Ảnh: Hoài Nam

Ảnh: Hoài Nam

Basel II, tác động và thách thức với Việt Nam

(ĐTCK) Uỷ ban Basel về giám sát ngân hàng được thành lập vào năm 1974 nhằm góp phần ngăn chặn sự sụp đổ hàng loạt của các ngân hàng vào thập kỷ 80. 

Để hoạt động ngân hàng có khung chính sách quy chuẩn, Ủy ban Basel đã ban hành Hiệp ước vốn Basel I vào năm 1988, sau đó là hiệp ước Basel II vào năm 2004. Các nhà quản lý đều tin tưởng rằng, khuôn khổ này sẽ cải thiện công tác quản lý rủi ro trong hệ thống ngân hàng. Vì vậy, đã có rất nhiều nỗ lực tại các quốc gia để đảm bảo triển khai hiệu quả hiệp ước Basel II.

Tại các nền kinh tế nói chung, đặc biệt các nền kinh tế mới nổi, ngành ngân hàng giữ vai trò chủ chốt trong hệ thống tài chính và nền kinh tế. Việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II vào hệ thống ngân hàng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành ngân hàng và do đó ảnh hưởng đến nền kinh tế của các quốc gia.

Tại Việt Nam, việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế về đảm bảo an toàn đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) từng bước triển khai thông qua việc sửa đổi và ban hành mới các quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng. Hiện nay, NHNN đã chọn 10 ngân hàng thương mại đầu tiên triển khai thí điểm hiệp ước Basel II trong giai đoạn từ cuối năm 2015 đến 2018. 

Trong bối cảnh như vậy, bài viết này sẽ đánh giá những tác động của việc triển khai Basel II đối với nền kinh tế vĩ mô qua các nghiên cứu quốc tế và những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi triển khai áp dụng hiệp ước Basel II trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Ảnh: Hoài Nam 

NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ VỀ CÁC TÁC ĐỘNG

Tác động kinh tế vĩ mô

Để giảm thiểu rủi ro và ngăn chặn sự đổ vỡ của các ngân hàng, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đã ban hành hiệp ước Basel II năm 2004 yêu cầu về vốn và thanh khoản cao hơn, tạo ra những tác động đáng kể đối với nền kinh tế nói chung và ngân hàng nói riêng.

Lợi ích kinh tế vĩ mô của việc tăng cường các quy định về vốn và thanh khoản theo Basel II được phản ánh chủ yếu qua thực tế là “một hệ thống ngân hàng lành mạnh sẽ ít bị khủng hoảng hơn”. Những cuộc khủng hoảng của ngành tài chính ngân hàng gây ra tổn thất to lớn cho nền kinh tế, vì vậy, việc giảm tần suất của các cuộc khủng hoảng ngân hàng chính là giảm tổn thất lớn cho nền kinh tế mà các cuộc khủng hoảng này gây ra.

Giảm tần suất xảy ra khủng hoảng ngân hàng

Kinh nghiệm tại các quốc gia cho thấy, khủng hoảng ngân hàng trung bình cứ 20 - 25 năm xảy ra một lần, như vậy, xác suất trung bình hàng năm là 4% - 5%. Lịch sử cũng đã chứng minh các cuộc khủng hoảng ngân hàng gây ra những thiệt hại lớn cho nền kinh tế, thậm chí chi phí để khắc phục các cuộc khủng hoảng này tiếp tục phát sinh thêm nhiều năm sau năm khủng hoảng, các chi phí này sẽ gây tổn hại lớn đến GDP của nền kinh tế. Vì vậy, khi xác suất của các cuộc khủng hoảng này giảm đi thì các chi phí, tổn thất cho nền kinh tế cũng giảm.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), khi chỉ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) là 7% thì xác suất trung bình xảy ra khủng hoảng ngân hàng là khoảng 4,1%. Khi CAR tăng thêm 1% lên 8% thì xác suất xảy ra khủng hoảng ngân hàng giảm đi khoảng 25% - 30%. Khi tần suất khủng hoảng giảm như vậy, các chi phí xử lý khủng hoảng cũng giảm theo.

