6 tháng đầu năm, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 19 DNNN

6 tháng đầu năm, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 19 DNNN

Bán vốn Nhà nước: Lấy hiệu quả thực chất là chính

(ĐTCK) Không chạy theo tiến độ, lấy thực chất là chính, tránh chuyện dồn ép mà không đạt hiệu quả tối đa. Đó là phương châm được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN  sáng 25/7/2018.

Cũng theo Phó Thủ tướng, số lượng DN niêm yết sau cổ phần hóa rất thấp, mới chỉ có 150 trong số khoảng 700 DNNN đã cổ phần hóa. Chính điều này đã làm giảm tính hiệu quả trong bán vốn nhà nước.

Chậm do đâu?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN đánh giá, tiến độ cổ phần hóa DNNN, bán vốn nhà nước còn chậm, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt triển khai và cần có nỗ lực lớn trong 6 tháng cuối năm để hoàn thành cao nhất kế hoạch đề ra của năm 2018.

Trong đó điển hình là Hà Nội và TP. HCM. Theo kế hoạch, TP. HCM phải thực hiện cổ phần hóa 39 DN, Hà Nội phải thực hiện cổ phần hóa 11 DN  (lần lượt chiếm 61% và 17,1% kế hoạch cổ phần hóa năm 2018 của cả nước), nhưng đến nay chưa cổ phần hóa được DN nào. Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều DN  phải thực hiện thoái vốn như: Hà Nội, Bộ Xây dựng, Bình Định, Bắc Giang… vẫn đang triển khai thực hiện, nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả.

Theo Phó Thủ tướng, số lượng DNNN cổ phần hóa niêm yết trên TTCK rất thấp, mới chỉ có 150 trong số khoảng 700 DNNN đã cổ phần hóa thực hiện niêm yết. Chính điều này đã làm giảm tính hiệu quả trong bán vốn nhà nước.

Đối với việc chậm thực hiện kế hoạch cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra vướng mắc lớn nhất là xác định, phê duyệt giá trị đất đai của DNNN cổ phần hoá. Ví dụ Vinafood2, sở hữu diện tích đất nông nghiệp hàng triệu ha, ở nhiều địa phương, trước khi cổ phần hóa, Bộ chủ quản và các địa phương phải xác định xong phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, nhưng chỉ TP. HCM chậm xác định giá đất đã làm chậm kế hoạch cổ phần hóa của DN (sau này Vinafood 2 phải đưa chi tiết này vào Bản cáo bạch trước khi cổ phần hoá). Bên cạnh đó là các nguyên nhân như TTCK giảm mạnh trong vài tháng qua, nhiều DN có quy mô lớn tiến hành bán vốn; bán vốn theo kế hoạch nhưng các hướng dẫn chưa được các bộ ban hành đầy đủ…

Không chạy theo tiến độ, lấy hiệu quả thực chất

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thẳng thắn thừa nhận, việc bán vốn Nhà nước của SCIC thực hiện còn chậm so với kế hoạch. Tới nay SCIC đã hoàn thành thủ tục bán vốn tại 7 DN, nhưng mới thành công được 5 DN, còn 2 DN nhà đầu tư “thấy hớ” nên rút tiền đặt cọc. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm mà SCIC thu được 2.650 tỷ đồng, trừ chênh lệch giá vốn, số tiền thu được là 2.400 tỷ đồng. Điểm thuận lợi là SCIC đã làm sớm khi TTCK đang hưng phấn, còn hiện nay thị trường ở giai đoạn phập phù, việc thoái vốn Nhà nước không còn dễ dàng.

Kiến nghị giải pháp, ông Nguyễn Đức Chi cho rằng cần tập trung vào định giá giá trị cổ phần và xác định giá khởi điểm. Về định giá nên thuê hai đơn vị chức năng độc lập gồm một đơn vị định giá và một đơn vị tư vấn thay vì chỉ thuê một đơn vị tư vấn cả quá trình thoái vốn và đề xuất giá khởi điểm như hiện nay.

