Bảo hiểm xã hội quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy thu hồi nợ

Bảo hiểm xã hội quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy thu hồi nợ

(ĐTCK) Qua thanh tra, kiểm tra, Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã thúc đẩy công tác thu hồi nợ và đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đối với cơ quan BHXH trong việc hướng tới mục tiêu giảm số nợ BHXH.

Nợ BHXH gia tăng

Tại cuộc họp định kỳ thông tin về tình hình BHXH vừa qua, ông Ðào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, năm 2019, BHXH Việt Nam có nhiều chỉ tiêu phấn đấu, trong đó có 2 chỉ tiêu quan trọng là giảm tỷ lệ nợ xuống còn thấp hơn năm 2018 (1,7%) và duy trì tỷ lệ nợ thấp liên tục trong các tháng trong năm. Năm 2018 tuy đạt tỷ lệ thu nợ tốt, nhưng đầu năm vẫn ở mức cao tầm 5%, tới cuối năm giảm dần còn 1,7%.

Theo ông Mai Ðức Thắng, Phó trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam), tính đến hết quý I/2019, số thu toàn ngành BHXH đạt 21,4% kế hoạch dự kiến được giao và đây là kết quả từ sự nỗ lực của toàn ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, số nợ BHXH vẫn tiếp tục gia tăng. Tính đến hết tháng 2/2019, số nợ BHXH phải tính lãi đã tăng lên là 6.654 tỷ đồng, so với thời điểm 31/12/2018 thì đã tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng. Ðáng chú ý, tình hình gia tăng nợ BHXH diễn ra ở tất cả tỉnh, thành phố, tất cả thành phần kinh tế, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.

BHXH Việt Nam đánh giá tình trạng gia tăng nợ có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Trong đó, có nguyên nhân quan trọng là do các vấn đề quản lý, xử lý nợ BHXH chưa có quy định, chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn nên doanh nghiệp cố tình chây ỳ. Hiện BHXH đã phối hợp Bộ Lao động thương binh và xã hội để ban hành văn bản pháp quy nhưng đến nay chưa thể ban hành.

“Về phía chủ sử dụng lao động, ý thức chấp hành pháp luật còn rất kém, cố tình vi phạm. Doanh nghiệp vẫn sản xuất kinh doanh bình thường, có lợi nhuận, lương thưởng cho người lao động nhưng lại cố tình không đóng BHXH. Cũng có một số trường hợp, doanh nghiệp để lại lợi nhuận để thưởng tết cho cán bộ nhân viên nên chưa dành tiền đóng BHXH”, ông Mai Ðức Thắng cho biết. 

Nhiều giải pháp đồng bộ hạn chế nợ

Nhằm hạn chế tình hình gia tăng nợ, BHXH Việt Nam đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp như giao ban hàng tháng về tình hình thu và nợ để có hướng giải quyết kịp thời, không để nợ đọng, yêu cầu cán bộ chuyên quản bám sát doanh nghiệp, hàng ngày đôn đốc và giao chỉ tiêu giảm nợ đến từng cá nhân cán bộ.

Ông Mai Ðức Thắng cho biết, cán bộ chuyên quản phải theo sát doanh nghiệp, trường hợp doanh nghiệp chậm nộp 15 ngày, BHXH sẽ tiến hành lập biên bản, sau 2 lần lập biên bản sẽ báo cáo để thành lập đoàn thanh tra, xem xét vi phạm và xử phạt theo quy định.

Ông Mai Ðức Thắng cho biết, giải pháp thanh tra, kiểm tra có hiệu quả rất lớn trong việc thu hồi nợ. Hiện tại, BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu tiến hành thanh tra đột xuất dựa trên cảnh báo của hệ thống dữ liệu toàn quốc.

Trên hệ thống dữ liệu của BHXH, có chức năng tự động cảnh báo các doanh nghiệp nợ quá 3 tháng mà chưa được thanh tra. Với các trường hợp này, BHXH địa phương cần thành lập đoàn thành tra. Các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Lao động, Liên đoàn....) cùng cấp nhằm mục đích báo cáo, làm căn cứ xử lý hình sự sau này.

Trường hợp đơn vị cố tình trốn đóng, kiến nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc hướng dẫn người lao động tố giác hành vi vi phạm trong việc đóng với cơ quan công an để xử lý theo trình tự quy định của pháp luật. Cụ thể đến nay, BHXH Việt Nam đã chuyển một số hồ sơ của các đơn vị nợ lớn kéo dài sang cơ quan công an để xử lý theo trình tự của pháp luật. Trong quý I/2019, BHXH ở 23 địa phương đã gửi hồ sơ sang Cơ quan điều tra để khởi tố 162 doanh nghiệp.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam thực hiện công khai “danh tính” các doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài với số nợ lớn. Trong cuộc họp báo thông tin định kỳ vào ngày 26/3, BHXH Việt Nam đã công  bố danh sách 20 doanh nghiệp có số nợ BHXH ở mức nhiều tỷ đồng.

Trong danh sách này, doanh nghiệp có số nợ lớn nhất là Công ty cổ phần Lilama 3 (mã UPCoM LM3) với số nợ hơn 32 tỷ đồng. Hiện LM3 mới công bố Báo cáo tài chính đến quý III/2018 và đang trong tình trạng thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu. Công ty TNHH Nam Phương nợ bảo hiểm gần 29 tỷ đồng. Công ty cổ phần Mai Linh Miền nam nợ bảo hiểm gần 27,9 tỷ đồng. Công ty cổ phần dịch vụ Bưu Chính Viễn Thông Sài Gòn nợ 27,8 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp khác trên thị trường chứng khoán như Công ty cổ phần Cầu 12 (mã UPCoM C12) nợ 19,9 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sông Ðà 12 (mã UPCoM S12) nợ 16,2 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sông Ðà - Thăng Long (mã UPCoM STL) nợ 16 tỷ đồng...

Tin bài liên quan