Cầu Nhật Tân giúp tăng khả năng kết nỗi giữa Đông Anh và khu nội đô Hà Nội. Ảnh: Shutterstock

Cầu Nhật Tân giúp tăng khả năng kết nỗi giữa Đông Anh và khu nội đô Hà Nội. Ảnh: Shutterstock

Bất động sản Thủ đô: Tâm điểm chuyển dần sang khu Đông

(ĐTCK) Khu Tây sau nhiều năm là tâm điểm của thị trường bất động sản Thủ đô, thì đến nay, dường như sự quan tâm đang dịch chuyển dần sang khu Đông.

Khu Tây - Chờ hấp thụ hết nguồn cung hiện hữu

Bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội nhiều năm qua luôn là cái rốn hút vốn đầu tư. Chỉ trong khoảng 5 - 6 năm, số lượng văn phòng, chung cư ở khu vực này tăng lên chóng mặt, đặc biệt ở cạnh các trục đường chính, đường xuyên tâm.

Trong một thời gian dài, khu Tây luôn chiếm ưu thế về nguồn cung văn phòng, nhà liền thổ và căn hộ cho cả thị trường Hà Nội. Không khó để nhận ra hình ảnh quen thuộc tại các quận như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, đó là các công trình xây dựng mọc lên như nấm, cả khu vực như một đại công trường.

Chỉ trong 2 năm gần đây, Công viên Cầu Giấy từ chỗ có góc nhìn thoáng ra cả ba mặt, ngoại trừ hướng phía đường Thành Thái, thì nay gần như 4 bề kín mít bởi hàng loạt công trình, từ chung cư cho đến văn phòng. Chỉ trong khoảng 2 năm nữa, khi các dự án hoàn thiện và đi vào sử dụng, công viên này sẽ chỉ còn như một cái giếng trời của một quần thể tòa nhà vây quanh nó.

Tương tự, khu vực phố Mạc Thái Tổ (quận Cầu Giấy), chỉ trong 2 - 3 năm trở lại đây, các tòa chung cư, tòa văn phòng được xây dựng đồng thời, nhanh chóng. Từ khu vực có nhiều khoảng không gian trống, nay khu vực này cũng trở nên chật chội lạ thường. Đặc biệt, nhiều đường nội khu chưa được hoàn thiện, chăm chút, nên bên trong các dự án nhìn còn nhếch nhác.

Khu Tây sau một thời gian được các chủ đầu tư miệt mài "cày ải", đến nay đã có một lượng cung khá lớn và đang cần thêm thời gian để hấp thụ.

Khu Đông - Vượt qua nỗi e dè tâm lý

Khi khu Tây đang cần thêm thời gian để hấp thụ nguồn cung sẵn có, thì cũng là lúc nhiều chủ đầu tư bắt đầu tìm kiếm khu vực đầu tư mới. Và có vẻ như, khu Đông, gồm quận Long Biên, huyện Gia Lâm, huyện Đông Anh như các cô gái đến tuổi cập kê, đang bắt đầu được các chàng trai để mắt đến.

Không khó để gọi tên một số dự án chung cư đã được triển khai, có những dự án đang bước vào giai đoạn bàn giao như: Chung cư AQH Riverside (phường Thượng Thanh, quận Long Biên), Chung cư Bình Minh Garden (phường Thượng Thanh, quận Long Biên), Him Lam New Star Thượng Thanh (phường Thượng Thanh, quận Long Biên), HC Golden City Long Biên (quận Long Biên), Chung cư cao cấp Le Grand Jardin Sài Đồng (quận Long Biên,) TSG Lotus Sài Đồng (phường Việt Hưng, quận Long Biên), Chung cư Intracom Riverside (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh), Khu đô thị Eurowindow River Park (xã Đông Hội, huyện Đông Anh)…

Bất động sản Thủ đô: Tâm điểm chuyển dần sang khu Đông ảnh 1

Valencia Garden của MIK Home được lợi từ hạ tầng giao thông. Ảnh: Thành Nguyễn

Theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội, câu nói “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” của người Việt tác động khá nhiều đến các nhà đầu tư, tạo nên sự khác biệt về gu mua sắm bất động sản so với nhiều nước. Ở những nước phát triển, có hạ tầng giao thông tốt, người dân thích ở xa thành phố, vì khi đó khoảng cách không còn là vấn đề, mà điều quan tâm là môi trường sinh thái. Ở Việt Nam, xu hướng này cũng bắt đầu hình thành và những khu đô thị như Ecopark (Hưng Yên) đang dần chứng minh được mức độ thành công. Nó cũng phù hợp với chủ trương phát triển các khu đô thị vệ tinh. Đây cũng chính là cơ hội cho bất động sản vùng ven, trong đó có khu Đông Hà Nội.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, các dự án chung cư tại khu Đông Hà Nội hiện có thanh khoản khá tốt.

Anh Tuấn, nhân viên bán hàng của Đất Xanh miền Bắc cho biết, công ty anh hiện là đơn vị phân phối độc quyền dự án TSG Lotus Sài Đồng. Dự án đã cất nóc từ tháng 7/2019, hiện đang hoàn thiện căn hộ, chuẩn bị sơn mặt ngoài vào tháng 11/2019. Dự án đã có 1 lô shophouse hoàn thiện, một lô khác đang xây thô. Dự án được mở bán từ tháng 7 và bán khá tốt, hiện đã có khoảng 90/300 căn có khách mua (chủ đầu tư ra hàng theo đợt chứ không ra toàn bộ).

