Bất cập xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
Những cửa hàng bán lẻ xăng dầu treo biển “hết hàng”, “tạm nghỉ” dường như xuất hiện ngày càng phổ biến hơn, không chỉ tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang…, mà cả TP.HCM.
Bất cập xăng dầu

Ngay trong sáng 5/10 vừa qua, 3 cửa hàng xăng dầu trên đường Trần Não (TP. Thủ Đức, TP.HCM) đều báo hết xăng RON 95, có cửa hàng không có cả xăng E5 RON 92.

Tình trạng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tạm ngừng hoạt động vì thua lỗ, không có nguồn hàng để bán được dư luận xã hội đề cập trong nhiều ngày qua, thậm chí phạm vi “hết hàng”, “nghỉ bán” còn có xu hướng lan rộng. Điều đáng nói ở đây là, trong khi Bộ Công thương liên tục khẳng định nguồn cung xăng dầu được đảm bảo, không hề có chuyện thiếu hụt, thì điều gì khiến tình trạng doanh nghiệp bán lẻ tạm nghỉ kinh doanh, không bán hàng vẫn tiếp diễn?

Lý giải thực trạng trên, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) cho rằng, việc chiết khấu 0 đồng hoặc chiết khấu ở mức thấp trong nhiều ngày qua là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới hiện trạng nhiều cửa hàng xăng dầu tìm cách giảm lượng hàng bán ra.

Tại hội nghị bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gần đây, nhiều doanh nghiệp cũng thừa nhận, chiết khấu hoa hồng từ tháng 7 đến nay rất thấp, có lúc bằng 0 đồng, có lúc chỉ 50-70 đồng/lít. Trong khi đó, với mức chiết khấu ít nhất từ 1.200 đến 1.300 đồng/lít, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mới đủ bù chi phí, đồng nghĩa mức chiết khấu 50 -70 đồng là vô tác dụng.

Chiết khấu thấp khiến doanh nghiệp không đủ vốn để kinh doanh, càng bán càng lỗ, trong khi vẫn phải gánh đủ loại chi phí, từ lương, thuê nhân sự, vận chuyển, phí bảo hiểm… Cực chẳng đã, nên trong một số thời điểm, doanh nghiệp đành phải treo biển “hết hàng”.

Chính Bộ Công thương cũng thừa nhận tình trạng chiết khấu thấp, tình trạng bán xăng nhỏ giọt và cho rằng, điều này xuất phát từ hai lý do chính.

Một là, do đầu năm đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động với biên độ lớn, nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực.

Hai là, doanh nghiệp đầu mối từng tăng mạnh lượng hàng nhập khẩu, nhưng sang quý III, giá liên tục giảm, nên bị thua lỗ do đã nhập khẩu lượng lớn hàng với giá cao, nên buộc phải giảm mức chiết khấu cho hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, do từ cuối năm 2021 đến nay, chi phí kinh doanh xăng dầu tăng, song để kiểm soát lạm phát, các chi phí này chưa được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh, nên doanh nghiệp đầu mối buộc phải cắt giảm các khoản chi, trong đó có chiết khấu xăng dầu.

Ở góc nhìn khác, sau khi phân tích những động thái trên thị trường xăng dầu thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định hiện hành còn không ít bất cập, khiến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gặp khó.

Thực tế cho thấy, bên cạnh mức chiết khấu về 0 đồng, việc thiếu hụt nguồn cung cục bộ cũng rất dễ xảy ra do theo quy định hiện hành, doanh nghiệp là đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ mua được nguồn hàng từ một đầu mối hoặc từ một thương nhân phân phối. Hẳn nhiên, điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung tại một số thời điểm.

Một bất cập khác được doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhắc tới là biên độ điều chỉnh giá bán lẻ.

Cụ thể, với kỳ điều chỉnh giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, 11, 21 hàng tháng và các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ theo quy định của Nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp sau đã khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước có độ trễ nhất định. Điều này - theo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu - không phản ánh đúng xu hướng tăng, giảm của giá xăng dầu thế giới, gây khó khăn cho thương nhân kinh doanh xăng dầu trong đảm bảo nguồn cung, tạo tâm lý găm hàng, đầu cơ, gây bất ổn cho thị trường khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng.

Mới đây, UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ Công thương có giải pháp điều chỉnh công tác điều hành giá xăng dầu theo hướng kịp thời, linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ, Tết để hạn chế tác động đến cung - cầu trên thị trường. Ngoài ra, cần tính mức chiết khấu phù hợp, tính đủ các chi phí trong cơ cấu giá bán xăng dầu. Đây được xem là một trong những giải pháp cấp thiết,

hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì hoạt động kinh doanh, tránh thua lỗ nặng.

Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm như hiện nay, các bộ, ngành liên quan cần tranh thủ thời gian, có thể tính toán lại công thức giá, bổ sung các chi phí chưa được ghi nhận vào giá. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bớt khó khăn trong kinh doanh, mà còn hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất.

Tin bài liên quan