Bất động sản “sốt” chủ yếu do các sắc thuế

(ĐTCK-online) Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển và quản lý thị trường bất động sản (BĐS). Theo đó, yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu ban hành hạn mức sở hữu nhà ở, đất để làm cơ sở xác định thuế nhà, đất theo quy định của pháp luật. Báo Đầu tư đã trao đổi với Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà về những vấn đề liên quan.

Thị trường BĐS đang sốt cục bộ tại các đô thị, theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Tôi cho rằng, tình trạng thị trường BĐS phát triển thiếu lành mạnh và không bền vững do nhiều nguyên nhân khác nhau, như yếu tố cung - cầu chưa hợp lý, sự phát triển liên thông mạnh mẽ của thị trường tài chính, tiền tệ tác động tới thị trường BĐS, trong đó phải kể đến nguyên nhân quan trọng là do chính sách về thuế sở hữu, sử dụng BĐS, thuế giao dịch và lệ phí đăng ký BĐS ở nước ta hiện còn nhiều bất cập. Những bất cập này cần phải được chỉnh sửa ngay để tạo môi trường lành mạnh cho thị trường BĐS phát triển.

 

Bất cập lớn nhất trong lĩnh vực thuế BĐS là gì, thưa ông?

Theo quy định hiện hành, tạm thời chưa quy định về thuế nhà và chưa thu thuế nhà. Vì vậy, thực chất cho đến nay, Nhà nước mới chỉ quy định thu thuế sử dụng đất. Hiện nay, mức thuế sử dụng đất ở tại đô thị bằng 3 - 32 lần thuế sử dụng đất nông nghiệp (tùy thuộc vào vị trí và loại đô thị). Như vậy, mức thuế sử dụng nhà, đất, đặc biệt là tại khu vực đô thị còn quá thấp so với thực tế. Sắc thuế này không có tác dụng điều tiết đối với quy mô diện tích, giá trị cụ thể của mỗi tài sản nhà, đất cũng như không điều tiết đối với người có nhiều BĐS, đặc biệt là những người sở hữu nhiều BĐS, nhưng không đưa vào khai thác, sử dụng, gây lãng phí cho xã hội.

 

Để giải quyết tình trạng trên cần giải pháp gì?

Theo tôi, Nhà nước cần đánh thuế sử dụng đất riêng, thuế sở hữu nhà riêng. Cụ thể, cần ban hành suất thuế sử dụng đất cơ bản theo khu vực, vị trí tính bằng đơn vị tiền tệ (đồng/m2) thay cho cách tính theo mức thuế nông nghiệp như quy định hiện hành, theo nguyên tắc người sử dụng thửa đất có diện tích đất vượt hạn mức quy định càng nhiều, thì phải nộp thuế càng cao. Bên cạnh đó, thực hiện đánh thuế sở hữu nhà đối với các hộ gia đình, cá nhân vượt quá tiêu chuẩn diện tích nhà ở bình quân trên cơ sở ban hành suất thuế sở hữu nhà ở cơ bản.

 

Ông có bình luận gì về thuế chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ hiện nay?

Thuế chuyển quyền sử dụng đất đang áp dụng là 2% đối với đất sản xuất nông nghiệp và 4% đối với đất ở, đất xây dựng công trình. Tôi cho rằng, mức thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất 4% là quá cao, dẫn đến tình trạng người dân sẵn sàng mua bán trao tay. Tương tự, lệ phí trước bạ hiện là 1% tính trên giá trị cả nhà và đất. Mức thu này là quá cao, gần như một loại thuế, chứ không còn mang ý nghĩa là lệ phí. Mức thu này không phản ánh đúng bản chất của việc thu lệ phí mà hầu như trở thành một sắc thuế mới.

 

Nhà nước cần phải sửa đổi các quy định trên như thế nào cho phù hợp, thưa ông?

Đối với thuế chuyển quyền sử dụng đất, để khuyến khích giao dịch chính thức, cần phải giảm thuế suất thuế chuyển quyền sử dụng đất xuống còn khoảng 1% và tính chung cho cả nhà và đất hoặc gộp thuế chuyển quyền sử dụng đất với thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với lệ phí trước bạ, không nên thu quá cao để khuyến khích người dân đăng ký với Nhà nước, đồng thời bảo vệ được quyền lợi của người dân. Vì vậy, cần giảm mức lệ phí trước bạ nhà đất xuống còn 0,02% và không quá 2 triệu đồng để đảm bảo theo đúng nghĩa lệ phí.