Bầu Kiên bị đề nghị mức án 30 năm tù (ảnh chụp qua màn hình)

Bầu Kiên bị đề nghị mức án 30 năm tù (ảnh chụp qua màn hình)

Bầu Kiên bị đề nghị 30 năm tù giam

(ĐTCK) Cuối giờ sáng ngày 27/5, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Hà Nội đã đề nghị mức án cụ thể cho từng bị cáo trong vụ án bầu Kiên.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bị đề nghị 30 năm tù giam.

Bị cáo Trần Ngọc Thanh bị đề nghị 9 - 10 năm tù giam.

Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến bị đề nghị 7 - 8 năm tù giam.

Bị cáo Trịnh Kim Quang bị đề nghị 6 - 7 năm tù giam.

Bị cáo Lý Xuân Hải bị đề nghị 12 - 14 năm tù giam.

Bị cáo Phạm Trung Cang và bị cáo Huỳnh Quang Tuấn bị đề nghị 3 năm án treo.

Trước đó, khoảng 10h, Tòa kết thúc phần xét hỏi của luật sư, chuyển sang phần tranh luận. Trước khi tranh luận, đại diện VKSND TP. Hà Nội, cơ quan giữ quyền công tố tại phiên tòa, đọc kết luận vụ án. Bản kết luận này có nội dung tương tự như cáo trạng của VKSND tối cao. VKS cho rằng, lời khai của Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa trong phần thẩm vấn để chứng minh bị cáo vô tội là “không có căn cứ để chấp nhận” và “việc VKSND tối cao truy tố Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.

Về hành vi kinh doanh trái phép:

Nguyễn Đức Kiên đã thành lập và đồng thời là Chủ tịch HĐQT/HĐTV của 6 công ty gồm: (1) CTCP Phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam; (2) CTCP Đầu tư thương mại B&B; (3) CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu; (4) CTCP Đầu tư ACB Hà Nội; (5) Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội; (6)CTCP Đầu tư Á Châu.

Các pháp nhân này đều có hàng chục ngành nghề kinh doanh đa dạng, nhưng đều không có chức năng kinh doanh đầu tư tài chính, phát hành và bán trái phiếu, nhưng sau khi thành lập, ông Kiên đều chỉ đạo các công ty này thực hiện việc phát hành và bán trái phiếu của một số công ty cho một vài ngân hàng để vay nhiều tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định, thông qua 6 công ty, ông Kiên đã sử dụng số vốn lên tới 21.490,4 tỷ đồng để kinh doanh trái phép.

Về hành vi trốn thuế:

Do biết Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, ông Kiên chỉ đạo Công ty B&B ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với em gái là bà Nguyễn Thúy Hương vào tháng 12/2008 và né nghĩa vụ thuế với nhà nước bằng cách chuyển lợi nhuận cho bà Hương.

Bộ Tài chính đã tiến hành giám định đối với nghĩa vụ thuế phát sinh từ hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Công ty B&B và Ngân hàng ACB là 25 tỷ đồng.

Về hành vi lừa đảo:

Tháng 5/2010, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh, đại diện Công ty ACBI ký hợp đồng thế chấp 22,49 triệu CP Thép Hòa Phát cho Ngân hàng ACB. Nhưng sau đó, Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến, Trần Ngọc Thanh ký hợp đồng chuyển nhượng CP cho Tập đoàn Hòa Phát. Sau khi ký hợp đồng, phía Hòa Phát đã chuyển 264 tỷ đồng cho Công ty ACBI, số tiền này ông Kiên đã chỉ đạo rút ra chi trả các khoản nợ, nhưng không chuyển trả CP cho phía Hòa Phát.

Cơ quan chức năng xác định, hành vi này của ông Kiên và Nguyễn Thị Hải Yến, Trần Ngọc Thanh phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về hành vi cố ý làm trái:

Tháng 3/2010, Thường trực HĐQT ACB đã triệu tập cuộc họp bàn và sau đó thống nhất phương án ủy thác cho các cá nhân để gửi tiền VND/USD tại các ngân hàng khác và giao Tổng giám đốc thực hiện. Từ nghị quyết này đã dẫn tới việc ACB bị mất 718,9 tỷ đồng trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như vừa được xét xử hồi tháng 1/2014.

Ông Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo nguyên là lãnh đạo của Ngân hàng ACB còn có hành vi vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của CTCK khi đầu tư cổ phiếu ACB: không được đầu tư vào cổ phiếu hoặc phần vốn góp của công ty sở hữu trên 50% vốn điều lệ của CTCK.

Nhưng Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã có quyết định cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng đầu tư để mua một số ít cổ phiếu có giá tốt, tính thanh khoản cao và ủy quyền cho ông Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo trực tiếp việc đầu tư này.

VKS nhận định, trong vụ án này, Nguyễn Đức Kiên giữ vai trò chủ mưu. Kiên đã sử dụng áp lực, quyền lực của mình tại ACB để buộc các thành viên trong Thường trực HĐQT phải thực hiện theo ý chí của mình. Các ý kiến của Kiên sau đó đã trở thành Nghị quyết của HĐQT ACB.

Sau đó, ông Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBS tiến hành đầu tư một số cổ phiếu trong đó có cổ phiếu của Ngân hàng ACB. Riêng việc đầu tư cổ phiếu ACB khiến cho Ngân hàng ACB chịu thiệt hại 614,4 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Kiên và một số lãnh đạo khác của ACB như ông Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn, Trịnh Kim Quang, Phan Xuân Cang, Lê Vũ Kỳ… bị truy tố về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã không thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội, thể hiện thái độ coi thường pháp luật… nên cần cách ly bị cáo khỏi xã hội trong một thời gian dài.

Các bị cáo:

1. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (SN 1964), cựu Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB: 18-24 tháng tù tội trốn thuế, tịch thu sung quỹ nhà nước số tiền bị cáo đã sử dụng kinh doanh trái phép về tội kinh doanh trái phép; 4-5 năm về Tội trốn thuế, phạt từ 2-3 lần số thuế đã trốn; 16-18 năm tù về tội lừa đảo; 14-15 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu qủa nghiêm trọng, cấm bị cáo giữ các chức vụ điều hành tổ chức tín dụng từ 3-5 năm sau khi mãn hạn tù. Tổng hợp hình phạt 30 năm tù.

2. Bị cáo Lê Vũ Kỳ (SN 1956), cựu Phó chủ tịch HĐQT ACB: 7-8 năm tù về tội cố ý làm trái.

3. Bị cáo Lý Xuân Hải (SN 1965), cựu Tổng giám đốc ACB: 12-14 năm tù về tội cố ý làm trái.

4. Bị cáo Trịnh Kim Quang (SN 1954), cựu Phó chủ tịch HĐQT ACB: 6-7 năm tù về tội cố ý làm trái.

5. Bị cáo Phạm Trung Cang (SN 1954), cựu Phó chủ tịch HĐQT ACB: 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.

6. Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (SN 1958), cự Phó tổng giám đốc ACB: 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.

7. Bị cáo Trần Ngọc Thanh (SN 1952), cựu Tổng giám đốc ACBI: 9-10 năm tù về tội lừa đảo.

8. Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969), cựu Jế toán trưởng ACBI: 7-8 năm tù về tội lừa đảo.

Tin bài liên quan