Cơ sở pháp lý
Trước tiên, Luật Kế toán ban hành ngày 17/6/2003, Điều 29 quy định các DN phải lập BCTC tuân thủ chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán Việt Nam. Theo đó, cùng với việc Bộ Tài chính ban hành Chuẩn mực số 25 - BCTCHN và các khoản đầu tư vào công ty con, ngày 30/12/2003, quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp lập và trình bày BCTCHN của một tập đoàn gồm nhiều công ty chịu sự kiểm soát hoặc chi phối của công ty mẹ, lập BCTCHN trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với các tập đoàn, bao gồm cả tổng công ty nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Luật Chứng khoán ban hành ngày 29/6/2006, Điều 16 một lần nữa nhấn mạnh, các công ty cổ phần niêm yết, cổ phần đại chúng thuộc đối tượng phải lập BCTCHN thì phải công bố BCTCHN định kỳ. Quy định này cũng áp dụng trong trường hợp các công ty này công bố thông tin cho mục đích niêm yết chứng khoán hoặc chào bán chứng khoán ra công chúng. Như vậy, đối với các công ty, tập đoàn có sở hữu cổ phần chi phối hoặc kiểm soát các công ty khác thì việc lập BCTCHN là yêu cầu bắt buộc.
Nhu cầu sử dụng
BCTC của DN là công cụ hữu hiệu nhất cung cấp thông tin tài chính cho nhiều đối tượng quan tâm, bao gồm nhà quản lý, nhà đầu tư, cơ quản quản lý nhà nước cũng như các đối tác khác. Giả sử một DN (được gọi là công ty mẹ) sở hữu cổ phần kiểm soát hoặc chi phối các công ty khác (công ty con và công ty liên kết), dẫn tới sự hình thành một "thực thể kinh tế" mới với quy mô và tiềm lực lớn hơn. Dựa trên quyền kiểm soát và chi phối của mình, công ty mẹ có thể gây ảnh hưởng hoặc thậm chí quyết định các giao dịch phát sinh tại các công ty con và công ty liên kết, bao gồm cả giao dịch giữa các công ty này, qua đó ảnh hưởng đến tình hình tài chính của từng công ty. Trong bối cảnh như vậy, BCTC của các đơn vị một cách riêng lẻ sẽ không có nhiều ý nghĩa, do các giao dịch kinh tế phát sinh được phân tích, đánh giá và thực hiện không chỉ bó hẹp trong từng DN, mà theo khuôn khổ "thực thể kinh tế" nói trên, thường được gọi là tập đoàn. Điều này cũng giải thích cho sự ra đời và ý nghĩa kinh tế của BCTCHN của các tập đoàn.
Dưới góc độ của nhà quản lý, việc nắm bắt tổng thể tình hình tài chính của tập đoàn là rất quan trọng trong việc quản lý hoạt động, định hướng phát triển và phân bổ nguồn lực. Do đó, tình hình tài chính của DN không đơn thuần chỉ là các số liệu, thông tin được phản ánh trên BCTC riêng của chính DN đó, mà phải là các thông tin tài chính trên BCTCHN của "thực thể kinh tế" nói trên.
Đối với nhà đầu tư, họ cũng cần nắm được tổng thể tình hình tài chính, nguồn vốn đầu tư được thực hiện và phân bổ như thế nào trong cả tập đoàn. Đồng thời, kết quả kinh doanh của tập đoàn cũng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các cổ đông, chứ không đơn thuần chỉ là kết quả kinh doanh của công ty mẹ. Trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là đối với các DNNN, các tập đoàn kinh tế của nhà nước thực hiện quá trình cổ phần hóa gắn liền với việc niêm yết cổ phiếu và chào bán chứng khoán ra công chúng thì nhu cầu sử dụng BCTCHN của nhà đầu tư càng trở nên cần thiết hơn.
