Hệ thống trung tâm thương mại GO! đang được đẩy mạnh phát triển tại Việt Nam. Ảnh: Thành Nguyễn

Hệ thống trung tâm thương mại GO! đang được đẩy mạnh phát triển tại Việt Nam. Ảnh: Thành Nguyễn

Bất động sản bán lẻ đón sóng phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp bán lẻ đang có những kế hoạch táo bạo để đón làn sóng phục hồi sau dịch.

Dư địa khai thác lớn

“15 năm trước tôi đến Việt Nam và thực sự ấn tượng với văn hóa mua sắm tại các chợ truyền thống của người dân nơi đây và tới nay, nét văn hóa này vẫn được gìn giữ. Điều này sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản bán lẻ, bao gồm cả Central Retail ”, ông Christian Olofsson, Giám đốc điều hành Khối Phát triển bất động sản, Central Retail Việt Nam mở đầu câu chuyện với phóng viên.

Ông cho biết, Central Retail sẽ đầu tư 1,1 tỷ USD vào Việt Nam, hiện đã mở 39 trung tâm thương mại ở khắp các địa phương trên cả nước và có kế hoạch mở thêm 35 trung tâm thương mại trong 5 năm tới.

“Tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 không làm ảnh hưởng đến mức độ cam kết đầu tư vào Việt Nam của Central Retail. Hơn nữa, đây đang là giai đoạn chúng tôi đẩy mạnh đổi mới thương hiệu trung tâm thương mại GO! tại Việt Nam”, ông Christian Olofsson nói, đồng thời chia sẻ thêm, GO! là sản phẩm chủ lực, được định vị ở phân khúc trung tâm thương mại tầm trung, là gạch nối giữa chợ truyền thống và các đại siêu thị hiện đại, quy mô.

Theo ông Christian Olofsson, dù có sự khác biệt nhất định giữa đô thị lớn (thường đặt ở ven đô và có diện tích lớn) và khu vực vùng ven (thường đặt ở vị trí trung tâm các đô thị, quy mô vừa), nhưng một điểm chung cũng là tiêu chí xuyên suốt của thương hiệu trung tâm thương mại tầm trung này là thỏa mãn đồng thời các dịch vụ thiết yếu như ăn uống, mua sắm, giải trí, học tập (vui chơi cho trẻ kết hợp giáo dục), phát triển bền vững (từ concept xây dựng, hệ thống năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện năng).

“Riêng mảng bất động sản và trung tâm thương mại, Central Retail sẽ tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm dịch vụ, với khách thuê đó là cập nhật các chương trình cho thuê, các chương trình khuyến mãi, các hoạt động kết nối các khách thuê với nhau để cùng thực hiện các chương trình bán hàng, còn với khách hàng là gia tăng tiếp xúc, tương tác để họ có cảm giác tốt nhất khi đến khu mua sắm”, ông Christian Olofsson nói.

Đẩy mạnh bán hàng đa kênh

Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại, Công ty TNHH MM Market Việt Nam cho hay, trong năm 2022, MM Market Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh kênh bán hàng đa kênh (omnichannel) khi thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam ngày càng phát triển.

“MM Market Việt Nam đang nghiên cứu và hy vọng sẽ sớm đưa vào sử dụng phần mềm Pick & Go được phát triển bởi công nghệ AI, giúp khách hàng không còn phải xếp hàng dài chờ đợi đến lượt thanh toán, thay vào đó, khách hàng chỉ cần tải ứng dụng, quét mã QR khi bước vào siêu thị, sau đó lựa chọn hàng hóa, sản phẩm để vào “giỏ hàng” trên ứng dụng. Ngay khi khách hàng hoàn tất việc lấy hàng, bấm thanh toán, toàn bộ chi phí mua hàng sẽ được tính vào tài khoản kết nối với ứng dụng”, bà Nga thông tin.

Theo bà Nga, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Khách hàng ngày càng chú trọng hơn tới sự tiện lợi và lựa chọn các siêu thị nhỏ và vừa, có vị trí gần nhà đối với các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Theo đó, MM Market Việt Nam sẽ mở rộng nhiều mô hình kinh doanh khác nhau như Food Service, Depot hay Hybrid Food Service để tăng độ phủ trên cả nước.

