Hơn 70% số vốn FDI đăng ký đầu tư vào Hà Nội trong quý I và II/2007 là các dự án bất động sản

Hơn 70% số vốn FDI đăng ký đầu tư vào Hà Nội trong quý I và II/2007 là các dự án bất động sản

Bất động sản- “nam châm” hút vốn vào Hà Nội

(ĐTCK-online) Đích đến của hơn 70% số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư vào TP. Hà Nội trong quý I và II/2007 là các dự án bất động sản. Đó là nét mới trong thu hút vốn FDI tại Hà Nội năm 2007 mà Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP. Hà Nội- ông Triệu Đình Phúc vừa tiết lộ với phóng viên ĐTCK-online .

Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho biết thêm, đây mới chỉ là trong nửa đầu năm 2007, nhiều dự án bất động sản có số vốn lên đến hàng tỷ USD đang trong quá trình thẩm định và hoàn thiện các thủ tục cần thiết để cấp phép đầu tư vào Hà Nội trong nửa cuối năm nay.

Theo thống kê của Phòng Đầu tư nước ngoài (Sở KH&ĐT TP. Hà Nội), trong quý I và II/2007, Hà Nội thu hút được 125 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 930 triệu USD, trong đó, có một số dự án lớn như xây dựng phát triển khu đô thị mới Thạch Bàn của Công ty TNHH Berjaya - Handico 12 (với tổng vốn là 50 triệu USD); Dự án xây dựng khách sạn 5 sao của tập đoàn Charmvit (80 triệu USD); Dự án tổ hợp khách sạn - thương mại- văn phòng- căn hộ Công viên Thiên niên kỷ Keangnam- Hà Nội (500 triệu USD)...

Trong những tháng đầu năm nay, đã có cuộc đua tranh quyết liệt giữa các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc vào một số khu đất tại Hà Nội. Đó là Dự án Xây dựng khách sạn 5 sao tại vị trí X2 - khu đất CV3.1- Khu công viên văn hoá- thể thao Tây Nam Mễ Trì (giáp với Trung tâm Hội nghị quốc gia). Ban đầu, dự án này dự kiến được cấp phép cho Tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc), với số vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD. Tuy nhiên, với khả năng thuyết phục từ nhiều phía, Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) và Công ty Tài chính CKS Finance đã giành được dự án này cùng với 3 dự án khác là tổ hợp văn phòng- nhà ở cao cấp nằm tại 2 xã Kim Chung, Kim Nỗ, huyện Đông Anh; tổ hợp sân golf- khu vui chơi giải trí cao cấp trên diện tích 80 ha tại xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn và tổ hợp sân golf- khu vui chơi giải trí cao cấp tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2010.

Mặc dù không giành được dự án gần Trung tâm Hội nghị quốc gia, Tập đoàn Keangnam cũng tỏ ra không hề kém cạnh khi nhận được giấy phép đầu tư xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao- trung tâm thương mại- văn phòng - căn hộ tại lô đất E6, Khu đô thị mới Cầu Giấy- một trong những khu đô thị được đánh giá là đẹp nhất Hà Nội trong vòng 10 năm tới. Diện tích khu đất này là 4,6 ha, mật độ xây dựng là 40%, tổng vốn đầu tư cho dự án là 500 triệu USD. Dự án sẽ khởi công vào quý III hoặc IV năm nay.

Với nhu cầu phòng khách sạn cao cấp tăng nhanh, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy một hướng đầu tư đầy hứa hẹn và đang đổ vốn vào lĩnh vực này.

Nguồn tin từ Sở KH&ĐT TP. Hà Nội cho biết, một số dự án đầu tư lớn đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư trong 6 tháng cuối năm 2007 như: Dự án Cổng Tây Hà Nội (liên doanh của Tổng công ty Vigracera với đối tác Nhật Bản- 233 triệu USD); Dự án khách sạn 5 sao Riviera (500 triệu USD); Dự án Công viên Yên Sở của Tập đoàn Gamuda Land (Malaysia) với ước tính ban đầu là 580 triệu USD, nhưng có nhiều khả năng sẽ được nâng lên 1 tỷ USD...

Ông Triệu Đình Phúc cho biết thêm, Hà Nội đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thu hút và quản lý nguồn vốn FDI được dự báo là còn tiếp tục chảy vào Thành phố một cách mạnh mẽ. Đó là, tham mưu cho Thành phố ban hành quy định quản lý các doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, gồm cả các dự án đầu tư nước ngoài (theo Luật Đầu tư, thay thế Quyết định 176) trong bối cảnh Thành phố đã xây dựng một số quy định áp dụng thống nhất cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài (như về quản lý đầu tư xây dựng, một đầu mối liên thông cải cách thủ tục hành chính...). Đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng, áp dụng các hình thức đầu tư mới có sử dụng vốn đầu tư nước ngoài như BOT, BTO, BT... trong đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cung cấp dịch vụ; xây dựng quy chế thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thông qua việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù nhằm xúc tiến một số dự án lớn, trọng điểm (khu công viên công nghệ sinh học, trung tâm tài chính- ngân hàng, trung tâm công nghệ thông tin- xử lý dữ liệu...) để các nhà đầu tư có thể thực hiện các dự án một cách thuận lợi nhất.