Tác động đến GDP

Theo tính toán của BIS năm 2010, khi khủng hoảng xảy ra trong ngắn hạn thì tổn thất do một cuộc khủng hoảng mang lại khiến cho GDP của nền kinh tế giảm đi 19% tính từ khi bắt đầu xảy ra khủng hoảng cho đến thời kỳ nền kinh tế bắt đầu phục hồi. Về dài hạn, tổn thất do khủng hoảng có thể lên đến 158% GDP. Giá trị GDP mất đi bình quân trong các nghiên cứu vào khoảng 63%. Thậm chí, theo nghiên cứu của Ramirez (2009) tác động của các cuộc khủng hoảng này đến tăng trưởng kinh tế có thể lên tới 30 năm.

Tần suất khủng hoảng giảm sẽ tác động tích cực đến GDP, cụ thể, với xác suất khủng hoảng trung bình hàng năm là 4-5% thì khi xác xuất khủng hoảng trong ngắn hạn giảm đi 1%, sản lượng dự kiến hàng năm của nền kinh tế sẽ tăng khoảng 0,2%. Về dài hạn, khi xác suất khủng hoảng giảm 1% thì sản lượng nền kinh tế dự kiến tăng khoảng 0,6%.

Hạn chế được hậu quả lâu dài của khủng hoảng

Khủng hoảng tài chính ngân hàng không phải chỉ tác động đến nền kinh tế một sớm một chiều và hậu quả của nó không chỉ đơn giản đo đếm được bằng các con số như trên. Hậu quả của các cuộc khủng hoảng này có thể kéo dài nhiều năm và có những tác động tiêu cực to lớn thậm chí không thể tính toán được. Đó chính là sự sụp đổ của các tổ chức trung gian tài chính, những ngân hàng đầu tư lớn đã hoạt động hàng trăm năm và có tác động đến nền tài chính toàn cầu, như vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) năm 2008. Khi một ngân hàng sụp đổ có thể kéo theo hàng loạt các ngân hàng khác trong hệ thống bị ảnh hưởng theo.

Khủng hoảng xảy ra khiến cho dân chúng mất niềm tin, thậm chí còn dẫn đến hiện tượng rút tiền hàng loạt, khiến các ngân hàng mất thanh khoản. Trên bình diện vĩ mô, khi khủng hoảng xảy ra sẽ gây thâm hụt ngân sách khiến tiền thuế do người dân đóng góp tăng lên, đời sống xã hội bị ảnh hưởng. Thậm chí, để bù đắp phần ngân sách bị thâm hụt do giải quyết hậu quả của khủng hoảng, các quốc gia còn phải vay thêm nước ngoài, dẫn đến nợ công tăng lên. Hậu quả nặng nề nhất là suy thoái kinh tế kéo dài. Tất cả những hậu quả này đối với nền kinh tế đều sẽ được hạn chế và thời gian ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng cũng sẽ ngắn lại nếu như tần suất các cuộc khủng hoảng được giảm thiểu.

TÁC ĐỘNG ĐẾN NGÂN HÀNG

Tác động tích cực

Việc triển khai Hiệp ước Basel II không chỉ tác động đến nền kinh tế của những quốc gia áp dụng mà còn tác động đến chính hệ thống ngân hàng của quốc gia đó.

Để đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp ước Basel II với các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vốn và thanh khoản, các ngân hàng sẽ hoạch định lại hoạt động kinh doanh và các chiến lược kinh doanh một cách tích cực hơn. Trong khuôn khổ Basel II, các công cụ và phương pháp quản lý rủi ro tiên tiến được triển khai đảm bảo cho những ngân hàng có hệ thống quản trị rủi ro tốt giảm thiểu chi phí, tập trung phát triển các mảng nghiệp vụ kinh doanh mới và hiệu quả hơn trong các quyết định phân bổ nguồn vốn kinh doanh.

Triển khai Basel II giúp các ngân hàng hoạt động an toàn hơn, lành mạnh hơn do trình độ quản trị rủi ro được tăng cường, các biện pháp quản trị rủi ro, đặc biệt là mô hình rủi ro và xếp hạng nội bộ được chủ động áp dụng, đồng thời nguồn vốn được quản lý một cách hiệu quả hơn. Trong lĩnh vực tín dụng, các NHTM sẽ phải chuyển hướng tập trung vào đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, thay vì dựa chủ yếu vào tài sản đảm bảo.

Hơn nữa, sau khi áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vốn và thanh khoản, ngân hàng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn do ngân hàng hoạt động kinh doanh trong môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, sau khi triển khai Basel II với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa ra thị trường các nước phát triển. Lúc đó, khi mở cửa thị trường tài chính theo cam kết gia nhập WTO, các ngân hàng Việt Nam không chỉ thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài mà chính các ngân hàng sẽ tự mình thâm nhập các thị trường phát triển và thu hút vốn tại các thị trường rộng lớn này.