Ngoài ra, một thực tế đáng quan tâm hiện nay là vấn đề huy động vốn của các DN, trong cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Nguồn vốn trong nước huy động càng ngày càng khó khăn trong bối cảnh Chính phủ có chủ trương thắt chặt tín dụng, kiềm chế lạm phát. Không những nguồn vốn đầu tư bị giảm sút, mà chi phí huy động cao đã trở thành rào cản cho quá trình tăng trưởng, phát triển của các DN. Vấn đề minh bạch thông tin tài chính càng trở nên cấp thiết hơn đối với nhà quản lý nhằm tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn vươn ra các thị trường tài chính lớn trên thế giới, nơi có nguồn vốn huy động với chi phí thấp hơn. Vấn đề lập BCTCHN tuân thủ theo cả chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực BCTC quốc tế càng trở nên cần thiết và là điều kiện bắt buộc để có thể tiếp cận với các nguồn vốn này.
Thực trạng và giải pháp
Quy trình và hệ thống kế toán tại mỗi DN được xây dựng trên cơ sở đặc thù mô hình sở hữu và quản lý của mỗi DN. Vài năm trở lại đây, quá trình thay đổi về sở hữu, thay đổi về mô hình, cơ cấu tổ chức quản lý tại các DN đã và đang diễn ra. Tuy nhiên, việc thay đổi về cơ cấu tổ chức và vận hành của bộ máy kế toán có thể chưa được tiến hành đồng thời và phù hợp với sự thay đổi của cơ cấu quản lý, sở hữu. Điều này có thể thấy rất rõ khi trong thời gian gần đây, các tập đoàn kinh tế nhà nước thành lập nhiều công ty con, công ty thành viên và công ty liên kết. Tuy nhiên, công tác kế toán tại các công ty con này được tổ chức và vận hành ra sao cho phù hợp với mô hình chung của tập đoàn cũng như đáp ứng được yêu cầu thông tin cho quá trình lập BCTCHN của cả tập đoàn thì không phải lúc nào cũng có câu trả lời thích đáng. Qua tìm hiểu, khó khăn của các DN trong việc lập BCTCHN có thể được nhìn nhận ở các khía cạnh sau:
Ông Trần Phú Sơn hiện là Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam. Ông là Thạc sỹ chuyên ngành kế toán tại Trường đại học Monash, Australia; là thành viên Hiệp hội Kế toán viên Công chứng Australia (CPA Australia); đồng thời là thành viên Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA). Dưới đây, ông Sơn chia sẻ một số phân tích, đánh giá về nhu cầu sử dụng báo cáo tài chính hợp nhất (BCTCHN) và một số vấn đề mang tính chất quản lý trong quá trình lập báo cáo tài này. - Thông tin lập BCTC được cung cấp không đầy đủ, đôi khi chưa phù hợp. Tại nhiều đơn vị, việc các công ty con, công ty thành viên nộp BCTC lên công ty mẹ một cách định kỳ cho mục đích quản lý nhiều hơn là cho mục tiêu hợp nhất BCTC. Do đó, các thông tin này không được thiết kế cho mục tiêu hợp nhất, dẫn đến không cung cấp đầy đủ thông tin phù hợp cho quá trình hợp nhất BCTC. Hơn thế, trong cùng một tập đoàn, một tổng công ty thì đôi khi số liệu báo cáo của các đơn vị thành viên cũng không nhất quán với nhau về chính sách, mẫu biểu… làm cho quá trình hợp nhất gặp nhiều khó khăn. - Thông tin lập BCTC không được cung cấp kịp thời.
- Kinh nghiệm, trình độ của một bộ phận đội ngũ nhân sự kế toán thực hiện công tác lập BCTCHN chưa cao.
Có thể khái quát rằng, công tác lập BCTCHN của một số DN không được lập kế hoạch chi tiết một cách đầy đủ. Do đó, đến cuối năm tài chính, khi đặt ra vấn đề lập BCTCHN thì các khó khăn mới được đề cập. Ngoài khó khăn về nhân sự thì các thông tin phục vụ cho quá trình hợp nhất thường là không đầy đủ, không kịp thời và không đủ chất lượng đáp ứng yêu cầu hợp nhất. Lý do đơn giản là các thông tin này đã không được theo dõi đầy đủ và theo một mẫu biểu thống nhất từ khi nó phát sinh.
