Có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Vũng Tàu đang bị tụt lại khá xa so với Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc

Có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Vũng Tàu đang bị tụt lại khá xa so với Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc

Bất động sản nghỉ dưỡng Vũng Tàu: “Đại bác vẫn tịt ngòi”

(ĐTCK) Được đánh giá đầy tiềm năng phát triển, nhưng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Vũng Tàu giống như “đại bác tịt ngòi”.

Đầy tiềm năng

Cách TP.HCM chỉ 90 km, được kết nối với TP.HCM bằng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành và tàu cao tốc biển, kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ bằng đường Quốc lộ 51…, cùng với một eo biển dài, với những đảo lớn như Côn Đảo…, Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và TP. Vũng Tàu nói riêng có nhiều tiềm năng lớn để phát triển du lịch.

Thống kê từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong năm 2016, toàn tỉnh đón khoảng 16,8 triệu lượt khách du lịch, tăng gần 8,4% so với năm 2015; trong đó, tổng lượt khách lưu trú là 2,4 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.188 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ dịch vụ lữ hành là 599 tỷ đồng, doanh thu từ dịch vụ lưu trú là 1.589 tỷ đồng.

Đặc biệt, các khu du lịch tại Bà Rịa - Vũng Tàu luôn tấp nập du khách du lịch từ Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước..., nhất là những ngày cuối tuần. Chẳng hạn, Khu du lịch suối nước nóng Bình Châu hiện thu hút 2.000 - 2.500 lượt khách đến tham quan nghỉ dưỡng vào những dịp cuối tuần. Khu du lịch này hiện có 117 phòng nghỉ với giá 2 - 10 triệu đồng/phòng/đêm, tất cả đang hoạt động hết công suất.

Đánh giá về thị trường bất động sản Vũng Tàu, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một thị trường đầy tiềm năng phát triển, trong đó quỹ đất đẹp, rộng và nhiều. Thị trường chưa có nhiều sự cạnh tranh bởi chưa có nhiều doanh nghiệp về đây phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng, mà mới chỉ có các chủ đầu tư địa phương phát triển dự án chung cư giá rẻ cho người dân như DIC, UDIC, Quang Hưng.

Mới đây, thị trường này có thêm sự xuất hiện của những tên tuổi mới như Tập đoàn Hưng Thịnh mua lại dự án Bàu Sen từ Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đổi tên thành Dự án Melody Vũng Tàu. Ðây là dự án khối căn hộ gồm 840 căn, diện tích trung bình từ 46 - 110 m2 với những hướng nhìn ra Bãi Sau, Công viên Bàu Sen và toàn TP. Vũng Tàu.

Hay Công ty Địa ốc Việt Hân đang triển khai 2 dự án lớn là Khu phức hợp Skypark Long Điền và Khu dân cư Việt Hân 3 tại huyện Long Điền. Cả 2 dự án này có tổng quy mô hơn 115 ha, với mức đầu tư gần 2 tỷ USD.

Công ty Bất động sản Nam Hải với Dự án Khu biệt thự cửa biển Marine. Dự án 28 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng này đang được triển khai. Trong đó, khu resort có diện tích 76.903 m2, bao gồm 36 căn biệt thự và 2 khu căn hộ gồm 260 căn hộ cao cấp có tầm nhìn hướng biển.

…Nhưng vẫn đang ngủ quên

Dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng theo ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Quang Hưng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Vũng Tàu vẫn như một khẩu đại bác chưa được châm ngòi nổ.

Đơn cử, trong khi nhu cầu khách lưu trú, nhất là những ngày cuối tuần và ngày lễ, đặc biệt là nhu cầu của khách hàng muốn thuê căn hộ nghỉ dưỡng hiện nay tại các khu du lịch cho gia đình là rất lớn, thì thị trường Vũng Tàu lại thiếu những khu nghỉ dưỡng này. Đối với dạng căn hộ khách sạn - condotel, khu vực này cũng chưa phát triển nhiều…

“Trong khi vắng những dự án nghỉ dưỡng biển, thì lại xuất hiện khá nhiều quỹ đất trống ở vị trí đẹp trên đường Trần Phú, khu Bầu Cát…, gây sự lãng phí. Nhìn tổng thể Vũng Tàu có thể thấy, việc phát triển những dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại đây sẽ sinh lời cao nếu biết phát triển, bởi Thành phố có lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có. Đơn cử, đường biển kết nối với các tỉnh, thành như Bình Thuận, TP.HCM…, giá đất tại đây rẻ, chính sách cho phát triển du lịch và bất động sản được lãnh đạo tỉnh ưu tiên tối đa cho nhà đầu tư…”, ông Hưng nói.

Thực tế cho thấy, nhu cầu mua nhà để nghỉ dưỡng, hay đầu tư của người dân TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, thậm chí cả Hà Nội tại Vũng Tàu khá lớn. Tuy nhiên, vẫn chưa có một dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phù hợp nào để nhà đầu tư lựa chọn.

Ông Nguyễn Ngọc Trân, một nhà đầu tư sống tại TP.HCM đang sở hữu căn hộ tại Vũng Tàu Center cho rằng, việc người TP.HCM mua nhà ở Vũng Tàu để nghỉ dưỡng đã có từ lâu. Tuy nhiên, gần đây họ mới chuyển sang hướng đầu tư căn hộ.

“Mua nhà phố tại Vũng Tàu chi phí cao, còn phải thuê người trông coi, bảo quản rất tốn kém. Trong khi đó, mua căn hộ giá mềm hơn và đã có dịch vụ an ninh sẵn. Nhưng những dự án căn hộ nghỉ dưỡng lại thiếu”, ông Trân nói.

Vì sao tịt ngòi?

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Vũng Tàu cũng đã xuất hiện sự nhòm ngó từ nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM, tuy nhiên vẫn chưa có thông tin chính thức nào cho sự đầu tư tại đây. Đơn cử như thông tin Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) đang thực hiện giao dịch mua lại một quỹ đất lớn mặt tiền đường Trần Phú, nhưng khi xác minh thông tin, thì ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc công ty này cho biết, giao dịch không thành công.

Ngoài ra, ở Vũng Tàu vẫn chỉ phát triển những dự án khách sạn, nhà hàng và căn hộ, trong khi những dự án đăng ký xây dựng dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại khu Bầu Cát của Công ty DIC… vẫn nằm im từ nhiều năm nay.

Hay tại Côn Đảo, dù đánh giá là đảo tự nhiên tuyệt đẹp, hoang sơ, nhưng cũng không thu hút nhiều nhà đầu tư đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại đây.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, một nhà đầu tư bất động sản tại Vũng Tàu cho biết, ông có quỹ đất 2 ha tại Côn Đảo, nhưng chào bán nhiều năm nay mà không nhà đầu tư nào ngó tới. Lý do, theo ông Lâm, là do đảo quá xa, từ TP. Vũng Tàu ra đảo phải mất 12 tiếng đi tàu, trong khi chưa có tàu cao tốc, cũng như tàu mới hiện đại. Đường bay cũng khó khi phải vào TP.HCM mới có thể bay ra Côn Đảo và một ngày chỉ có một chuyến. Chính vì vậy, không nhà đầu tư nào mạo hiểm tiên phong đầu tư ra đảo này.

Đối với thị trường bất động sản trung tâm TP. Vũng Tàu, một đại diện Công ty DIC cho rằng, thị trường không phát triển bởi nhiều lý do, trong đó có việc các doanh nghiệp ôm đất vàng mặt biển nhưng rồi nhiều năm không phát triển dự án.

“Trước đây quỹ đất này được doanh nghiệp mua, nhưng sau cơn khủng hoảng của thị trường 2008 - 2014, các doanh nghiệp cạn kiệt vốn, nên không còn nguồn để phát triển dự án”, vị lãnh đạo DIC nói.

Ngoài ra, một lý do nữa được chỉ ra là dù Thành phố đồng ý chủ trương đầu tư, nhưng lại không hỗ trợ việc đền bù giải tỏa khiến các doanh nghiệp có dự án tại đây không thể phát triển, bởi vướng đền bù giải tỏa,.

Đơn cử, khu Bầu Bàng hiện được quy hoạch là khu đô thị nghỉ dưỡng, nhưng tới nay sau nhiều năm vẫn không xong đền bù giải tỏa. Trước đó, năm 2011, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ban hành văn bản thu hồi chủ trương đầu tư 4 dự án du lịch trên địa bàn, chủ yếu do các nhà đầu tư chậm triển khai các bước tiếp theo, không đủ năng lực.

Bốn dự án du lịch bị thu hồi đều nằm ở địa bàn huyện Xuyên Mộc, gồm Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Mỹ Land SJC (xã Phước Thuận), Khu du lịch sinh thái sân golf Hồng Nhung (xã Bưng Riềng), Khu du lịch Apec Việt Nam (xã Bình Châu), dự án Khu điều dưỡng Vietsovpetro (xã Bình Châu).

Một lý do nữa được các doanh nghiệp địa ốc chưa mặn mà rót vốn vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Bà Rịa - Vũng Tàu là thủ tục đầu tư dự án nghỉ dưỡng quá nhiêu khê. Trong khi đó, dù tỉnh ưu tiên thủ tục phát triển căn hộ chung cư, nhưng với lượng khách hàng ít, doanh nghiệp phát triển của tỉnh nhiều, nên doanh nghiệp ngoài cũng không mặn mà.              

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan