song hiệu ứng này vẫn chưa tạo được nhiều sức lan tỏa chung đến toàn thị trường. Theo ông/bà, đâu là chiến lược phù hợp ở giai đoạn này?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Hầu hết cổ phiếu ngân hàng đã giảm giá cùng thời điểm với chỉ số, trừ một số mã mới niêm yết sau này. Thậm chí, có những lúc chúng tôi còn cho rằng, ngân hàng là nhóm dẫn dắt thị trường đi… xuống.

Trong 2 phiên gần nhất, nhóm này cũng có hồi phục, nhưng mức độ yếu và có sự phân hóa, tức là vẫn có mã giảm thêm. Vấn đề ở đây là, có vẻ như ngân hàng đang mất dần sức dẫn dắt, tức là trụ đỡ cho chỉ số VN-Index.

Điều này không hẳn do kết quả kinh doanh của họ, vì đa số vẫn rất tốt, chỉ có một số ngân hàng liên quan đến tín dụng tiêu dùng là đang gặp phải mối nghi ngờ về rủi ro nợ xấu “đến” nhanh hơn dự báo. Ngoài ra, trên thị trường cũng có những thông tin đơn lẻ, trong đó một số có liên quan đến các đại án đang xét xử, một số là tin đồn khác.

Về chứng khoán, tôi nghĩ, cổ phiếu dòng này tăng giảm theo thị trường là điều tất nhiên. Chứng khoán không phải là nhóm dẫn dắt hay là trụ đỡ chỉ số, bởi tổng vốn hóa nhóm này không thực sự lớn so với nhiều nhóm khác.

Hơn nữa, nhà đầu tư luôn quan niệm chứng khoán như “thuyền”, còn index là “nước”. Nước nổi thì thuyền lên và ngược lại. Điều này khôngsai, vì thị trường tăng, thanh khoản sẽ tăng và công ty chứng khoán thu nhiều phí hơn.

Tự doanh cũng sẽ đóng góp nhiều lợi nhuận hơn theo cách hạch toán kế toán mới, cho dù chưa cần phải chuyển hóa thành tiền tươi thóc thật. Nay chỉ số giảm, thanh khoản giảm thì phí ít hơn, giá cổ phiếu giảm thì tự doanh cũng phải bớt lời đi, trừ một số ít công ty vừa tuyên bố “thoát” kịp trong quý I.

Do đó, đối với 2 nhóm này, tôi nghĩ nhà đầu tư có thể xem xét mua vào một phần với tính chất thăm dò hay bắt đáy T+3, tức là mua chính mã mà nhà đầu tư còn kẹt hàng. Nếu mua mới, cần xem xét kỹ biểu đồ. Nhiều mã trong 2 nhóm này dự báo sẽ đi ngang chứ không bật lại được về vùng giá cũ, nên chưa phải là lúc đánh lớn.

Ông Đăng Thanh Thế, Giám đốc chiến lược, CTCK KB Việt Nam

Chúng ta chỉ có thể nói nhóm ngân hàng - chứng khoán đã tạm ngừng đà rơi và dao động đi ngang trong những phiên gần đây. Khả năng phục hồi của nhóm này vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo tôi, chiến lược phù hợp trong giai đoạn này là đi theo xu hướng giảm giá cho đến khi thị trường xuất hiện hiện tượng bán tháo thực sự và/hoặc các giao dịch của VIC trở lại bình thường.

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Thị trường giai đoạn này chưa rõ ràng và cần có thời gian hàn gắn vết thương. Khi toàn thị trường còn lo lắng và bao trùm với lý thận trọng. thì khó có cơ hội tăng mạnh. Cần có ít nhất 1 tuần giao dịch xem xét thị trường đã dừng bán tháo hay chưa, tâm lý đã ổn định chưa thông qua một vài yếu tố sau: Thanh khoản thấp; một số cổ phiếu thay nhau tăng kịch biên độ; bán ròng của khối ngoại suy giảm; và cuối cùng thông tin hỗ trợ.

Với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu không nên ham Trading quá nhiều, mà chờ cơ hội xuất hiện rõ ràng. Càng mua đuổi, càng mua bình quân sẽ càng khiến nhà đầu tư cảm thấy luôn bất an trước sự bất ổn của giá. Khi cơ hội rõ nét xuất hiện, nhà đầu tư có thể tận dụng trading để thu lợi nhuận ngắn hạn.

Nhìn về dài hạn tôi vẫn cho rằng, thị trường năm 2018 sẽ đạt đỉnh tại 1.250-1.300 điểm. Có nghĩa là thị trường sẽ sớm tăng trở lại và nhóm hấp dẫn nhất vẫn là tài chính - ngân hàng, tiêu dùng, công nghiệp và công nghệ. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu nhóm MIDCAP chưa tăng giá 1-2 năm nay và có mức định giá rất hấp dẫn nhưng lại bị dòng tiền bỏ quên.

Có thể xu hướng sắp tới, ngoài những nhóm lead thị trường như tài chính - ngân hàng, nhóm trụ (VN30), thì nhóm MIDCAP này sẽ có thêm cơ hội. Do đó, nhà đầu tư nên tìm hiểu cặn kẽ những cổ phiếu có thông tin hỗ trợ bởi đó mới chính là yếu tố giúp giá gia tăng cho danh mục của mình.

Tin bài liên quan