Vào WTO, VN không thể tiếp tục sử dụng “nhân công giá rẻ” như một lợi thế cạnh tranh

Vào WTO, VN không thể tiếp tục sử dụng “nhân công giá rẻ” như một lợi thế cạnh tranh

Bị “níu chân” nếu theo đuổi lợi thế nhân công giá rẻ

VN sẽ phải đi các bước tiếp theo như thế nào sau khi đã vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)? Vấn đề này đã được các chuyên gia kinh tế hàng đầu VN bàn thảo trong khuôn khổ một cuộc hội thảo do Bộ Ngoại giao tổ chức.

Ông Trương Triều Dương - quyền vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương (Bộ Ngoại giao) - cho rằng quá trình hội nhập của VN và Trung Quốc (TQ) có rất nhiều điểm giống nhau, cả về chính trị lẫn kinh tế (cùng đi lên từ nền kinh tế tập trung bao cấp). Đó là lý do xác đáng để VN nhìn lại chặng đường năm năm gia nhập WTO của TQ để rút ra bài học cho mình.

 

Bài học từ “tuần trăng mật” của TQ

 

Không kể những khó khăn và tác động tiêu cực mà TQ gặp phải từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, một trong số đó là khoảng cách giàu - nghèo với 1/5 dân số TQ hiện nắm giữ 1/2 tài sản toàn dân, việc gia nhập WTO đã có tác động tích cực. Thu nhập bình quân đầu người của TQ năm 2001 là 1.038 USD/năm thì năm 2005 đã tăng lên 1.700 USD/năm. Đầu tư nước ngoài cũng tăng kỷ lục, giai đoạn 1999-2001 là 124 tỉ USD, từ 2002-2004 nhảy vọt lên 157,5 tỉ USD và riêng năm 2005 đạt đến 72 tỉ USD. Trong khi VN đang nhắm tới mục tiêu tăng trưởng thương mại 20% trong năm nay thì TQ tăng đều đều 30-32%/năm, tức cứ hơn ba năm thì qui mô thương mại của TQ tăng gấp đôi giá trị tuyệt đối.

 

PGS.TS Trần Đình Thiên - viện phó Viện Kinh tế VN - cho rằng mặc dù đạt được những thành tựu đáng kể, năm năm qua đã kết thúc “tuần trăng mật” của TQ khi nước này phải đối mặt với 1/3 vụ điều tra chống bán phá giá trên toàn thế giới, ngành trồng và chế biến đậu nành và bông hoặc phải nhập khẩu sản phẩm, hoặc rơi vào tay các công ty có vốn đầu tư nước ngoài khiến hàng triệu lao động mất việc làm.

 

Thể chế và cơ sở hạ tầng - hai vấn đề sinh tử

 

Cải cách thể chế và xây dựng cơ sở hạ tầng được chỉ ra như hai biện pháp trụ cột nhằm giải quyết các vướng mắc hiện nay. Ông Võ Trí Thành (Viện Quản lý trung ương) dùng hình tượng ví von để nhấn mạnh nhu cầu cải cách thể chế: “TQ rộng lớn bao la, có thể coi như một cô gái đẹp. Còn VN tựa như cô gái xấu xí đứng bên, nếu muốn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì chỉ còn cách chăm sóc phần tâm hồn, tức là thể chế”.

Một thuật ngữ được chú ý là “bẫy chi phí nhân công thấp”. Lương và chi phí nhân công thấp là một lợi thế nhưng cũng chỉ là sử dụng cái vốn có (ngoài ra còn có tài nguyên thiên nhiên).

Nếu không sử dụng lợi thế về sức cạnh tranh, sức lan tỏa của thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các luồng vốn...) thì VN rất dễ rơi vào cái bẫy này vì chi phí nhân công thấp sẽ níu chân VN ở mắt xích thấp nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bài học từ Mexico - tạo được công ăn việc làm cho đại bộ phận dân chúng nhưng khó tìm được cách ngoi lên vị trí cao hơn trong chuỗi này - cho thấy tận dụng lợi thế so sánh chỉ có lợi trong ngắn hạn.

 

Với công thức đầu tư TQ+1 (nhà đầu tư tìm kiếm điểm đầu tư khác ngoài TQ để giảm thiểu rủi ro và mở rộng biên giới kinh doanh của mình), nếu phần “+1” đó là VN sẽ giúp nước ta chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng các nhà nghiên cứu đặt vấn đề: nếu năm nay VN có thể “kham” nổi lượng vốn đầu tư trực tiếp khoảng 10 tỉ USD, liệu vài năm nữa con số đó tăng lên gấp 3-4 lần, VN có thể tiếp nhận hay không khi hệ thống đường sá yếu kém, bến cảng vừa nhỏ vừa không hiện đại, điện lúc có lúc mất...?

 

Thay đổi tư duy phát triển

 

Một khía cạnh khác cần lưu ý trong hội nhập, theo TS Nguyễn Xuân Thắng - viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới - là cần tận dụng cơ hội để thay đổi tư duy phát triển: không trở thành vùng cung cấp nguyên liệu hay tiếp nhận các công nghệ cũ, thải loại mà ngày một nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.

 

Hiện nay VN là một trong những mắt xích nhỏ nhất trong thương mại nội khối ở khu vực Đông Á. Khối này vẫn có tiếng là thương mại nội khối cao nhất nhưng hàng hóa lại phục vụ xuất khẩu nhiều nhất sang các nước Âu, Mỹ.

 

Ông Võ Trí Thành cho rằng trở thành một nước thu nhập trung bình là chuyện trong tầm tay của VN, nhưng từ trung bình thành giàu mới là khó. Ông Thành lấy minh chứng chỉ có 3% các nước trên thế giới thực hiện được chặng đường vượt nghèo Þ thu nhập trung bình Þ nước phát triển.

 

Trong một nghiên cứu mới công bố tháng sáu năm nay mang tên “Đông Á phục hưng: ý tưởng phát triển”, TS Homi Kharas, nhà nghiên cứu tại Học viện Brookings - nguyên chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, cho rằng để đi từ thu nhập trung bình lên giàu có cần ba sự chuyển đổi: từ đa dạng hóa sản phẩm sang chuyên môn hóa, từ tích lũy sang sáng tạo và từ kỹ năng cơ bản sang kỹ năng tiên tiến. Đó phải chăng là phương hướng mà VN nên theo đuổi?