“60% người tiêu dùng trên toàn cầu ngày càng quan tâm cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần sau dịch. Họ chủ động tiếp cận các loại thực phẩm dinh dưỡng, những nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên, có thể truy xuất nguồn gốc bất cứ lúc nào. Chính vì thế, chúng tôi luôn chú trọng phát triển thực phẩm sạch và tốt cho sức khỏe”, bà Nga nói và cho biết thêm, trong thời gian tới, song song với mở rộng hệ thống, MM Market Việt Nam sẽ phát triển nguồn nhân lực, bởi đây chính là lực lượng quan trọng mang đến những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Là một trong những thương hiệu bán lẻ nội địa nằm trong tốp đầu thị trường, FPT Retail cũng đang đẩy mạnh chiến lược bán hàng đa kênh, trong đó sự hỗ trợ từ Công ty mẹ - Tập đoàn FPT cũng như các thành viên khác trong hệ sinh thái, được cho là lợi thế lớn giúp FPT Retail có thể mở rộng, nâng cấp kênh bán hàng, tăng năng suất lao động ở tất cả các khâu thông qua hoạt động số hóa.

“Năm 2021, FPT Retail đã ký kết hợp tác chiến lược với FPT Software để thực hiện chuyển đổi số. Trong năm 2022, FPT Retail sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn vào dự án này, không ngừng hoàn thiện nền tảng bán lẻ số để tăng hiệu suất vận hành, nâng cao trải nghiệm ‘thông minh’ cho khách hàng”, đại diện FPT Retail nói.

Dư địa khai thác cho thuê trung tâm thương mại tại Việt Nam còn rất lớn

Ông Christian Olofsson, Giám đốc điều hành Khối Phát triển bất động sản, Central Retail Việt Nam
Ông Christian Olofsson, Giám đốc điều hành Khối Phát triển bất động sản, Central Retail Việt Nam

“Tôi đã đi nhiều nơi và thấy rằng, hầu hết các khu chợ, khu ăn uống vỉa hè ở Việt Nam đều rất đông khách, trong khi nhiều trung tâm thương mại không có được điều đó, nên thương hiệu GO! được phát triển để đáp ứng nhu cầu này.

Mặt khác, tại một số thị trường trong khu vực như Malaysia, Thái Lan…, tỷ lệ khách thuê tại mỗi trung tâm thương mại đã ở mức cao, đạt hơn 1.000 khách thuê/1 trung tâm, trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ là 100 khách thuê/1 trung tâm nên dư địa khai thác còn rất lớn.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường đưa khách thuê trong hệ sinh thái đối tác của Central Retail vào hệ thống trung tâm thương mại GO! để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu mua sắm của người Việt.

Việt Nam là “miền đất hứa” cho ngành bán lẻ

Bà Trần Kim Nga , Giám đốc Đối ngoại, MM Market Việt Nam
Bà Trần Kim Nga , Giám đốc Đối ngoại, MM Market Việt Nam

Mặc dù thị trường bán lẻ Việt Nam tăng trưởng thấp trong năm 2021 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng trong dài hạn vẫn là thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân và nằm trong số quốc gia có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất thế giới, tốc độ đô thị hóa nhanh và thu nhập của người dân ngày một cải thiện.

Vì vậy, Việt Nam vẫn là “miền đất hứa” cho ngành bán lẻ.

Lợi thế với các thương hiệu bán lẻ trong nước đó là sự hỗ trợ tối đa từ Chính phủ, các cơ quan, ban ngành

Đại diện FPT Retail

Người dùng Việt Nam ngày càng có xu hướng ưu tiên thương hiệu nội địa nhiều hơn. Chúng tôi nhận thấy, một trong những lợi thế với các thương hiệu bán lẻ trong nước đó là sự hỗ trợ tối đa từ Chính phủ, các cơ quan, ban ngành thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi, bên cạnh sự thấu hiểu khách hàng trong nước tốt hơn so với các thương hiệu nước ngoài.

Tin bài liên quan