VP Bank là 1 trong 10 ngân hàng được chọn áp dụng Basel ở mức cao

VP Bank là 1 trong 10 ngân hàng được chọn áp dụng Basel ở mức cao

Basel II: Đến lúc phổ biến trong ngân hàng Việt

(ĐTCK) Nhìn lại báo cáo tài chính của các ngân hàng năm 2012, 2013 cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2014 cho thấy, một số ngân hàng có lợi nhuận giảm trong khi tín dụng vẫn tăng.

Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, câu chuyện này hàm ý sự chuẩn bị tiềm lực tài chính cho các yêu cầu gia tăng tỷ lệ an toàn vốn, xử lý nợ xấu và đầu tư xây dựng hệ thống quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế (Basel II). 

Đặc biệt, ngày 1/6 tới, Thông tư 02/2013/TT-NHNN, với những ảnh hưởng làm tăng trích lập dự phòng rủi ro, chính thức có hiệu lực, dù một số điểm được lùi thời hạn thi hành theo Thông tư 09/2013/TT-NHNN.

Bối cảnh thực hiện Basel II tại Việt Nam

Trên thực tế, Basel II được công bố lần đầu vào tháng 6/2004, nhưng đến năm 2008 mới bắt đầu được áp dụng tại Mỹ, EU, các nước phát triển khác và một vài nước đang phát triển. Đây cũng là thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu lan rộng, nên tiến độ áp dụng Basel II không tránh khỏi sự chậm trễ.

Còn tại Việt Nam, theo lãnh đạo cao cấp một NHTM, đến tháng 10/2011, trên bảng cân đối, hầu hết các TCTD đã chấp hành tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định, nhưng thực tế còn nhiều TCTD chưa đảm bảo. Số lượng TCTD vi phạm về tỷ lệ này đến cuối mỗi năm đã giảm, song vẫn còn đơn vị vi phạm liên tục, nhiều lần. Việc quy định tỷ lệ khả năng chi trả ngày hôm sau (15%) và 7 ngày tiếp theo (100%) và phương pháp tính toán theo Thông tư 13 chỉ phù hợp với hoạt động của các TCTD trong điều kiện bình thường.

“Trong điều kiện thị trường có biến động bất thường thì quy định trên không còn phù hợp do việc xác định các kỳ hạn của tài sản có và tài sản nợ không diễn ra như kế hoạch. Do đó, một số TCTD dù duy trì đúng tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định của NHNN, nhưng thực tế vẫn thiếu hụt thanh khoản (thực tế có khoảng 15/37 NHTM cổ phần yếu kém) và phải nhờ đến sự hỗ trợ của NHNN thông qua vay tái cấp vốn”, vị lãnh đạo trên nói.

Các chuyên gia nhận định, đánh giá được những khó khăn của các ngân hàng về thanh khoản, nên ngay từ tháng 10/2011, NHNN đã công bố chủ trương tái cơ cấu toàn diện hệ thống ngân hàng. Và ngày 1/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 254/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015”.

Để phát triển hệ thống các TCTD đa năng, hiện đại, đặc biệt là hoạt động an toàn, hiệu quả, vững chắc, với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình, có khả năng cạnh tranh hơn thì việc triển khai Basel II là một trong những công cụ được NHNN lựa chọn. Theo nhiều chuyên gia, đây là bước đi phù hợp với hệ thống ngân hàng Việt Nam lúc này.

Thách thức và lợi ích khi thực hiện Basel II

Là một trong 10 ngân hàng được NHNN lựa chọn thực hiện Basel II ở mức cao, ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc Techcombank, chia sẻ: “Đối với các NHTM Việt Nam nói chung, nội dung Basel II là hoàn toàn mới mẻ. Bên cạnh đó, triển khai Basel II là công việc đồ sộ trong thời gian 5 - 7 năm, liên quan đến toàn ngân hàng, đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư và chỉ đạo sát sao của HĐQT và ban điều hành, sự hiểu rõ lợi ích và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận”.

Đại diện của VPBank, cũng là một trong 10 ngân hàng được NHNN lựa chọn thực hiện Basel II ở mức cao, ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc Khối Quản trị rủi ro cho biết: “Triển khai các yêu cầu của Basel II sao cho hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh là một thách thức không nhỏ, nhất là trong bối cảnh thiếu vắng nhân lực chất lượng cao về quản trị rủi ro”.

