Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH xảy ra tràn lan là do chính sách pháp luật còn nhiều kẽ hở

Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH xảy ra tràn lan là do chính sách pháp luật còn nhiều kẽ hở

Bảo hiểm xã hội bất lực trước món nợ 11.000 tỷ đồng

Tổng số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) trên cả nước đã lên tới hơn 11.000 tỷ đồng, trong khi các biện pháp đòi nợ vẫn tỏ ra bất lực.

Con số khổng lồ hơn 11.000 tỷ đồng là thống kê tiền nợ BHXH lũy kế đến hết tháng 3/2014 của tất cả các doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước, theo báo cáo của cơ quan BHXH Việt Nam. Nếu so với cùng kỳ năm 2013, tổng số nợ đọng, trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp đã tăng thêm 2.000 tỷ đồng, với các hành vi chiếm dụng ngày càng tinh vi và phổ biến hơn, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi chính đáng của hàng trăm ngàn lao động.

Câu chuyện thời sự nhất đang diễn ra ở Công ty TNHH một thành viên PIA Toàn Cầu (quận 12, TP.HCM) là minh chứng cụ thể cho việc quyền lợi chính đáng của người lao động bị xâm hại một cách cực kỳ tinh vi.

Là công ty 100% vốn Hàn Quốc, đang hoạt động bình thường, thậm chí vẫn liên tục tăng ca, nhưng sau khi xuất hết hàng đợt đầu tháng 4 vừa qua, cả 3 người thuộc ban giám đốc công ty đột ngột biến mất, không thể liên lạc được. Từ đó đến nay, gần 400 công nhân vẫn hàng ngày túc trực ở cổng Công ty trong vô vọng, mong được nhận lương và sổ bảo hiểm xã hội.

Theo điều tra của cơ quan công an, vị giám đốc người Hàn Quốc đã xuất cảnh hôm 8/4. Trong khi đó, toàn bộ đất đai, máy móc và nhà xưởng đều là đi thuê. Đến thời điểm bỏ trốn, Công ty PIA Toàn Cầu đang nợ tiền thuê xưởng 4 tháng, tiền thuê máy móc 1 tỷ đồng, nợ lương công nhân hơn 2,4 tỷ đồng và 2,8 tỷ đồng nợ BHXH dù hàng tháng Công ty vẫn trừ tiền BHXH đầy đủ. Việc được nhận tiền lương và đóng đầy đủ số nợ BHXH của công ty gần như là vô vọng, nhưng ngay cả việc lấy lại được sổ BHXH để đi xin việc ở doanh nghiệp khác đối với gần 400 công nhân cũng không phải dễ dàng khi công ty đã bị cơ quan chức năng niêm phong.

Theo ông Đào Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu “Thực trạng và giải pháp phòng chống lạm dụng quỹ BHXH” vừa được BHXH Việt Nam nghiệm thu, các hành vi lạm dụng, trốn đóng BHXH đang ngày càng gia tăng và phổ biến ở các địa phương.

Đơn cử, tại Đồng Nai, tính đến giữa tháng 4/2014, số nợ BHXH, bảo hiểm y tế và thất nghiệp trên toàn tỉnh lên tới hơn 400 tỷ đồng, tăng tới 280 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2013. Đây là số nợ của gần 700 doanh nghiệp, nợ từ 3 tháng trở lên. Đáng chú ý, có 160 doanh nghiệp nợ từ 6 tháng trở lên với số tiền lên đến hơn 77 tỷ đồng.

Tương tự tại Khánh Hòa, tính đến hết tháng 3/2014, toàn tỉnh có 833 đơn vị, doanh nghiệp nợ tổng cộng hơn 127 tỷ đồng BHXH. Trong đó, có 254 đơn vị, chủ yếu là doanh nghiệp nợ dài hạn 6-61 tháng. Trong đó, Công ty cổ phần Mai Linh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang nợ 2 năm tiền BHXH các loại tổng cộng trên 10 tỷ đồng. Riêng 5 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Vinashin tại Khánh Hòa nợ tổng cộng 11,67 tỷ đồng. Công ty TNHH một thành viên Vinalines Nha Trang cũng nợ 10 tháng với hơn 1 tỷ đồng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH xảy ra tràn lan là do chính sách pháp luật còn nhiều kẽ hở, trong khi mức xử phạt lại quá nhẹ, nên doanh nghiệp ngày càng “nhờn thuốc”. Thực tế, những nhận xét này không mới, mà đã được chỉ ra từ nhiều năm nay, với rất nhiều cuộc họp bàn tìm giải pháp ngăn chặn, nhưng vẫn không hiệu quả.

Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, chế tài xử phạt hành chính hành vi chiếm dụng, nợ đọng BHXH sau rất nhiều lần kiến nghị mới được tăng từ tối đa 30 triệu đồng lên tối đa 75 triệu đồng, vẫn quá nhẹ so với lợi ích doanh nghiệp thu được từ việc nợ, chiếm dụng BHXH của người lao động. Kể cả biện pháp mạnh tay nhất là khởi kiện các doanh nghiệp ra tòa, dù khả năng thắng kiện là 100% nhưng thủ tục khởi kiện rất mất thời gian, thắng kiện rồi khả năng thu hồi nợ cũng rất thấp.

Phó giám đốc BHXH Hà Nội, bà Huỳnh Thị Phương Mai cho biết, vài năm qua, Hà Nội đã khởi kiện hàng chục doanh nghiệp trốn đóng BHXH kéo dài, nhưng tỷ lệ thu hồi nợ rất nhỏ. Có lần, sau khi tòa tuyên án, BHXH Hà Nội hối hợp cùng các cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản của một doanh nghiệp, nhưng số dư tài khoản chỉ có 6 triệu đồng, trong khi số nợ phải thu là vài tỷ đồng. Việc phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp cũng không dễ dàng, bởi động chạm đến lợi ích của các ngân hàng. Vì vậy, doanh nghiệp càng có thêm thời gian để rút tài khoản. Ở một số doanh nghiệp, các tài sản có giá trị cũng thường được thế chấp để vay ngân hàng, nên dù bản án có hiệu lực pháp luật, thì dù có muốn cưỡng chế, cơ quan thi hành án cũng không thể tịch thu được các tài sản đó…

“Vì vậy, trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, BHXH Việt Nam đề nghị bổ sung các chế tài xử phạt hành vi chiếm dụng, nợ đọng BHXH theo hướng tiếp tục tăng nặng”, bà Minh cho biết. Ngoài ra, một số chuyên gia còn kiến nghị, ngoài việc tăng mức xử phạt hành chính, cần đưa việc tái vi phạm trốn đóng, chiếm dụng BHXH sau khi đã bị xử phạt hành chính vào khung xử lý hình sự để tăng tính răn đe.

Tin bài liên quan