Chúng tôi cho rằng, để việc lập BCTCHN được đơn giản, thuận tiện, đi vào thực tế và đáp ứng đòi hỏi về chất lượng cũng như tiến độ thì công tác tổ chức kế toán cần được tổ chức trên phạm vi toàn bộ tập đoàn, toàn bộ hệ thống các công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết và không có sự tách biệt đáng kể giữa kế toán công ty mẹ, công ty con hay kế toán hợp nhất BCTC. Trong quá trình tổ chức công tác kế toán tại các công ty con, công ty liên kết thì mục tiêu phục vụ cho quá trình hợp nhất cũng là mục tiêu bắt buộc. Các gợi ý sau đây của chúng tôi về quá trình tổ chức công tác kế toán trên phạm vi toàn bộ tập đoàn được đưa ra dựa trên kinh nghiệm thực tế, các khảo sát và đánh giá của chúng tôi trong quá trình cung cấp dịch vụ cho các DN thuộc đối tượng yêu cầu phải lập BCTCHN.
Thứ nhất, đồng nhất quy trình khóa sổ và lập BCTCHN.
Quy trình khóa sổ kế toán và lập BCTC cần được xây dựng và triển khai áp dụng đồng bộ cho tất cả các đơn vị trong tập đoàn. Quy trình đồng nhất này phải đảm bảo một số yêu cầu tối thiểu sau:
- Đồng nhất về chính sách kế toán áp dụng: các hoạt động kinh doanh tương tự nhau trên phạm vi toàn bộ tập đoàn cần được ghi nhận và xử lý theo cùng một chính sách, một phương pháp thống nhất. Điều này đảm bảo số liệu ghi nhận giữa các đơn vị có sự tương đồng và thể hiện đầy đủ hoạt động của toàn bộ tập đoàn. Quá trình này không chỉ bao gồm đồng bộ các chính sách ghi nhận nghiệp vụ kinh tế phát sinh, mà còn đồng bộ về quá trình lập BCTC, đồng bộ các thủ tục kiểm soát được thiết lập trong các quá trình như thực hiện các bút toán điều chỉnh cuối kỳ, quá trình soát xét, kiểm tra và phê duyệt BCTC.
- Đồng nhất hệ thống mẫu biểu báo cáo: các mẫu biểu báo cáo, bao gồm cả báo cáo tổng hợp và báo cáo chi tiết cần được quy định đầy đủ, đồng nhất và thống nhất áp dụng giữa tất cả các đơn vị thành viên.
- Quy định về thời hạn hoàn thành báo cáo tại các đơn vị: để đáp ứng yêu cầu về thời gian hoàn thành BCTCHN thì BCTC tại các công ty con, công ty liên kết trong tập đoàn cũng cần phải được hoàn thành trong thời gian phù hợp.
Thứ hai, hướng dẫn và giám sát thực hiện.
Các hệ thống chính sách, thủ tục, mẫu biểu đã được thiết lập cần được phổ biến đầy đủ tới các đơn vị thành viên, tới những người trực tiếp làm nhiệm vụ ghi chép kế toán phục vụ cho quá trình hợp nhất. Việc đào tạo, phổ biến kiến thức cần được làm thường xuyên, nhằm đảm bảo hệ thống nhân sự kế toán nắm bắt, cập nhật đầy đủ những yêu cầu mới, những khó khăn phát sinh. Quá trình này cũng nhằm đảm bảo trong trường hợp có sự thay đổi về nhân sự kế toán thì những người mới đảm trách công việc có thể đáp ứng yêu cầu. Việc lập thử nghiệm BCTCHN có thể được tiến hành để xác định trước các vấn đề phát sinh và có thời gian xử lý kịp thời.
Trong quá trình lập BCTCHN, các DN cũng nên có một bộ phận hoặc cán bộ giám sát quá trình hợp nhất. Quá trình giám sát có thể đối với việc thực hiện ghi chép ban đầu tại các đơn vị thành viên, việc tuân thủ các quy định về mẫu biểu, thông tin, chính sách cũng như đáp ứng yêu cầu về thời hạn. Bộ phận giám sát cũng có thể là nơi nắm bắt và giải đáp các thắc mắc, khó khăn phát sinh tại các đơn vị. Đảm bảo rằng, các vấn đề phát sinh tại mỗi đơn vị cục bộ đã được giải quyết trước khi lập báo cáo và hơn nữa, nếu đó là những vấn đề liên quan đến toàn bộ tập đoàn thì cần được phổ biến đến tất cả các đơn vị liên quan.