Tuy nhiên, lợi ích của việc thực hiện Basel II đều được các lãnh đạo ngân hàng thừa nhận: Thứ nhất, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu. Quy trình tiếp xúc, theo dõi, quản lý khách hàng sẽ được hỗ trợ bởi các công cụ đo lường, giám sát rủi ro có khả năng phân biệt khách hàng tốt/xấu cao. Basel II không chỉ yêu cầu quản lý rủi ro tín dụng cho từng khoản vay riêng lẻ, mà còn có khả năng lượng hóa rủi ro trên cấp độ danh mục. Ngoài ra, các yêu cầu về quản lý rủi ro hoạt động sẽ giúp giảm thiểu rủi ro do quy trình, con người, hệ thống công nghệ và các sự kiện bên ngoài.

Thứ hai, ứng dụng quản lý rủi ro vào trong hoạt động ngân hàng sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Thứ ba, khi ngân hàng muốn hoạt động trên thị trường quốc tế, tuân thủ Basel II sẽ là điều không thể thiếu. Các nhà đầu tư quốc tế, khách hàng ở các thị trường khác sẽ coi đây là các tiêu chí cơ bản trong hoạt động quản lý rủi ro của ngân hàng để quyết định đầu tư, gửi tiền…

Và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước

Ông Trương Anh Hùng, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, phụ trách Khối Dịch vụ Tài chính nhận định, xét trên cả thực trạng của hệ thống ngân hàng cũng như các biện pháp đã và đang được cơ quan quản lý nhà nước giám sát hoạt động, có thể thấy rõ sự ưu tiên nhất định cho các tiêu chuẩn an toàn hoạt động và quản trị rủi ro của ngân hàng. Điều này cũng được thể hiện rõ trong các khuyến cáo cũng như yêu cầu và quy định của NHNN trong thời gian vừa qua.

Dẫu vậy, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách khối dịch vụ tài chính, ngân hàng, Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (EY Vietnam) chia sẻ, không có một tiêu chuẩn Basel II áp dụng chung cho tất cả các nước. Basel II đưa ra các chỉ dẫn, phương pháp tính toán, còn dữ liệu, đặc thù về con người, khẩu vị rủi ro của ngân hàng và danh mục tài sản mà các ngân hàng đang nắm giữ lại rất khác nhau. Do đó, mỗi nước sẽ có các tùy chỉnh cho phù hợp với đặc thù của quốc gia đó. Cơ quan quản lý sẽ đưa ra các quy định, hướng dẫn về triển khai Basel II cho các ngân hàng, đồng thời, thực hiện việc phê chuẩn ngân hàng nào sẽ được coi là “tuân thủ Basel II”.

“Theo đó, vai trò định hướng của các cơ quan quản lý là đặc biệt quan trọng. Cần phải tạo môi trường khuyến khích các nhân tố đi đầu mang tính dẫn dắt thị trường, bên cạnh đó, có chế tài đủ mạnh để bắt buộc các ngân hàng phải tuân theo với một lộ trình rõ ràng, minh bạch”, bà Nguyễn Thùy Dương nói.

Các chuyên gia tài chính - ngân hành nhận định, trong bối cảnh hiện nay, để các ngân hàng có một định hướng thống nhất, NHNN cần thông báo về định hướng chung để các ngân hàng được biết. Sau đó, trong quá trình triển khai, một nhóm làm việc bao gồm các thành viên của NHNN và đại diện của các ngân hàng phải được thành lập để trao đổi về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai. Và như vậy, năng lực của cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải được nâng cao hơn.

Một số văn bản quy định về quản trị rủi ro trong ngân hàng của NHNN

- Chỉ thị số 04/CT-NHNN của Thống đốc từ ngày 17/9/2013 và Văn bản số 8986/NHNN-TTGSNH của NHNN ngày 29/11/2013 về việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, không chia cổ tức nếu chưa dự phòng đủ.

- Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 có hiệu lực từ 01/6/2014 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Thông tư 09/2014/TT-NHNN ngày 18/3/2014 siết chặt các điều kiện cơ cấu nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN của NHNN ngày 23/4/2012 (“Quyết định 780”) và việc cơ cấu nợ sẽ hết hạn vào cuối quý 1/2015.

- Thông tư số 14/TT-NHNN ngày 20/5/2014 sửa đổi một số điều của Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD ban hành theo Quyết định số 493/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005.

- Dự thảo sửa đổi Thông tư thay thế Thông tư 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 về Tỷ lệ an toàn, Dự thảo Thông tư quy định về hệ thống quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

- Công văn số 1601 ngày 17/3/2014 của NHNN yêu cầu các ngân hàng triển khai Basel II ở mức độ tiêu chuẩn trừ 10 ngân hàng: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, VPBank, Techcombank, VIB, Maritime Bank, MB, Sacombank, ACB ở mức độ cao hơn

(Còn nữa)

Tin bài liên quan