Chia sẻ về xu hướng của khách hàng, anh Tuấn cho biết, hiện nay, tâm lý ngại qua sông đã không còn nữa. Hà Nội có nhiều cây cầu hiện hữu và tương lai sẽ tiếp tục có thêm những cây cầu nối 2 bờ sông Hồng, cộng với hạ tầng giao thông của Long Biên được cải thiện nhanh, nên ngày càng có nhiều người quan tâm tới bất động sản Long Biên. Hiện có nhiều khách hàng mua căn hộ của dự án đến từ các khu Hoàng Mai, Thanh Trì.

“Quan trọng nhất là dự án có mức giá và vị trí phù hợp với nhu cầu khách hàng, nhất là gần chỗ làm thì càng dễ bán”, anh Tuấn nhấn mạnh.

Sự dịch chuyển của dòng vốn

Nhìn nhận về tiềm năng của thị trường các quận Long Biên, huyện Gia Lâm, huyện Đông Anh, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, 5 năm tới, đây sẽ là thị trường phát triển mạnh do hạ tầng giao thông được cải thiện tốt. Trục xương sống cầu Nhật Tân lên Sân bay Nội Bài kết nối cả được với khu vực trung tâm Thành phố và nối về đường 5 đi tận Hải Phòng. Riêng quy hoạch đường Võ Nguyên Giáp đã duyệt quy hoạch 1/500.

Theo ông Chiến, thị trường phía Tây Hà Nội phạm vi phát triển cũng chỉ tìm đến Mỹ Đình, sau này ra đến vành đai 3,5, tới sông Đáy. Tuy nhiên, trong tương lai, khu vực Bắc Thăng Long sẽ là xu thế phát triển đô thị ở Hà Nội. Kinh nghiệm phát triển của các quốc gia đi trước cho thấy, thị trường bất động sản đều hướng đến sân bay, cảng biển để phát triển kinh tế, do đó các nhà đầu tư nên để ý đến những địa điểm này để phát triển dự án. Trục đường Võ Nguyên Giáp kết nối từ sân bay về khu vực nội đô là một gợi ý tốt.

Đồng quan điểm trên, lãnh đạo Tập đoàn MIK Group cho rằng, xu hướng ly tâm là chủ đạo và các doanh nghiệp sẽ theo đuổi. Các khu vực ngoại vi hiện nay hạ tầng đang được đầu tư rất bài bản và quy mô. Tại đó, các doanh nghiệp có thể xây dựng được những dự án tầm cỡ phục vụ đa nhu cầu cho người mua.

“Sắp tới, tôi tin rằng, các nhà đầu tư sẽ cố gắng triển khai và tạo dựng ra những khu đô thị tầm cỡ”, vị này nhấn mạnh.

Tiềm năng thị trường khu Đông đang được một số chủ đầu tư đánh thức. Các doanh nghiệp như Vingroup, Him Lam, MIK Group, Hải Phát, An Quý Hưng, Cen Group… đều đã triển khai các dự án của mình tại đây. Có lẽ, mức độ bán hàng chóng mặt của những dự án như Valencia Garden đã khiến cho nhiều nhà đầu tư thêm tự tin. Dự án này đã được phát triển từ giai đoạn trước, khi mở bán đã nhanh chóng có chủ sở hữu chỉ sau vài tháng.

Nhắc đến thị trường khu Đông Hà Nội, không thể không nói đến đại dự án thành phố thông minh của liên danh Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation (Nhật Bản). Dự án này vừa được động thổ vào đầu tháng 10 vừa qua và đang được kỳ vọng sẽ tạo nên cú huých lớn cho thị trường Đông Anh nói riêng, khu Đông nói chung.

Nhận xét về thị trường Đông Anh và hiệu ứng từ dự án trên, bà Đỗ Vân Anh, Bộ phận Nghiên cứu thị trường CBRE Hà Nội cho rằng, từ năm 2019 và năm 2020 về sau, các dự án khu đô thị sẽ chiếm tỷ trọng lớn về nguồn cung căn hộ. Đây là một đặc điểm khác biệt so với giai đoạn trước khi các chủ đầu tư phát triển nhiều dự án nhà ở đơn lẻ. Thành phố thông minh có thể được mở bán căn hộ đầu tiên vào năm 2020 và có thể sẽ tạo nên những thay đổi về nguồn cung mới cho phân khúc căn hộ bên kia sông Hồng.

Cũng theo bà Vân, việc xây dựng các cây cầu hay đường Vành đai 2 đã giúp gia tăng kết nối, hạ tầng cho khu Đông, tạo thuận lợi cho việc di chuyển, kết nối nên nó có những tác động tích cực đến giao dịch và mặt bằng giá.

“Hơn 10 năm qua, Hà Nội phát triển mạnh khu vực phía Tây, đến thời điểm gần đây bắt đầu phát triển mạnh ra cả bên kia sông Hồng. Trong đó, Đông Anh là khu vực đi sau, nên mặt bằng giá đang còn thấp hơn, nên triển vọng tăng giá cũng tốt hơn so với các khu vực đã phát triển”, bà Vân nhấn mạnh.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan