Các doanh nghiệp nên chú trọng đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình. Ảnh: Shutterstock

Các doanh nghiệp nên chú trọng đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình. Ảnh: Shutterstock

Bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp bất động sản, cách nào?

(ĐTCK) Hoạt động trên thị trường bất động sản hiện nay, doanh nghiệp địa ốc phải đối mặt với không ít thử thách, một trong số đó là bài toán bảo vệ thương hiệu.

Bị lợi dụng thương hiệu

Thời gian qua, việc các công ty bất động sản lớn bị một số môi giới, hoặc doanh nghiệp khác mạo danh thương hiệu nhằm phục vụ việc bán hàng cho dự án của mình không phải là hiếm và làm đau đầu các doanh nghiệp bị mạo danh.

Đơn cử, tháng 6/2018, Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) đã phát đi thông báo về việc Công ty bị một doanh nghiệp môi giới nhỏ nhái thương hiệu tại Dự án Khu dân cư Him Lam Chợ Lớn, quận 6, TP.HCM.

Đại diện Him Lam Land cho biết, Công ty phát hiện trên các trang quảng cáo của Google, Facebook liên tục xuất hiện thông tin quảng cáo mở bán nhà phố Him Lam Chợ Lớn tại quận 6, với diện tích từ 40 - 70 m2. Trong khi đó, Him Lam Land không hề triển khai dự án nào tại đây.

Chưa kể, để lấy lòng tin của khách hàng, trên giao diện của trang web giới thiệu dự án này còn để hình Dự án Him Lam Phú An tại quận 9 do Him Lam Land làm chủ đầu tư. Do vậy, Him Lam Land đã phát đi thông báo để bảo vệ chính mình và cũng là cảnh báo tới khách hàng, tránh bị nhầm lẫn.

Đây không phải lần đầu tiên thương hiệu Him Lam Land bị "ăn theo", vì vào cuối năm 2017, doanh nghiệp này cũng bị nhái thương hiệu tại Dự án Khu dân cư Him Lam, quận 7. Theo đó, vào tháng 12/2017, trên nhiều tuyến đường của TP.HCM xuất hiện nhân viên phát tờ rơi quảng cáo bán dự án đất nền khu dân cư Him Lam 2 tại quận 7, TP.HCM.

Trang diaoconline.vn xuất hiện thông tin rao bán dự án tại Bình Dương mạo danh chủ đầu tư là Tập đoàn Vingroup 

Tuy nhiên thực tế, đây là dự án nhái thương hiệu Him Lam, bởi theo phía Him Lam Land, trước đây, Công ty đã phát triển thành công một dự án tại quận 7, nhưng sau dự án này thì không phát triển thêm bất kỳ dự án nào khác tại khu Nam, đặc biệt là không triển khai dự án phân lô bán nền. Với sự thành công của Dự án Him Lam quận 7, cũng như uy tín của Him Lam Land, nên doanh nghiệp trên đã gắn tên Him Lam vào dự án này.

Một thương hiệu nổi tiếng khác trong làng bất động sản phía Nam là Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh cũng đã từng bị rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tháng 7/2018, doanh nghiệp này đã phải phát đi thông báo trên website của mình rằng, Công ty không có bất cứ liên quan gì tới Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Thịnh Group, có trụ sở tại đường Trường Chinh, quận Bình Tân, TP.HCM.

Nguyên nhân bởi, Công ty Hưng Thịnh Group bị hàng trăm khách hàng kéo tới trụ sở đòi lại tiền mua đất nền dự án Hưng Thịnh Cát Tường tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vì cho rằng, chủ đầu tư không chịu giao nền đất đã bán.

Vụ việc chưa rõ đúng sai, nhưng cũng ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh, vì nhiều người lầm tưởng đó chính là vụ việc của họ.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, vụ việc xảy ra gần đây nhất là Tập đoàn Vingroup bị mạo danh để rao bán đất nền tại Bình Dương.

Cụ thể, thông tin trên trang mạng DiaOconline.VN (diaoconline.vn) không nêu rõ vị trí dự án, mà chỉ đưa thông tin dự án có diện tích 5x30, 10x30, 20x30. Pháp lý sổ hồng thổ cư, hạ tầng hoàn thiện 100%, quy mô 2.200 ha, đặc biệt chủ đầu tư là Tập đoàn Vingroup… Giá bán từ 640 triệu đồng tới 1,650 tỷ đồng và có số điện thoại liên lạc.

Tuy nhiên, khi phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản liên lạc với số điện thoại ghi ở trên, thì một nhân viên nam cho biết, đây là Dự án Mỹ Phước 3, tại tỉnh Bình Dương do Becamex làm chủ đầu tư. Khi được hỏi tại sao lại ghi Vingroup làm chủ đầu tư, thì nhân viên này cho biết, phải ghi như vậy mới thu hút được sự chú ý của khách hàng!?

Doanh nghiệp phải chủ động bảo vệ mình

Theo luật sư Trần Văn Duẩn, Đoàn Luật sư TP.HCM, vấn nạn hàng giả, mạo danh xảy ra nhiều tại lĩnh vực trong đời sống, nhưng điều lạ là trong lĩnh vực bất động sản, những hành vi này lại mặc sức lộng hành. Đối tượng vi phạm thường là một số công ty môi giới và phần nhiều là cá nhân các nhân viên môi giới tự thực hiện chiêu nhằm chèo kéo khách riêng. Nhiều người mua nhà tố việc quảng cáo, giới thiệu hoặc mạo danh, nhưng lại ít thấy các chủ đầu tư bị mạo danh lên tiếng hoặc có những hành động kịp thời để loại trừ các hành vi vi phạm này.

Trên thực tế, các văn bản pháp lý hiện nay chưa có bảo vệ thương hiệu, mà chỉ mới dừng lại ở việc bảo hộ. Ngoài ra, việc thực thi các chế tài xử lý việc nhầm lẫn thương hiệu thường chậm chạp, khó đưa ra tòa để giải quyết, thường thì sẽ dẫn đến việc tự thỏa thuận.

Do vậy, để tránh sự nhầm lẫn này, trước tiên doanh nghiệp phải tự bảo vệ nhãn hiệu của mình bằng cách như lựa chọn slogan cho từng dự án, đăng ký sở hữu trí tuệ; thành lập bộ phận pháp chế và xây dựng, phát triển thương hiệu…

“Hàng năm, doanh nghiệp nhắc lại các nhãn hiệu thuộc thương hiệu của mình như tên đầy đủ của công ty, logo, slogan, các sản phẩm đang bán… trong các chiến dịch truyền thông định kỳ”, luật sư Duẩn nói và cho biết thêm, doanh nghiệp có thể chọn giải pháp trước mắt là khi phát hiện ra trường hợp doanh nghiệp khác vi phạm về thương hiệu, thì chụp lại làm bằng chứng, gửi giám định vi phạm. Sau đó, dựa vào kết quả giám định này, các văn phòng luật sư được thuê để bảo vệ cho quyền của doanh nghiệp bị xâm phạm sẽ gửi thư cảnh báo trong một khoảng thời gian nhất định, yêu cầu cải chính công khai và xin lỗi. Trong trường hợp, doanh nghiệp xâm phạm không cải chính công khai, thì sẽ đưa ra tòa để xử lý.

Trường hợp đối tượng có hành vi lợi dụng danh tiếng công ty để lừa đảo người khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp liên quan đến trách nhiệm dân sự.

Căn cứ vào Điều 592, Bộ luật Dân sự để yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường thiệt hại do việc sử dụng uy tín công ty trái phép nhằm lừa đảo người khác. Thiệt hại do uy tín bị xâm phạm, bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.

Còn về trường hợp đối tượng có hành vi lợi dụng danh tiếng công ty để lừa đảo gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Dưới góc độ là lãnh đạo doanh nghiệp, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần CopiHome cho biết, các trường hợp công ty trùng tên như Hưng Thịnh, Nam Long… đang là những cảnh báo về hiện tượng vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu và hình ảnh của dự án bất động sản.

Bài học kinh nghiệm từ các vụ kiện cáo trong bảo vệ thương hiệu thường kéo dài và tốn kém chi phí. Do vậy, để tránh bị xâm hại tài sản, đảm bảo uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng, chính bản thân các doanh nghiệp, các chủ đầu tư bất động sản phải chủ động bảo vệ chính mình trước.

“Các doanh nghiệp bất động sản đang hoạt động phải tự bảo vệ mình một cách kiên quyết. Có thể thấy, không ít doanh nghiệp bất động sản đang lơ đãng với quyền lợi chính đáng của mình, lơ đãng kéo dài dẫn đến việc doanh nghiệp không tự bảo vệ được mình”, ông Phi nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan