Cần quy định nghiêm ngặt hơn về yêu cầu phải thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Shutterstock.

Cần quy định nghiêm ngặt hơn về yêu cầu phải thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Shutterstock.

Bảo hộ thanh toán điện tử: Khoảng trống pháp lý chờ lấp đầy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các quy định về bảo hộ thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn rất thiếu, điều này là một phần nguyên nhân khiến giao dịch tiền mặt để trốn thuế, tham nhũng… có đất phát triển.

Từ các lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt thể hiện tại một số quốc gia đi trước về công nghệ và ứng dụng cho thấy đây là một phương thức giao dịch hợp lý, tất yếu trong tương lai. Đối với Việt Nam, thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến, toàn diện là một mục tiêu hướng tới. Bởi vậy, việc loại bỏ các chướng ngại trên con đường hướng tới mục tiêu này là cần thiết. Trong đó, các khoảng trống pháp lý chính là trở ngại cần loại bỏ.

Thiếu quy định pháp luật về bảo hộ thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt được hiểu là các hoạt động thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng hoặc qua các công cụ thanh toán của các tổ chức dịch vụ trung gian như ví điện tử, máy POS…

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO.

Xét về công nghệ, khoảng 20 năm trước đây, việc triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam là vô cùng khó khăn.

Lý do bởi Việt Nam lúc đó thiếu đi hệ thống nền tảng, thiết bị công nghệ trong thanh toán không dùng tiền mặt.

Chẳng hạn, các máy ATM chưa phải là một công cụ phổ biến, dịch vụ ngân hàng cũng chưa lan tỏa vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội.

Các hình thức trung gian hỗ trợ thanh toán như POS, ví điện tử... còn khá xa lạ đối với hầu hết mọi người.

Sau 20 năm, Việt Nam đã xây dựng được một nền tảng, cơ sở hạ tầng công nghệ rất tốt để có thể triển khai được việc thanh toán không dùng tiền mặt. Thẻ ngân hàng, ví điện tử... đã trở thành công cụ phổ biến trong thanh toán của nhiều người dân.

Tuy nhiên, xét về khía cạnh pháp luật thì hành lang pháp lý chưa đạt được mức kiến thiết chạy kịp theo nền tảng công nghệ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến hoàn toàn tại Việt Nam.

Nếu như nhận xét rằng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã khá phổ biến, thì cần phải nhận xét thêm là hoạt động thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến hơn gấp nhiều lần tại Việt Nam.

Nguyên nhân chính của vấn đề này nằm ở việc thiếu quy định pháp luật về bảo hộ thanh toán không dùng tiền mặt. Để xem mức độ bảo hộ, cách đơn giản nhất là hãy đếm xem số lượng quy định pháp luật yêu cầu các giao dịch phải thực hiện thông qua phương thức không dùng tiền mặt.

Tìm trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, quy định dạng như vậy khá hiếm hoi. Có thể kể đến một quy định hi hữu và duy nhất trong lĩnh vực này, đó là quy định trong pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 9 về “Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế”, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và năm 2014: “… Đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật”.

Chúng ta chưa có những quy định bảo hộ, yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ưu tiên áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo quy định này, các doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì bắt buộc phải thực hiện thông qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, mà phổ biến hiện nay là thông qua tài khoản ngân hàng.

Đây là một quy định nhằm hướng đối tượng áp dụng đến các nghĩa vụ phải áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Chế tài đối với quy định này, nếu không sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã tự loại bỏ các khoản chi được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chỉ với một quy định như vậy khiến cho tất cả các giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên của doanh nghiệp minh bạch hơn, kiểm soát hơn qua các tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Tuy nhiên, ngoài quy định này ra, hiếm có quy định khác mang tính bắt buộc tương tự nhằm bảo hộ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chúng ta đang có một hệ thống pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng mới chỉ dừng lại ở yếu tố thiết lập, hướng dẫn, quy trình, hành lang cho triển khai nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.

Chúng ta chưa có những quy định bảo hộ, yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ưu tiên áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt thay cho phương thức thanh toán bằng tiền mặt. Đây chính là khoảng trống pháp lý mà chúng ta cần phải lấp đầy.

Hệ lụy của khoảng trống pháp lý

Trốn thuế, một hệ lụy được nhìn thấy khá rõ nét khi không áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Giả sử, trong một giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các bên có thể chuyển nhượng cho nhau quyền sử dụng một diện tích đất có giá trị từ vài trăm triệu đến vài trăm tỷ đồng.

Tất cả các giao dịch này, ngoài chuyện tự thỏa thuận về giá trị thanh toán, các bên còn có thể tự thỏa thuận về phương thức thanh toán. Việc thỏa thuận thanh toán bằng tiền mặt được pháp luật thừa nhận cho đến hiện nay.

Điều đó dẫn đến vấn đề là số tiền thực các bên thanh toán cho nhau khó mà biết chính xác. Chỉ có những người trong cuộc mới biết con số đó nếu họ thanh toán bằng tiền mặt. Trong khi đó, Nhà nước thực hiện thu thuế, phí cho việc chuyển nhượng dựa trên số tiền thanh toán.

Một thực tế khó phủ nhận, có thể phỏng đoán rằng trong 99% giao dịch chuyển tiền tại các phòng công chứng, điều khoản về giá cả là không thực. Phương thức thanh toán dùng tiền mặt giúp cho các bên lẩn tránh được nghĩa vụ thuế. Đây là hệ lụy trực tiếp nhìn thấy được.

Tham nhũng cũng là một hệ lụy nguy hiểm. Không có bất kỳ quan chức nào đi nhận tiền tham nhũng qua tài khoản ngân hàng. Vậy phương thức gì phổ biến nhất trong các giao dịch về tham nhũng? Đó là tiền mặt! Có thể nói tiền mặt là nơi lẩn trốn của các giao dịch mờ ám và lạm dụng chức vụ quyền hạn để thu vén lợi ích cho quan tham.

Rủi ro hoạt động cũng là một hệ lụy. Trong các giao dịch mua bán nhà, xe, nếu như các bên phải di chuyển từ một địa điểm này tới địa điểm khác với lượng tiền mặt lớn thì đó là tiền đề tạo ra các rủi ro về hoạt động như cướp giật, trộm cắp. Những rủi ro hoạt động này nếu áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt thì sẽ được hạn chế rất nhiều.

Còn nhiều hệ lụy khác, nhưng chỉ từ các hệ lụy nêu trên, có một điểm cần thấy rõ là các hệ lụy tồn tại do thiếu quy định bảo hộ của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt. Chỉ cần thêm những quy định trong hệ thống pháp luật tương tự như Điều 9 - Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, mọi giao dịch sẽ minh bạch hơn, các hệ lụy sẽ giảm và giao dịch thanh toán sẽ có những điểm tích cực hơn.

Khoảng trống pháp lý nằm ở đó, vậy mà việc lấp đầy nó vẫn rất khó!.

Tin bài liên quan