Tác động tiêu cực

Khi triển khai Basel II tại các NHTM, yêu cầu về vốn và thanh khoản cao lên sẽ tác động đến chênh lệch lãi suất cho vay, hay nói cách khác làm cho chi phí vốn tăng cao, kết quả là lợi nhuận ròng của ngân hàng sẽ giảm. Theo nghiên cứu của Ủy ban Basel, khi tỷ lệ an toàn vốn tăng lên 1% thì chênh lệch lãi suất cho vay và chi phí đi huy động vốn tăng lên 1,3%. Tuy nhiên, có thể bù đắp phần lợi nhuận ròng mất đi bằng một số biện pháp: Tăng lợi nhuận ngoài lãi như: phí, hoa hồng…, tăng hiệu quả quản trị để giảm chi phí hoạt động.

Theo nghiên cứu của Elliot (2009, 2010), nếu các ngân hàng không sử dụng các phương thức bù đắp này thì lãi suất cho vay có thể tăng lên 0,8% trong dài hạn. Ngân hàng sẽ khó tìm được khách hàng vay khi đưa ra mức lãi suất cho vay cao hơn đối thủ cạnh tranh và như vậy lợi nhuận sẽ giảm. Nếu ngân hàng áp dụng các phương thức bù đắp này thì lãi suất cho vay chỉ tăng thêm 0,2%. Thậm chí, nếu ngân hàng quản lý hiệu quả và làm chi phí hoạt động giảm 3,5% thì kể cả khi CAR tăng thêm 1%, lãi suất cho vay vẫn sẽ không thay đổi.

Tác động đối với hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi

Triển khai Basel II giúp tổ chức bảo hiểm tiền gửi thuận lợi hơn trong các hoạt động nghiệp vụ như đánh giá rủi ro để triển khai thu phí theo rủi ro. Khi các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai Basel II, việc xếp hạng TCTD sẽ được thực hiện trên cơ sở tốt hơn và do đó hệ thống phí bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở rủi ro sẽ được triển khai hiệu quả hơn.

Một điểm quan trọng hơn nữa là khi các TCTD áp dụng Basel II, khả năng đổ vỡ sẽ giảm. Từ đó, xác suất phải chi trả tiền gửi được bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ giảm theo, quỹ bảo hiểm tiền gửi được bảo toàn. Hơn nữa, khi xác suất đổ vỡ ngân hàng giảm, xác suất xảy ra khủng hoảng cũng sẽ giảm, từ đó, chi phí xử lý khủng hoảng giảm, giảm áp lực tới ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội được bảo toàn.

Triển khai Basel II mang lại những lợi ích to lớn đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế, hoạt động của nhiều TCTD tại Việt Nam nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng vẫn còn một khoảng cách đáng kể so với các tiêu chuẩn của hiệp ước Basel. Bên cạnh đó, hệ thống các ngân hàng Việt Nam không đồng đều về quy mô, sức mạnh. Vì vậy, tại Việt Nam, trong quá trình triển khai Basel II, các TCTD nói riêng và cả hệ thống ngân hàng nói chung sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức.

THÁCH THỨC VỚI VIỆT NAM

Với hoạt động kinh doanh ngày càng phức tạp, sản phẩm luôn đổi mới, các TCTD càng phải đối mặt với hàng loạt loại rủi ro khác nhau, từ rủi ro tín dụng đến rủi ro thị trường, rủi ro chiến lược và cả rủi ro hoạt động. Khi thị trường tài chính phát triển thì các rủi ro này ngày càng tăng lên, mức độ sâu sắc hơn, gây tổn thất lớn hơn cho các tổ chức tài chính.

Vì vậy, việc tuân thủ Hiệp ước Basel II đảm bảo chỉ số an toàn vốn tối thiểu và các yêu cầu thanh khoản là yêu cầu cần thiết đối với các ngân hàng thương mại để đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh trong môi trường nhiều biến động. Tuy nhiên, khi triển khai hiệp ước này cũng khiến cho các TCTD tại Việt Nam phải đối mặt với những thử thách nhất định dưới đây.

