Bất chấp tín hiệu xấu bủa vây, giới đầu tư vẫn mạnh tay gom hàng

Bất chấp tín hiệu xấu bủa vây, giới đầu tư vẫn mạnh tay gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall kéo dài chuỗi phiên tăng điểm sang phiên ngày thứ Sáu (7/5), ngay cả khi đón nhận báo cáo việc làm tháng 4 đáng thất vọng cho thấy rằng nền kinh tế Mỹ còn một "chặng đường dài phía trước" trước khi phục hồi từ đại dịch Covid-19.

Cuối tuần, cả thị trường chờ đón bảng lương phi nông nghiệp do Bộ Lao động Mỹ công bố, dữ liệu kinh tế quan trọng có thể ảnh hưởng đến các quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Trái với kỳ vọng, tăng trưởng việc làm của Mỹ bất ngờ chậm lại trong tháng 4 và nguyên nhân ban đầu được xác định là do tình trạng thiếu hụt nhân công và nguyên liệu thô cho sản xuất.

Bảng lương phi nông nghiệp tháng 4 của Mỹ được công bố hôm 7/5 chỉ ghi nhận tăng thêm 266.000 việc làm, chưa bằng 1/3 con số gần 1 triệu việc làm mà các nhà kinh tế dự báo trước đó và đi ngược hoàn toàn mức tăng trưởng việc làm ổn định trong quý I/2021. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 6,1% từ mức 6% của tháng 3.

Tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại diễn ra ngay cả khi dự luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD mà Tổng thống Biden ký vào tháng 3/2021 bắt đầu có hiệu lực thông qua nền kinh tế, bao gồm trợ cấp thất nghiệp mở rộng và khoản tiền mặt 1.400 USD. Tỷ lệ tiêm chủng cũng đạt đỉnh vào tháng 4/2021, làm giảm số ca mắc bệnh hàng ngày, cũng như số ca nhập viện và tử vong.

Đối mặt với báo cáo việc làm ảm đạm, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, đây là minh chứng cho sự cần thiết của gói cứu trợ và cần thêm thời gian để phục hồi nền kinh tế, nước Mỹ vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Theo giới quan sát, với báo cáo việc làm thất vọng trên, giới đầu tư kỳ vọng, Fed sẽ còn một quãng thời gian dài nữa mới đưa ra quyết định tăng lãi suất hay thắt chặt chính sách hiện tại.

Trên thị trường trái phiếu, các nhà giao dịch đã đưa ra dự báo về đợt tăng lãi suất tiếp theo của Fed có thể sẽ đến vào năm 2023 và định giá lạm phát cao hơn một chút trong thập kỷ tới. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 1,58% cuối phiên, sau khi giảm xuống dưới 1,5% lần đầu tiên kể từ tháng 3 sau tin tức việc làm vào đầu phiên.

Kết thúc phiên 7/5, chỉ số Dow Jones tăng 229,23 điểm (+0,66%), lên 34.777,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 30,98 điểm (+0,74%), lên 4.232,60 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 119,39 điểm (+0,88%), lên 13.752,24 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2,67%, S&P 500 tăng 1,23%, Nasdaq Composite giảm 1,51%.

Chứng khoán châu Âu đóng cửa tăng vào thứ Sáu, đánh dấu một tuần thăng hoa nhờ dữ liệu kinh tế tích cực và kết quả kinh doanh lạc quan của các doanh nghiệp củng cố hy vọng phục hồi kinh tế nhanh chóng từ đại dịch COVID-19.

Kết thúc phiên 7/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 53,54 điểm (+0,76%), lên 7.129,71 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 202,91 điểm (+1,34%), lên 15.399,65 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 28,42 điểm (+0,45%), lên 6.385,51 điểm.

Kết thúc tuần, FTSE 100 tăng 2,29%, DAX tăng 1,74%, CAC 40 tăng 1,85%.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng khi các nhà đầu tư tìm mua nhóm cổ phiếu cổ phiếu công nghệ giá rẻ, mặc dù lo ngại về sự phục hồi kinh tế chậm lại do dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều nơi đã hạn chế mức tăng.

Chứng khoán Trung Quốc giảm khi thị trường lo lắng về việc định giá cao và căng thẳng với phương Tây.

Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ khi nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn nhạy cảm với căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây, biến động.

Chứng khoán Hàn Quốc tiếp tục tăng nhờ sự thúc đẩy của phố Wall phiên trước.

Kết thúc phiên 7/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 26,45 điểm (+0,09%), lên 29.357,82 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 22,41 điểm (-0,65%), xuống 3.418,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 26,81 điểm (-0,09%), xuống 28.610,65 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 18,46 điểm (+0,58%), lên 3.197,20 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 tăng 1,89%, Shanghai Composite giảm 0,81%, Hang Seng giảm 0,40%, KOSPI tăng 1,57%.

Giá vàng phiên ngày thứ Sáu tiếp tục tăng mạnh nhờ đồng USD tiếp tục yếu đi và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã về dưới mức 1,6%/năm.

Kết thúc phiên 7/5, giá vàng giao ngay tăng 16,00 USD (+0,88%), lên 1.830,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 15,60 USD (+0,86%), lên 1.831,30 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 4,2%, giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 3,6%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 16 chuyên gia trên phố Wall, có tới 14 người dự báo vàng sẽ tăng giá, chỉ 2 người cho rằng giá vàng đi ngang và không có dự báo giá vàng giảm.

Đối với khảo sát trực tuyến với 1.485 người tham gia, 76% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 14% cho rằng giá vàng giảm và 10% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Dầu tăng nhẹ vào ngày thứ Sáu, bất chấp cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ trở nên tồi tệ hơn, ghi nhận tuần thứ hai liên tiếp tăng giá trong bối cảnh thị trường lạc quan về sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Ấn Độ hôm 7/5 báo cáo mức tăng kỷ lục hàng ngày về số ca nhiễm Covid-19 với 414.188 trường hợp, trong khi số ca tử vong tăng 3.915 người.

Chuyên gia của FGE cho biết, làn sóng tái bùng phát Covid-19 ở các nước như Ấn Độ, Nhật Bản và Thái Lan đang cản trở sự phục hồi nhu cầu xăng dầu, mặc dù nhu cầu đã được bù đắp phần nào bởi Trung Quốc, quốc gia ghi nhận lượng khách du lịch ngày Quốc tế Lao động vượt qua mức của năm 2019.

Kết thúc phiên 7/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,19 USD (+0,29%), lên 64,90 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,19 USD (+0,28%), lên 68,28 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu WTI tăng 2,1%, giá dầu Brent tăng 1,5%.

Tin bài liên quan