Trong quý I/2023, việc khai thác doanh thu phí bảo hiểm mới bán qua kênh đại lý cũng như bancassurance đều giảm mạnh

Trong quý I/2023, việc khai thác doanh thu phí bảo hiểm mới bán qua kênh đại lý cũng như bancassurance đều giảm mạnh

Bảo hiểm nhân thọ lo giảm tăng trưởng kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh thu phí mới quý I/2023 sụt giảm mạnh, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận, khó khăn trong quý II này vẫn chưa qua đi, đặc biệt sau “cuộc khủng hoảng truyền thông” được coi là lớn nhất lịch sự ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam liên quan tới hợp đồng bảo hiểm mới đây.

Quý I/2023: Doanh thu phí mới giảm 22%

Số liệu thống kê chính thức do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) vừa công bố cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng số lượng hợp đồng cuối kỳ ước đạt 13.686.362 hợp đồng chỉ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 37.849 tỷ đồng, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới giảm tới hơn 22% - theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

“Những thông tin nhiễu loạn trên thị trường thời gian qua khiến niềm tin của người dân vào bảo hiểm nhân thọ trở nên lung lay hơn bao giờ hết. Bán mới khó khăn và tuyển dụng đại lý mới cũng vất vả không kém”, đại diện một doanh nghiệp nhân thọ cho hay.

Được biết, trong quý I/2023, việc khai thác doanh thu phí bảo hiểm mới bán qua kênh đại lý của toàn thị trường đều giảm sút, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận tăng trưởng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tương tự, ở kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), phí khai thác mới của hầu hết doanh nghiệp có thị phần đứng đầu cũng đều giảm mạnh.

Sau những lùm xùm về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ liên tiếp diễn ra, hầu hết công ty bảo hiểm đều phải tập trung vào công tác tái tư vấn, giải thích cho khách hàng hiểu hơn thông tin về thời hạn hợp đồng, thời gian đóng phí, quyền lợi sản phẩm đã mua…, cũng như các quyền và nghĩa vụ của khách hàng liên quan tới hợp đồng đã ký. Nhiều khách hàng sau khi được tái tư vấn đã nắm rõ hơn về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình khi mua bảo hiểm và quyết định duy trì việc đóng phí, song cũng có không ít người vì những ồn ào trên thị trường mà hủy bỏ hợp đồng.

Thực tế, việc khách hàng hủy hợp đồng trước thời hạn không chỉ gây thiệt hại cho nhà bảo hiểm, mà còn cho chính mình, bởi theo quy định, trong 3-5 năm đầu (tùy từng sản phẩm), hợp đồng bảo hiểm sẽ không có giá trị hoàn lại, chưa kể những rủi ro khác có thể xảy ra sau khi hủy…

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Việt Nam, tình trạng hủy hợp đồng bảo hiểm trong khoảng 3 năm đầu tham gia không chỉ diễn ra khá phổ biến ở thị trường bảo hiểm Việt Nam, mà còn ở các thị trường khác và trong trường hợp này, hầu hết đều không nhận được giá trị hoàn lại, nếu có thì cũng rất ít so với số tiền đã đóng. Đây là quy luật đã tồn tại hàng trăm năm nay trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.

Bước tiếp sau khủng hoảng

Khủng hoảng truyền thông là một lý do quan trọng, nhưng việc khai thác khách hàng mới không tăng còn do khó khăn kinh tế sau dịch. Chính vì vậy, thách thức sẽ chưa qua đi trong quý II/2023 và có thể tiếp tục là một quý tăng trưởng âm.

“Khủng hoảng truyền thông là một lý do quan trọng, nhưng tôi cho rằng, việc khai thác khách hàng mới không tăng và những trường hợp khách hàng không tiếp tục đóng phí bảo hiểm còn do khó khăn kinh tế sau dịch. Chính vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận, thách thức sẽ chưa qua đi trong quý II/2023 và có thể tiếp tục là một quý tăng trưởng âm. Dù vậy, việc tái tư vấn để duy trì các hợp đồng hiện hữu sẽ tiếp tục được các nhà bảo hiểm ưu tiên thực hiện”, đại diện một doanh nghiệp nhân thọ nhìn nhận, đồng thời chia sẻ thêm, một số công ty bảo hiểm đã triển khai chương trình khuyến khích khách hàng có hợp đồng bảo hiểm (phát hành trong giai đoạn gần đây) đang trong diện mất hiệu lực tiếp tục đóng phí để khôi phục lại.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản liên quan nhằm thúc đẩy sự ổn định, lành mạnh của thị trường bảo hiểm nói chung, thị trường nhân thọ nói riêng. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, làm rõ phản ánh về các bất cập liên quan đến đại lý bảo hiểm độc quyền tại ngân hàng, tình trạng ép buộc, lôi kéo khách hàng tham gia bảo hiểm của ngân hàng.

“Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp chấn chỉnh, không để tạo dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, cũng như quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Trước đó, IAV cũng đã có nhiều buổi làm việc với từng bộ phận, kênh phân phối của các công ty bảo hiểm nhân thọ và thống nhất cam kết tiến hành rà soát hoạt động đào tạo, đảm bảo tuân thủ đúng chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính, đồng thời thực hiện các hình thức đào tạo bổ sung, cập nhật kiến thức phù hợp để nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn; tiếp tục cải tiến quy trình tư vấn, bán hàng, thẩm định, dịch vụ khách hàng và giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng; tăng cường quy trình kiểm soát nội bộ, công tác quản trị rủi ro để hạn chế tối đa tranh chấp, khiếu nại của khách hàng; cam kết hỗ trợ và xử lý khiếu nại của khách hàng một cách nhanh chóng, công bằng, minh bạch nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm bảo hiểm, đồng thời cải tiến chất lượng, hình thức tiếp cận… để giúp bảo hiểm trở nên đơn giản, dễ hiểu hơn với người dân.

Nhìn nhận ở góc độ tích cực hơn, một chuyên gia trong ngành cho rằng, sự kiện khủng hoảng truyền thông trong ngành bảo hiểm nhân thọ mới đây cũng khiến người mua bảo hiểm thay đổi suy nghĩ “chơi” bảo hiểm như trước đây, thay vào đó sẽ phải đọc và tìm hiểu kỹ hơn các quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia bảo hiểm.

Đây cũng là cơ hội để thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng nhìn nhận lại những điểm còn hạn chế trong dịch vụ, sản phẩm, chất lượng tư vấn cũng như quy trình xử lý khiếu nại của khách hàng để xây dựng một môi trường kinh doanh bảo hiểm ngày càng minh bạch và bền vững hơn.

Nói như ông Kino McCartney, nguyên Chủ tịch GAMA Bahamas tại chương trình hội thảo trực tuyến GAMA Vietnam mới đây rằng: “Ai cũng phải đối diện với những thời điểm khủng hoảng, công việc của những người tư vấn bảo hiểm là giúp khách hàng sẵn sàng ứng phó những giai đoạn khủng hoảng trong cuộc đời của họ, vậy sao phải lo lắng khi khủng hoảng xảy ra với mình?”.

Tin bài liên quan