Bệnh viện Chợ Rẫy từ chỗ “gánh bệnh nhân” cho bệnh viện khác, nay phải chuyển người bệnh đi nơi khác nhờ cứu chữa do thiếu trang thiết bị, vật tư.

Bệnh viện Chợ Rẫy từ chỗ “gánh bệnh nhân” cho bệnh viện khác, nay phải chuyển người bệnh đi nơi khác nhờ cứu chữa do thiếu trang thiết bị, vật tư.

Bế tắc mua sắm thuốc, máy móc, ngành y tế TP.HCM kêu cứu

0:00 / 0:00
0:00
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM kêu cứu tới Bộ Y tế rằng, nếu vướng mắc không được giải quyết, thì trong 2-3 tháng tới, các cơ sở y tế của Thành phố sẽ “không đảm bảo được công tác khám, chữa bệnh”.

Quy định 3 báo giá, nhưng không có giá để báo

Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thời gian qua, ngành y tế thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế theo Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Các cơ sở y tế đã cố gắng, nỗ lực và thực hiện các giải pháp để mua sắm thuốc, trang thiết bị, nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bởi không xác định được giá dự toán của gói thầu.

Cụ thể, Thông tư số 68/2022/TT-BTC ngày 11/11/2022 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2016/TT- BTC ngày 29/3/2016 quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm đã quy định: để sát giá thị trường, thì giá gói thầu phải được tham khảo từ ít nhất 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau; hoặc căn cứ kết quả thẩm định giá; hoặc giá trúng thầu của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 90 ngày.

Thực tế, tại các cơ sở y tế TP.HCM, có khoảng 10% số lượng mặt hàng vật tư y tế, trang thiết bị là hàng đặc thù, riêng biệt hoặc dịch vụ phi tư vấn (sửa chữa, bảo trì, bảo hành...). Các trang thiết bị đặc thù, riêng biệt chỉ có một hoặc hai nhà sản xuất, nên cơ sở y tế không thể có được 3 báo giá. Việc thẩm định giá cũng không thực hiện được vì các tổ chức thẩm định giá hiện nay không nhận thực hiện thẩm định giá trang thiết bị y tế, các dịch vụ phi tư vấn.

Mặt khác, rất nhiều trang thiết bị, dịch vụ không có giá trúng thầu của các gói thầu tương tự trong thời gian không quá 90 ngày, kể cả dựa vào kết quả được công bố trên cổng công khai kết quả đấu thầu của Bộ Y tế. Vả lại, giá kê khai và công khai của trang thiết bị y tế trên cổng thông tin này chưa thực hiện đầy đủ chi tiết cấu hình, tính năng, chưa được kiểm soát, nên việc các cơ sở y tế tham khảo để xây dựng giá dự toán gói thầu cũng không đầy đủ, phù hợp.

Hồ sơ đấu thầu online thì… mạng tải không nổi

Theo Sở Y tế TP.HCM, theo quy định, thì tất cả các gói thầu mua sắm hàng hóa của các cơ sở y tế đều phải thực hiện đấu thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, kể cả các gói thầu mua sắm thuốc, gói thầu mua sắm vật tư y tế với hàng trăm đến hàng ngàn mặt hàng/gói thầu và được chia thành nhiều phần với hồ sơ tài liệu kỹ thuật của hàng hóa rất nhiều.

Hàng năm, ngành y tế TP.HCM có hàng ngàn gói thầu, trong đó có đến hàng trăm gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế gồm nhiều phần với quy mô lớn. Tuy nhiên, hạ tầng của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa đáp ứng được, dẫn tới khi đăng tải hồ sơ gói thầu thường bị gián đoạn. Với hồ sơ gói thầu trên 300 khoản thì gần như không đăng tải được.

Bên cạnh đó, hiện nay, theo quy định, rất nhiều trang thiết bị (hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế kỹ thuật cao) phải có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp. Nhưng các giấy trên đã hết hạn từ ngày 1/1/2023 và chưa được Bộ Y tế cấp mới/gia hạn, nên các sản phẩm hàng hóa dự thầu không thể trúng thầu. Vì vậy, cơ sở y tế không thực hiện được việc mua sắm trang thiết bị.

Đấu thầu máy xét nghiệm không hợp thực tế

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay, hiện nay, đa số các máy xét nghiệm (miễn dịch, vi sinh, huyết học) là máy thế hệ mới, máy đóng, tức máy chỉ sử dụng được hóa chất của hãng, mà không thể sử dụng hóa chất của các hãng khác, nếu sử dụng, sẽ cho kết quả không đầy đủ các thông số cần thiết, hoặc kết quả không chính xác. Thế nên, quy định phải tổ chức đấu thầu máy móc, trang thiết bị xét nghiệm là không phù hợp thực tế.

Mặt khác, trong điều kiện ngân sách nhà nước đầu tư, cũng như nguồn thu sự nghiệp của các bệnh viện còn hạn chế, việc đầu tư máy xét nghiệm có thể không hiệu quả, bởi chi phí đầu tư ban đầu lớn. Đó là chưa nói chi phí sửa chữa phát sinh, máy nhanh chóng lỗi thời, hóa chất theo máy không trúng thầu, chưa có cấu hình tiêu chuẩn, nên rất khó khăn trong việc đưa ra cấu hình để tổ chức đấu thầu.

Vì vậy, lâu nay, đa số các máy xét nghiệm ở các cơ sở y tế được thực hiện dưới hình thức công ty trúng thầu gói hóa chất xét nghiệm có trách nhiệm cung cấp thiết bị để cơ sở y tế chạy hóa chất xét nghiệm.

“Điên đầu” thanh toán bảo hiểm y tế

Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 nêu: “Tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực. Thời gian thực hiện theo thời gian thực hiện hợp đồng đã ký trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực hoặc không quá 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực”.

Tuy nhiên, ông Tăng Chí Thượng cho rằng, quy định trên chưa rõ ràng. Chẳng hạn, đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất cung cấp trong hai trường hợp, hoặc theo kết quả trúng thầu trước ngày 5/11/2022 (ngày Nghị quyết số 144/NQ-CP có hiệu lực) mà hợp đồng ký sau ngày 5/11/2022, hoặc theo kết quả trúng thầu và hợp đồng ký sau ngày 5/11/2022, thì có được bảo hiểm y tế thanh toán hay không?

Nếu được hiểu là bảo hiểm y tế không thanh toán, thì số tiền chi phí xét nghiệm của các cơ sở y tế TP.HCM không được thanh toán rất lớn, vì thực tế sau ngày 5/11/2022, rất nhiều cơ sở vẫn phải ký các hợp đồng sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu và thực hiện sử dụng máy đặt để thực hiện xét nghiệm nhằm duy trì hoạt động khám, chữa bệnh của cơ sở y tế (bình quân chi phí xét nghiệm/ngày cho bệnh nhân bảo hiểm y tế trên 4 tỷ đồng).

Việc không được thanh toán sẽ kéo theo hệ lụy rất nặng nề cho các cơ sở y tế, bởi họ vừa trải qua thời kỳ rất khó khăn do chống dịch Covid-19, như nguồn tài chính của cơ sở y tế sẽ mất cân đối thu chi rất nhiều, nợ không có khả năng chi trả với nhà cung cấp và không đảm bảo thu nhập cho người lao động, từ đó cơ sở y tế sẽ không đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân.

Chưa hết, theo Sở Y tế TP.HCM, năm 2022, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM vẫn diễn ra và tình hình sức khỏe của người bệnh hậu Covid-19 là nguyên nhân khách quan dẫn đến việc làm tăng chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhưng lại không được xác định trong tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh năm 2022 của tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn.

Trong khi đó, hầu hết các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn TP.HCM đều được giao tự chủ tài chính đang gặp khó khăn về nguồn thu, không còn nguồn chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên, nhân viên y tế xin nghỉ việc ngày càng nhiều.

Theo Giám đốc Sở y tế TP.HCM, nếu khó khăn, vướng mắc trên không được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, giải quyết, thì khoảng 2-3 tháng nữa, các cơ sở y tế tại TP.HCM sẽ không đảm bảo được công tác khám, chữa bệnh.

Bảy kiến nghị của ngành y tế TP.HCM

1/ Tiếp tục cho phép thanh toán chi phí các dịch vụ kỹ thuật theo hình thức máy đặt cho đến khi có quy định, hướng dẫn hình thức tổ chức phù hợp và cơ sở y tế đảm bảo được đầy đủ trang thiết bị.

2/ Chấp thuận hình thức máy đặt theo kết quả trúng thầu hóa chất, vật tư y tế để đảm bảo trang thiết bị cho cơ sở y tế.

3/ Bổ sung quy định về căn cứ xác định giá gói thầu của các gói thầu mua sắm trang thiết bị, dịch vụ phi tư vấn (sửa chữa, bảo trì, bảo hành...) trang thiết bị có tính chất đặc thù, riêng biệt.

4/ Sớm cấp giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị; cấp tài khoản cho các cơ sở y tế TP.HCM để thực hiện đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu.

5/ Trong thời gian chờ hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được hoàn thiện thì cho phép các cơ sở y tế được thực hiện đấu thầu thông thường (không qua mạng).

6/ Tiếp tục cho phép quyết toán, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2022 bằng chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi đã được cơ quan bảo hiểm xã hội giám định theo quy định.

7/ Triển khai áp dụng thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo đa phương thức.

Tin bài liên quan