Dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam kéo theo nhu cầu bất động sản khu công nghiệp gia tăng

Dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam kéo theo nhu cầu bất động sản khu công nghiệp gia tăng

Bất động sản công nghiệp đắt khách ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có dư địa tăng trưởng trong dài hạn, nhờ làn sóng doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam là bến đỗ sản xuất - kinh doanh.

Vốn FDI thực hiện cao nhất 5 năm

Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Có 2.865 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 58,1%, tổng vốn đăng ký đạt hơn 16,41 tỷ USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ.

Số dự án đầu tư mới tập trung tại các tỉnh, thành phố có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong xúc tiến đầu tư như TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương. Riêng 4 địa phương này chiếm tới 67,4% số dự án mới của cả nước.

Trong cùng khoảng thời gian, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 20,25 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

SSI Research kỳ vọng, vốn FDI giải ngân sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024, tập trung vào doanh nghiệp sản xuất như các doanh nghiệp liên quan đến chất bán dẫn và năng lượng tái tạo. Nhu cầu thuê khu công nghiệp ở miền Bắc sẽ tăng tích cực do xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, chủ yếu trong ngành điện tử và bán dẫn. Các khu công nghiệp ở miền Nam sẽ phục hồi từ mức thấp trong năm 2023, chủ yếu là các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu, logistics, sản xuất thực phẩm và đồ uống.

Theo SSI Research, diện tích cho thuê các khu công nghiệp Việt Nam đạt 620 ha trong 9 tháng đầu năm 2023, bằng 56% kế hoạch năm. Dự báo, năm 2024, diện tích cho thuê sẽ tăng 20 - 25%.

Việt Nam được định vị là một trong những địa điểm tiềm năng để mở rộng sản xuất và đang nổi lên như một điểm sáng cho sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và logitics ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong những năm qua, Nhà nước tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, qua đó góp phần đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI. Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp nước ngoài, chiếm 69% nguồn vốn.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị để đón đầu nhu cầu thuê khu công nghiệp tăng cao. Chẳng hạn, Tổng công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (Kinh Bắc, mã chứng khoán KBC) đầu tư 1.060 tỷ đồng mua lại 40 nhà xưởng trong 9 tháng đầu năm 2023, quy mô trung bình mỗi nhà xưởng từ 5.000 - 8.000 m2. Các nhà xưởng này đều có khách thuê nên doanh thu cho thuê nhà xưởng 9 tháng đạt 63,6 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ.

Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Viglacera - CTCP (mã chứng khoán VGC) hiện có 11 khu công nghiệp trải dài trên cả nước. Doanh nghiệp đang tập trung đền bù giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công xây lắp hạ tầng, đẩy mạnh công tác bán hàng tại các dự án nhà ở và khu công nghiệp, đồng thời tiếp tục mở rộng quy mô.

Nhận diện sức bật của doanh nghiệp

Chủ động đón dòng vốn ngoại vào Việt Nam, các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp chuẩn bị được quỹ đất lớn sẽ có lợi thế để tăng tốc.

Cho thuê khu công nghiệp hiện mang lại nguồn thu lớn nhất cho Viglacera, chiếm 33% doanh thu và 58% lợi nhuận gộp, vượt qua phân khúc gạch ốp lát. Đây cũng là phân khúc có lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp, với biên lợi nhuận gộp đạt 54%.

Trong quý III/2023, lợi nhuận sau thuế của Viglacera tăng gần 64% so với cùng kỳ, đạt hơn 433 tỷ đồng, động lực chính là doanh thu mảng cho thuê cơ sở hạ tầng khu công nghiệp tăng trưởng mạnh.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Viglacera ghi nhận doanh thu hợp nhất 10.173 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.210 tỷ đồng, lần lượt vượt 31% và 29% kế hoạch năm.

Tại Kinh Bắc, 9 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp đạt doanh thu 4.797 tỷ đồng (chủ yếu đến từ cho thuê đất và cơ sở hạ tầng), tăng 272%; lợi nhuận sau thuế 2.652 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ. So với kế hoạch năm, doanh nghiệp hoàn thành 53% mục tiêu doanh thu và 52% mục tiêu lợi nhuận.

Theo Kinh Bắc, các khách hàng lớn đã ký hợp đồng thuê đất khu công nghiệp chưa kịp hoàn thiện hồ sơ đầu tư tại Việt Nam, nên việc bàn giao đất khu công nghiệp cho khách sẽ kéo dài sang quý IV/2023. Năm 2024, Kinh Bắc có 52 ha tại 3 khu công nghiệp chính gồm Tân Phú Trung, Nam Sơn Hạp Lĩnh và Quang Châu có thể được ghi nhận doanh thu.

SSI Research ước tính, nếu Kinh Bắc nhận được phê duyệt đầu tư Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024, doanh nghiệp có thể cho thuê 50 ha tại đây. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2024 của Kinh Bắc đạt lần lượt 6.730 tỷ đồng và 2.490 tỷ đồng.

Đối với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex, mã chứng khoán BCM), trong quý III/2023, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ Becamex đạt 294,2 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận hợp nhất giảm 16,8%, còn hơn 215 tỷ đồng, do doanh thu mảng kinh doanh bất động sản sụt giảm.

Khu công nghiệp Cây Trường của Becamex có diện tích thương phẩm lên đến 490 ha, dự kiến sẽ đóng góp lớn vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Becamex dự kiến ghi nhận doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng đến từ việc bán một phần dự án Thành phố mới cho Capital Land.

Công ty Chứng khoán Shinhan ước tính, năm 2023, Becamex đạt doanh thu 3.610 tỷ đồng, tăng 32% và lợi nhuận sau thuế 240 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2023. Sang năm 2024, Becamex có thể đạt doanh thu 4.272 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 407 tỷ đồng, chủ yếu đến từ mảng bất động sản khu công nghiệp.

Sở hữu quỹ đất lớn cũng là lợi thế của Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (mã chứng khoán SZC). Công ty đang có quỹ đất 300 ha sẵn sàng cho thuê trên tổng 560 ha đất khu công nghiệp còn lại tại Khu công nghiệp Châu Đức. Khu công nghiệp này có vị trí gần Cảng quốc tế Cái Mép và giá cho thuê thấp hơn so với một số khu vực khác nên có tiềm năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với Tổng công ty IDICO - CTCP (mã chứng khoán IDC), diện tích đất sẵn sàng cho thuê hiện là 677 ha, tập trung tại Bà Rịa - Vũng Tàu (Khu công nghiệp Phú Mỹ II và Khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng) và Long An (Khu công nghiệp Hữu Thạnh). Công ty dự kiến đầu tư Khu công nghiệp Tân Phước 1 để cho thuê trong năm 2024.

Việc thúc đẩy phát triển hạ tầng trong thời gian qua tại Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc thu hút các công ty nước ngoài chọn Việt Nam để đầu tư, mang lại triển vọng phát triển dài hạn cho lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Mặt khác, hạ tầng phát triển giúp gia tăng hiệu quả trong việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu, góp phần giảm thiểu chi phí, đồng thời hỗ trợ kết nối cảng biển và sân bay, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu.

Tin bài liên quan