Sự phức tạp của chính Hiệp ước Basel II

- Cơ sở xây dựng Hiệp ước Basel II: Bản thân những yêu cầu trong hiệp ước Basel được thiết kế và xây dựng dựa trên kinh nghiệm và phù hợp với thị trường phát triển, vì vậy, có thể sẽ có những nội dung không phù hợp với tình hình hiện tại của các thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Do đó, khi áp dụng vào các nước có nền kinh tế đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng cần phải có sự điều chỉnh và đưa ra lộ trình triển khai phù hợp.

- Yêu cầu khi áp dụng Hiệp ước Basel II: Với tính thanh khoản thấp và mức độ biến động thị trường cao tại hầu hết các thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thì sẽ không đáp ứng được các giả thuyết trong Hiệp ước Basel II. Do vậy, khi đưa vào thị trường đang phát triển phải chuyển thành các chính sách chi tiết và kế hoạch hành động khả thi, việc này sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và tốn kém.

Thách thức về bối cảnh triển khai

Việt Nam triển khai Basel II trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế với nhiều biến động trong hệ thống ngân hàng, nợ xấu tăng cao sẽ khó khăn hơn do yêu cầu về vốn cao hơn.

Với bối cảnh đó, để có thể áp dụng Basel II hiệu quả, cần phải có lộ trình khả thi, áp dụng tùy điều kiện kinh tế từng giai đoạn, thực hiện báo cáo đánh giá tác động của Basel II tới vốn, kiểm tra sức chịu đựng của các TCTD để ước lượng nhu cầu vốn trong từng hoàn cảnh.

Yêu cầu cao về hệ thống quản trị rủi ro, công nghệ thông tin và tài chính

- Quản trị rủi ro: Cần phải thiết lập hệ thống quản trị rủi ro tập trung và hiệu quả. Không chỉ xác định, định lượng và phát triển các mô hình quản trị rủi ro khác nhau mà còn thúc đẩy áp dụng công tác quản trị rủi ro ở rất nhiều tổ chức tài chính.

- Hệ thống thông tin cần tin cậy và chính xác: Sự thành công của Basel II phụ thuộc vào độ chính xác, tin cậy và chất lượng của nguồn dữ liệu. Vì vậy, cần phải áp dụng hệ thống báo cáo tin cậy, kịp thời.

- Đầu tư lớn về tài chính: Việc thiết lập hệ thống quản trị rủi ro, chi phí cho hệ thống IT, thuê các nhân viên IT mới có trình độ kỹ thuật cao hơn… đòi hỏi các TCTD đầu tư chi phí lớn khi áp dụng Basel II, khiến chi phí hoạt động tăng cao.

Cách thức quản trị rủi ro và nợ xấu

Đây là những thách thức lớn đối với các TCTD tại Việt Nam khi triển khai Basel II. Hiện nay, các TCTD Việt Nam mới đang bước đầu xây dựng một hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế. Việc xử lý nợ xấu còn chậm, Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) ra đời nhưng chưa có môi trường pháp lý hoàn chỉnh nên chưa phát huy hết vai trò xử lý nợ xấu của mình, nhiều khoản nợ xấu mua lại từ các NHTM chưa tìm được đầu ra phù hợp.

ĐỀ XUẤT CHO VIỆT NAM

Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam còn nhiều khó khăn, hoạt động quản trị rủi ro của các ngân hàng đang trong quá trình cải thiện, nâng cao chất lượng, để góp phần từng bước đưa hoạt động ngân hàng Việt Nam phù hợp với Basel II, bài viết đưa ra một số đề xuất như sau:

- Xây dựng lộ trình triển khai Basel II và các chính sách hướng dẫn cụ thể và phù hợp với điều kiện Việt Nam để giảm những tác động bất lợi trong quá trình triển khai; xây dựng khung hướng dẫn cụ thể về quản trị rủi ro và việc kiểm định các mô hình rủi ro.

- Có kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nguồn tài chính hiện có của các NHTM để giảm chi phí hoạt động.

- Đa dạng hóa nguồn thu thông qua việc tăng tỷ trọng thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng như phí, hoa hồng…

- Học hỏi kinh nghiệm triển khai Basel II từ các ngân hàng và các chi nhánh NHTM nước ngoài tại Việt Nam đã thực hiện Basel II.

- Sử dụng một cách tối ưu đồng thời tích cực phát triển các chương trình hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế để phát triển nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống công nghệ thông tin.

- Nhanh chóng tiến hành giải quyết nợ xấu một cách tích cực và hiệu quả hơn để hoạt động hệ thống ngân hàng thực sự lành mạnh, tăng khả năng chịu đựng đối với những thay đổi lớn về chính sách.

Tin bài liên quan