“Về giá khởi điểm, quy định tại Nghị định 32 xác định đối với DN đã niêm yết phải công bố thông tin cùng giá khởi điểm ít nhất 20 ngày trước đấu giá. Trong 20 ngày tối thiểu đó có 15 phiên giao dịch. Về lý thuyết, nếu TTCK tăng 7%/phiên và sau 15 ngày giao dịch thì giá tăng 100% thì nhà đầu tư phải trả tiền theo giá sàn của ngày đấu giá. Như vậy giá cao quá so với giá xác định ban đầu thì họ không mua được, phải rút và họ lại mất tiền đặt cọc. Đây là điểm khó cho nhà đầu tư”, Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi phân tích.

Phó Thủ tướng cho rằng, vấn đề SCIC nêu ra là lo ngại của nhà đầu cơ, còn nhà đầu tư thực sự họ vẫn có thể chốt thương vụ, như trường hợp của Vinamilk. Phó Thủ tướng nhận định: “Mặc dù 6 tháng đầu năm số lượng DNNN cổ phần hoá, bán vốn ít, chậm so với kế hoạch, nhưng đều là những DN quy mô lớn, số vốn Nhà nước thu về nhiều. Đây là độ sâu của cổ phần hóa hiện nay khi mà trước đây cổ phần hoá, bán vốn ở nhiều DN nhưng số vốn Nhà nước bán ra lại nhỏ. Phải đề cao chất lượng cổ phần hóa là Nhà nước có lợi nhiều nhất, nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN sau cổ phần hoá”.

Liên quan đến tiến độ cổ phần hóa, ông Nguyễn Đức Chi cho rằng cần phải nhìn vào thực tế của thị trường hiện nay khi TTCK xuống thấp mà vẫn yêu cầu bán vốn Nhà nước theo thị trường sẽ không được giá tốt. Ông kiến nghị có những trường hợp cụ thể có thể cho chậm lại cổ phần hóa, bán vốn để đảm bảo lợi ích cho nhất cho Nhà nước.

Bên cạnh đó, những DN  trong danh sách chuyển giao sang SCIC theo kế hoạch của Thủ tướng phê duyệt thì phải tạo điều kiện chuyển giao sang nhanh để đảm bảo tiến độ. Hiện nay, Bộ Công Thương còn nhiều DN chậm quyết toán sau cổ phần hóa nên vẫn chưa chuyển sang SCIC.

Để hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng giao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ban chỉ đạo nhanh chóng hoàn thiện báo cáo tình hình, kế hoạch triển khai trong 6 tháng cuối năm để trình Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan để đôn đốc, giám sát; các bộ rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật, thông tư hướng dẫn các nghị định của Chính phủ về cổ phần hoá, bán vốn. “Phương châm đặt ra là không chạy theo tiến độ, lấy thực chất là chính, tránh chuyện dồn ép mà không đạt hiệu quả tối đa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Theo báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 19 DNNN, tổng giá trị DN là 40.672,09 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước là 23.084,23 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 58,83% vốn điều lệ, bán cho nhà đầu tư chiến lược 40,66% vốn điều lệ, bán cho người lao động 0,51% vốn điều lệ.

Nửa năm 2018, đã có 16 DN đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và bán cho cổ đông chiến lược. Trong số 16 DN này có một số DN  quy mô lớn như: Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Thương mại Hà Nội…

Về thoái vốn nhà nước tại DN, các bộ, địa phương đã thoái vốn nhà nước tại 42 DN với giá trị sổ sách 1.813 tỷ đồng, thu về 5.598 tỷ đồng (gấp 3,08 lần giá trị sổ sách), trong đó 10 DN  thuộc danh sách thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg.

Tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28.055,29 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng (năm 2016 là 30.000 tỷ đồng; năm 2017 là 140.000 tỷ đồng).

Tin bài liên quan