Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày tờ trình về Quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày tờ trình về Quy hoạch.

Bắt đầu thẩm tra Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 10, thẩm tra Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sáng 16/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 10, thẩm tra Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).

Đây là nội dung quan trọng nhất tại kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội, nếu kỳ họp này được tổ chức, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Nhiều quy hoạch khác đang chờ

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Quy hoạch là vấn đề phức tạp, rất khó, hồ sơ lên tới cả ngàn trang. Chính vì thế, Ủy ban Kinh tế đã chủ động vào cuộc từ sớm từ xa, ngay từ khi chưa có hồ sơ chính thức, mới chỉ có hồ sơ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, Ủy ban đã gửi dự thảo đến các cơ quan của Quốc hội và các chuyên gia để cho ý kiến.

Sau đó, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức toạ đàm, mời chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực đến tham vấn về Quy hoạch.

Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, thông qua Quy hoạch là vấn đề rất cấp bách. Theo yêu cầu của Quốc hội, năm 2022 có thể không hoàn thành toàn bộ hệ thống quy hoạch nhưng phải xong Quy hoạch tổng thể để định hướng, dẫn dắt cho các quy hoạch cấp dưới.

Nhiều quy hoạch khác đang chờ Quy hoạch tổng thể này, nên việc thông qua Quy hoạch là hết sức quan trọng, ông Thanh nhấn mạnh.

Trình bày tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu 10 nội dung chủ yếu của Quy hoạch.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương
Thứ trưởng Trần Quốc Phương

Gồm quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển; mục tiêu phát triển; tầm nhìn đến 2050; những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch; định hướng phát triểnvà phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu; định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh; giải pháp nguồn lực thực thực hiện.

Theo đó, phần quan điểm và mục tiêu phát triển nêu rõ: Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức một cách hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Quy hoạch cũng xác định mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ tăng khoảng 8-8,5%/năm, vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD,

Tầm nhìn đến năm 2050 được xác định tại Quy hoạch: Là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các vùng phát triển hài hoà, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh. Hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, xanh. Giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Môi trường có chất lưọng tốt, xã hội hài hoà với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp.

Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%. Chỉ số phát triển con người ở mức cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

4 nhiệm vụ trọng tâm

Quy hoạch cũng xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch.

Thứ nhất, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hai, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.

Ba, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Bốn, hình thành và phát triển các hànli lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tãy, các vành đai kinh tế ven biên; kêt nôi hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Theo dự kiến, ngày 21/12, Quy hoạch sẽ được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong phiên họp thứ 18.

Tin bài liên quan