Bank - Chứng - Thép trở lại dẫn dắt, VN-Index bay cao trong phiên đầu tuần mới

Bank - Chứng - Thép trở lại dẫn dắt, VN-Index bay cao trong phiên đầu tuần mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù dòng tiền tham gia thị trường khá yếu, nhưng với sự trở lại của bộ 3 trụ cột Bank - Chứng - Thép, đã giúp VN-Index tiếp tục tiến bước và áp sát mốc 1.090 điểm.

Trong bối cảnh dòng tiền tham gia khá mỏng và chỉ số chung đang tiệm cận lại vùng kháng cự 1.080-1.085 điểm, hầu hết giới phân tích đều lo ngại nhịp hồi phục sẽ sớm dừng lại. Tuy nhiên, phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 6/11 đã diễn ra khá thuận lợi nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip, với điểm tựa chính từ các mã ngân hàng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau gần 30 phút mở cửa lình xình, VN-Index đã nới nhẹ biên độ và thử thách lại mốc 1.085 điểm. Dù sau đó chỉ số này có rung lắc để test lại vùng giá này, nhưng đợt khớp lệnh ATC lại một lần nữa đem lại niềm vui cho thị trường.

Lực cầu khá tích cực trong đợt khớp lệnh ATC đã giúp bảng điện tử trở nên xanh hơn, đồng thời kéo chỉ số VN-Index lên mức giá cao nhất trong ngày, áp sát mốc 1.090 điểm. Tuy nhiên, niềm tin thị trường quay lại xu hướng hồi phục là khá mong manh, được minh chứng bởi thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức khá thấp.

Kết phiên, sàn HOSE có 367 mã tăng và 176 mã giảm, VN-Index tăng 12,88 điểm (+1,2%), lên 1.089,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 692,79 triệu đơn vị, giá trị 14.079,18 tỷ đồng, cùng giảm 8,5% cả về khối lượng và giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 3/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 121,35 triệu đơn vị, giá trị 3.038,2 tỷ đồng, trong đó 3 cổ phiếu là EIB, HPG, MSN đóng góp tới hơn 600 tỷ đồng mỗi mã.

Nhóm VN30 có diễn biến lạc quan hơn thị trường chung khi ghi nhận mức tăng hơn 17 điểm và đã vượt thành công ngưỡng 1.100 điểm, với 24 mã tăng và chỉ còn 4 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu bán lẻ MWG vẫn dẫn đầu xu hướng giảm khi để mất 2,3%, đóng cửa đứng tại mức giá 38.050 đồng/CP, với thanh khoản đạt xấp xỉ 12,64 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngân hàng VPB tiếp tục nới nhẹ đà tăng so với phiên sáng và đóng cửa đứng tại mức giá 20.800 đồng/CP, tăng 5,1%. Ngoài ra, trong top tăng mạnh xuất hiện khá nhiều mã bank khác như SSB tăng 4,1%, TPB, STB, MBB đều tăng hơn 3%...

Xét về nhóm ngành, với diễn biến đồng loạt đua nhau khởi sắc, ngoại trừ OCB giảm 1,8% và HDB giảm 0,54%, cùng TCB và MSB đứng giá tham chiếu, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã đóng vai trò khá quan trọng giúp thị trường duy trì đà tăng khá tốt. Trong đó, VPB vẫn là mã có đóng góp lớn nhất với hơn 2 điểm vào chỉ số chung của thị trường.

Bên cạnh đó, STB tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản của ngành khi có xấp xỉ 26,75 triệu đơn vị khớp lệnh thành công, trong đó riêng đợt khớp lệnh ATC đạt hơn 1 triệu đơn vị, đã giúp mã này đóng cửa xấp xỉ mức giá cao nhất trong ngày.

Nhóm chứng khoán cùng xu hướng chung của thị trường khi đồng loạt đều giao dịch khởi sắc. Trong đó, tăng tốt nhất là VCI và CTS cùng đạt hơn 3%, còn lại chủ yếu tăng hơn 1%. Cổ phiếu giao dịch sôi động nhất ngành là VIX cũng khởi sắc trở lại và đóng cửa tăng 1,5% lên mức 13.850 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,57 triệu đơn vị.

