Chín tháng đầu năm 2008, bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ bảo hiểm có doanh thu cao nhất.

Chín tháng đầu năm 2008, bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ bảo hiểm có doanh thu cao nhất.

Bảo hiểm xe cơ giới: Cạnh tranh ngược!

(ĐTCK) Cho đến thời điểm này, sau khi điều tra sơ bộ, Cục Quản lý cạnh tranh vẫn kết luận 16 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã vi phạm Luật Cạnh tranh khi cùng nhau ký thỏa thuận tăng phí bảo hiểm. Sau khi cơ quan quản lý vào cuộc và công luận lên tiếng, thoả thuận trên đã không được thực thi. Đằng sau câu chuyện này là tình trạng cạnh tranh khá nghịch lý: cá bé nuốt cá lớn!

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2008, bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ bảo hiểm có doanh thu cao nhất, đạt 2.391 tỷ đồng. Dẫn đầu doanh thu là Bảo hiểm Bảo Việt với 725 tỷ đồng, tiếp đến là Bảo Minh 443 tỷ đồng, PJICO 391 tỷ đồng, PVI 291 tỷ đồng. Tổng số tiền bồi thường là 1.224 tỷ đồng, chiếm 52%. Các DNBH có tỷ lệ bồi thường cao là QBE 71%, PTI 68,7%, Bảo Minh 64,8%, Bảo Long 64,3%, VIA 60,9%, Bảo Việt 55,9%. Riêng đợt mưa lớn tại Hà Nội hồi đầu tháng 11/2008, các DNBH phi nhân thọ phải bồi thường 50 tỷ đồng xe cơ giới. Có thể thấy, mức bồi thường tương đối lớn, nhưng mức phí bảo hiểm lại giảm nhiều.

Nguyên nhân, theo Hiệp hội Bảo hiểm, thứ nhất là do đặc thù trong dịch vụ bảo hiểm xe cơ giới là người tham gia bảo hiểm chỉ nhận được giấy chứng nhận bảo hiểm xe cơ giới cùng các lời cam kết nên thay vì chú ý đến chất lượng dịch vụ, khả năng bồi thường của DNBH, khách hàng thường chỉ chú ý đến phí bảo hiểm đóng thấp hay cao. Tâm lý này tạo điều kiện cho một DNBH nhỏ hay một chi nhánh mới ra đời có thể có được một lượng lớn khách hàng. Thứ hai là do cơ chế khoán doanh thu của DNBH cho chi nhánh và công ty thành viên. Chi phí tiền lương và quản lý của đơn vị được ấn định trên tỷ lệ phần trăm nhất định của doanh thu phí bảo hiểm. Do không phải tính toán đến chuyện bồi thường, họ cần doanh thu bằng mọi giá, kể cả hạ phí bảo hiểm thấp hơn nhiều để giành giật khách hàng, giành giật hợp đồng bảo hiểm. Thứ ba là do cơ chế hạch toán. Các DNBH thường phân cấp cho chi nhánh giải quyết bồi thường cho những vụ tai nạn có giá trị dưới 10 triệu đồng, mức lớn hơn phải gửi về trụ sở chính giải quyết, vì vậy không khoán hiệu quả cho chi nhánh. Về phía DNBH, lấy doanh thu trừ đi số tiền đã giải quyết bồi thường của toàn công ty có chênh lệch dương cao (có lãi lớn) hoặc tỷ lệ bồi thường thấp ảo tưởng là có lãi nên tiếp tục hạ phí để cạnh tranh. Trong khi đó, yêu cầu bắt buộc về dự phòng không phải DN nào cũng tuân thủ đầy đủ. Chẳng hạn, dự phòng bồi thường cho những tổn thất đã có thông báo của khách hàng; đã giám định được thiệt hại. Nếu thận trọng, DNBH còn phải trích lập dự phòng bồi thường cho những tổn thất chưa có thông báo hoặc chưa giám định được thiệt hại. Nếu đem số tiền đã giải quyết bồi thường trong năm chia cho số tiền quỹ bồi thường nói trên theo đúng bản chất của hoạt động bảo hiểm thì không ít đơn vị sẽ không có đủ quỹ để giải quyết bồi thường hay nói cách khác là sẽ thua lỗ. Bên cạnh đó, khách hàng tham gia bảo hiểm không mong muốn hưởng thụ sản phẩm bảo hiểm và thực tế thì rất ít khách hàng được hưởng thụ sản phẩm bảo hiểm. Khi được hưởng thụ, khách hàng mới phát hiện được cái hay cái dở của sản phẩm bảo hiểm của DNBH này so với DNBH khác là quá muộn, từ đó mới phát hiện được tại hại của việc phí bảo hiểm thấp.

Không chỉ riêng ngành bảo hiểm, một trong những lợi ích tích cực từ việc cạnh tranh là giảm phí cho khách hàng. Tuy nhiên, điều đó phải đi cùng chất lượng dịch vụ và an toàn tài chính cho DN. Theo tính toán của các chuyên gia bảo hiểm, nếu phí bảo hiểm tổn thất toàn thị trường là 1,56%, do tiết kiệm chi phí quản lý có thể đưa xuống 1,4%. Nếu đưa ra mức phí 1,2% hoặc 1,1% là không không hợp lý vì khi rủi ro xảy ra sẽ không đủ bù đắp. Từ đó có thể nhận thấy, việc cạnh tranh hạ phí bảo hiểm quá mức sẽ làm cho tình hình tài chính của chính DNBH (quỹ bồi thường) suy giảm nghiêm trọng, nguy cơ thua lỗ, phá sản rất cao. Về phía khách hàng, hậu quả trực tiếp là DNBH chậm trễ, dây dưa trong việc giải quyết bồi thường hoặc cố tình tìm mọi lý do để cắt giảm số tiền bồi thường. Hiện chưa có DNBH nào bị phá sản do không đủ quỹ để bồi thường cho khách hàng, nhưng không vì thế mà cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn tình trạng hạ phí bảo hiểm quá mức nhằm đảm bảo dịch vụ tốt và an toàn cho các DNBH.

Bảo hiểm xe cơ giới là mảng giàu tiềm năng, đào tạo ít và đầu tư nhỏ, dễ giành được khách hàng và hợp đồng bảo hiểm. Đó cũng là lý do khiến nhiều DNBH hoặc chi nhánh mới bước vào hoạt động hướng đến chiếm lĩnh thị trường. Số liệu thống kê từ Hiệp hội Bảo hiểm cho thấy, nếu như năm 1999 tính chung cả thị trường có 10 DNBH hoạt động thì đến năm 2008 đã có 29 DNBH phi nhân thọ, 11 DNBH nhân thọ, 10 công ty môi giới bảo hiểm. Điều này làm tính cạnh tranh của thị trường bảo hiểm đến mức độ gay gắt, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Để cạnh tranh được với DN nhỏ, mới ra đời, DNBH có thị phần lớn muốn tồn tại không còn cách nào khác là hạ phí bảo hiểm theo. Với mạng lưới công ty thành viên, chi nhánh rộng khắp, tình trạnh cạnh tranh càng bức bối hơn, thậm chí cạnh tranh chính trong một DN (giữa các công ty thành viên, chi nhánh thuộc một DNBH). Để thực hiện mục đích này, các DNBH thường chọn biện pháp hạ phí bảo hiểm so với các DN khác.