Bất động sản các thành phố toàn cầu không còn đứng ngoài xu hướng giá xuống

Bất động sản các thành phố toàn cầu không còn đứng ngoài xu hướng giá xuống

(ĐTCK) London, Hồng Kông và New York từng miễn nhiễm với chu kỳ thông thường của thị trường bất động sản, nhưng hiện nay, giá nhà tại các thành phố này đã không tránh khỏi xu hướng giảm.

Kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu tới nay, các thành phố như London, Hồng Kông và New York dường như được miễn nhiễm với chu kỳ thông thường của thị trường bất động sản, nhờ vào việc tập trung các công việc đòi hỏi trình độ cao và gây dựng được niềm tin đây là “thiên đường an toàn” với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, tới nay, các số liệu mới nhất được công bố cho thấy, các thành phố này đã không còn là ngoại lệ.

Tại Manhattan (New York), mức giá trung bình của condo đã rơi xuống dưới 1 triệu USD/căn lần đầu tiên trong 3 năm qua. Trong khi đó, giá nhà tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã bắt đầu đi xuống kể từ giữa năm 2018, đánh dấu đà giảm dài nhất kể từ năm 2008. Tại London, giá bất động sản khu vực ngoại thành lần đầu tiên giảm kể từ năm 2011.

Albert Saiz, giáo sư kinh tế và bất động sản đô thị tại Massachusetts Institute of Technology nhận định, nếu các thành phố toàn cầu như New York và London bắt đầu “cảm cúm”, không có gì ngạc nhiên khi xuất hiện lo ngại thị trường toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực theo, bởi đây đều là các thành phố có vị thế quan trọng tại các thị trường tài chính thế giới.

Cùng chung quan điểm, tại báo cáo tháng 11/2018, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo việc giá nhà có xu hướng giảm tại các thành phố lớn, có vị thế quan trọng dễ dẫn tới trường hợp cú sốc tại địa phương lan tỏa ra quy mô rộng lớn hơn nhiều.

Thực tế, việc giá nhà tại các thành phố lớn trên thế giới đi xuống có nguyên nhân chủ yếu tới từ động thái của giới chức địa phương. Theo đó, nhà đầu tư quốc tế tìm kiếm khoản đầu tư lợi nhuận cao nên rót tiền vào các thị trường bất động sản lớn, đắt đỏ, đẩy giá nhà tại nơi đây lên cao hơn nữa. Diễn biến này gây lo ngại chi chính quyền về phát triển bền vững, buộc giới chức phải vào cuộc để hạn chế dòng tiền, cầm cương đà tăng giá bất động sản.

Cuối tháng 1/2019, Chính phủ Anh sẽ công bố các chi tiết của quy định đánh thuế vào bất động sản có người mua là khách nước ngoài tại London. Đây là động thái tiếp theo sau khi đã đánh thuế vào bất động sản thứ hai và bất động sản của các doanh nghiệp. Với những quy định mới, giá nhà tại khu vực đắt đỏ bậc nhất London đã giảm 19% so với mức đỉnh năm 2014, theo số liệu của Savills Plc.

Trong khi đó, tại Hồng Kông, việc đánh thuế vào các bất động sản để trống, với mục tiêu ngăn chặn tình trạng đầu cơ, đã góp phần quan trọng vào việc khiến giá bất động sản giảm gần 9% kể từ mức đỉnh đạt được vào tháng 8/2018. Citigroup Inc dự báo, giá nhà tại đây sẽ tiếp tục đi xuống và chạm sàn vào tháng 3/2019.

Bên cạnh động thái của giới chức, một nguyên nhân khác khiến thị trường bất động sản tại các thành phố toàn cầu chịu áp lực là các sự kiện kinh tế - chính trị nổi bật. Tại Anh, mối lo ngại về rủi ro Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) đang là bóng đen bao phủ, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có tác động tiêu cực tới cả thị trường bất động sản New York và Hồng Kông…

“Trong suốt một thời gian dài, người ta vẫn nói về các vấn đề Brexit, chính sách thuế, thay đổi chính trị tại Mỹ… sẽ tác động tới thị trường bất động sản tại các thành phố lớn. Nhưng chuyện này chưa xảy ra cho tới năm nay.

Hiện tại, các nhà đầu tư đã bắt đầu chứng kiến những dấu hiệu của vấn đề đáng lo ngại này, và vì vậy, ảnh hưởng ra toàn cầu là rủi ro cần lượng trước”, Dan Conn, CEO  Christie’s International Real Estate nhận định.

Tin bài liên quan