Nhóm còn lại trong bộ ba bank – chứng – thép có diễn biến tích cực hơn. Bên cạnh HPG tăng 2,6% với thanh khoản thuộc top 5 mã dẫn đầu thị trường khi có hơn 20 triệu đơn vị khớp lệnh, cổ phiếu HSG và NKG cũng đều đóng cửa cửa ở mức giá cao nhất trong ngày, tương ứng tăng 2,8% và 1,3%.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, các mã nóng như NVL, DIG, DXG, CII, KBC, VCG… đã đồng loạt hồi phục sắc xanh. Trong đó, NVL đóng cửa tăng 1,7% lên mức 14.800 đồng/CP và thanh khoản dẫn đầu thị trường với hơn 27,9 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi tất cả các nhóm ngành đều đã lấy lại được sắc xanh, thì duy nhất nhóm cổ phiếu bán lẻ chưa thoát khỏi xu hướng điều chỉnh nhẹ, chủ yếu do MWG đảo chiều giảm hơn 2,3%.

Trên sàn HNX, thị trường đã nới rộng đà tăng nhờ diễn biến khởi sắc ở nhóm cổ phiếu bluechip.

Đóng cửa, sàn HNX có 97 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 1,85 điểm (+0,85%) lên 219,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 76,17 triệu đơn vị, giá trị 1.303,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,92 triệu đơn vị, giá trị 49,95 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30, chỉ còn 5 mã chưa thoát khỏi xu hướng điều chỉnh là PSI, BCC, PVG, HUT, L18 nhưng mức giảm không quá lớn chỉ trên dưới 1%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu có đóng góp lớn là SHS. Sau diễn biến rung lắc và đã tìm lại đà tăng nhẹ ở phiên sáng, lực cầu tiếp tục hấp thụ mạnh, đã giúp SHS nới rộng đà tăng trong phiên chiều. Đóng cửa, SHS tăng 4,6% lên mức giá cao nhất ngày 16.000 đồng/CP với thanh khoản vượt trội đạt hơn 33,88 triệu đơn vị.

Bên cạnh lực cầu trong nước sôi động, nhà đầu tư ngoại cũng có đóng góp không nhỏ khi tiếp tục đẩy mạnh giải ngân cổ phiếu SHS. Trong phiên hôm nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 7 triệu cổ phiếu SHS.

Xét về nhóm ngành, với sức nóng của SHS, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã trở thành tâm điểm của sàn HNX trong phiên chiều. Các mã khác trong ngành cũng đua nhau khởi sắc như VIG tăng 4,5%, MBS tăng 1,6%, BVS tăng 1,3%...

Ở nhóm bất động sản, tâm điểm đáng chú ý là CEO đã lấy lại sắc xanh sau diễn biến rung lắc ở phiên sáng. Đóng cửa, CEO tăng 1,4% lên mức 22.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua SHS, với hơn 10 triệu đơn vị, bỏ xa vị trí tiếp theo là HUT khớp lệnh 3,92 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường đã nhận tín hiệu lạc quan ở sàn niêm yết và nới rộng biên độ tăng về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,89 điểm (+1,06%), lên 85,05 điểm với 184 mã tăng và 75 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,71 triệu đơn vị, giá trị 395 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,15 triệu đơn vị, giá trị 158,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR giao dịch rung lắc do áp lực bán chốt lời gia tăng. Đóng cửa, BSR đứng giá tham chiếu 18.600 đồng/CP, thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với hơn 4,93 triệu đơn vị.

Một số mã tăng tốt đã hỗ trợ cho thị trường UPCoM là VGI tăng 2,8%, QNS tăng 3,2%, VEA tăng 4,3%...

Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, SBS đóng cửa tăng 3,1% và AAS tăng 4,7%, đều đóng cửa tại mức giá cao nhất trong ngày là 6.700 đồng/CP và 9.000 đồng/CP, khối lượng giao dịch cùng đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng. Trong đó, VN30F2311 kết phiên tăng 19 điểm (+1,7%) lên 1.106 điểm, khớp lệnh lớn nhất với 245.465 đơn vị, khối lượng mở gần 50.260 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm ưu thế, trong đó CVPB2307 dẫn đầu thanh khoản với hơn 7 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 6,3% lên mức 170 đồng/cq. Tiếp theo là CHPG2325 khớp 3,29 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 20% lên 360 đồng/cq.

Tin bài liên quan