Biến đổi khí hậu “siết chặt” xuất khẩu, doanh nghiệp phải nhanh chuyển mình

Biến đổi khí hậu “siết chặt” xuất khẩu, doanh nghiệp phải nhanh chuyển mình

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quản trị biến đổi khí hậu hiện đang là vấn đề cấp bách, trọng tâm cần được đặt lên hàng đầu trong việc thực thi yếu tố E (môi trường) trong ESG của các doanh nghiệp.

Ngày 14/05, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) và Hội Doanh nghiệp Xanh TP.HCM (HGBA) đã tổ chức Hội thảo: “Quản trị biến đối khí hậu: Chiến lược, cam kết và hành động của các doanh nghiệp”.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HGBA khẳng định, biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện của tương lai, nó đang hiện hữu và tác động ngày càng rõ nét đến mọi lĩnh vực của đời sống, từ môi trường, kinh tế cho đến xã hội.

Theo Báo cáo khảo sát “Tình hình khu vực Đông Nam Á năm 2025” của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute), 55,3% người dân Đông Nam Á cho rằng, vượt qua cả nỗi lo thất nghiệp và suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan mới chính là thách thức lớn nhất của khu vực hiện nay. Đây là con số lớn nhất kể từ lần đầu tiên khảo sát vào năm 2019. Trong đó tại Việt Nam – quốc gia đã hứng chịu những cơn bão lớn trong thời gian qua, có 70,3% người dân đồng tình với ý kiến này.

Với doanh nghiệp, ông Kỳ đánh giá, đây là một bài toán sống còn, đòi hỏi không chỉ sự thích ứng mà còn là sự tái cấu trúc, tư duy chiến lược và hành động mới.

“Quản trị biến đổi khí hậu không thể là phần phụ của ESG, mà chính là việc chủ động, chủ chốt, cốt lõi, tích hợp các yếu tố về môi trường, xã hội, quản trị để phát triển bền vững”, ông Kỳ nói.

Các diễn giả tham gia hội thảo chiều ngày 14/05.
Các diễn giả tham gia hội thảo chiều ngày 14/05.

Theo ông Phan Minh Thông, Nhà sáng lập, Tổng giám đốc, CTCP Phúc Sinh, việc xuất khẩu sang thị trường châu Âu ngày càng trở thành một thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam và là điều kiện bắt buộc.

Các thị trường như EU không chỉ yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm mà còn đòi hỏi loạt chứng chỉ quốc tế như chứng nhận phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng nông sản, gỗ, cao su... Những vấn đề này, Phúc Sinh đã bắt đầu triển từ hơn 15 năm trước, từ đó từng bước xây dựng một hệ thống quản lý và vận hành đáp ứng được các chuẩn mực toàn cầu.

“Khi xuất khẩu sang châu Âu, đôi khi việc xử lý giấy tờ, chứng chỉ còn phức tạp hơn việc chuẩn bị hàng hóa. Ngay cả các nền kinh tế như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Canada… cũng đang học hỏi châu Âu và áp dụng các tiêu chuẩn ESG trong kiểm soát nhập khẩu”, ông Thông cho hay.

Tại CTCP Secoin, bà Võ Thị Liên Hương, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc chia sẻ, dù được biết đến là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, Secoin vẫn gặp không ít thách thức khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Âu.

Nguyên nhân xuất phát từ việc sản phẩm của Secoin (gạch không nung) dù thân thiện với môi trường, nhưng vẫn sử dụng xi măng – một nguyên liệu đầu vào gây phát thải CO2 cao, khiến nhiều đối tác phản hồi rằng đây vẫn là gạch xi măng và chưa thực sự bền vững.

Trước thực tế này, Công ty phải đưa ra bằng chứng chứng minh tất cả sản phẩm đều thân thiện môi trường và mở ra nhiều hướng tiếp cận mới.

Thứ nhất là xây dựng nhà máy đạt chứng chỉ xanh. Đây là nền tảng để chứng minh nỗ lực giảm phát thải carbon trong sản xuất. Các chứng chỉ xanh quốc tế hiện đang là yếu tố được thị trường toàn cầu đánh giá cao.

Thứ hai là phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Secoin hợp tác với các tổ chức của Pháp để phát triển sản phẩm từ nguyên liệu không gây ô nhiễm và sử dụng nhiên liệu không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Thứ ba là phân tích vòng đời sản phẩm. Công ty đã tiến hành đánh giá định lượng về mức phát thải carbon của từng sản phẩm, từ đó hướng đến việc đạt các chứng nhận môi trường minh bạch, cho biết rõ hiện tại sản phẩm phát thải bao nhiêu và kế hoạch giảm phát thải trong tương lai.

Thứ tư là đổi mới từ bộ phận R&D. Ngay từ giai đoạn nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, Secoin đã đặt mục tiêu sử dụng nguyên liệu tái chế tối đa, phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn và tiêu chuẩn quốc tế.

Ở một khía cạnh khác, năng lượng cho sản xuất cũng là một vấn đề mà doanh nghiệp cần quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc, SolarBK Group đánh giá, những văn bản pháp lý gần đây của Chính phủ đã định hình rõ ràng các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trong chiến lược quốc gia. Đặc biệt, với năng lượng mặt trời - một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn, Chính phủ đã có nhiều điều chỉnh tích cực như không giới hạn công suất lắp đặt cho doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn khi tiếp cận các chiến lược chuyển đổi xanh. Trong quá trình tư vấn cho doanh nghiệp, SolarBK nhận thấy, chuyển đổi xanh không nhất thiết phải bắt đầu bằng những dự án lớn, mà hoàn toàn có thể khởi đầu từ các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhỏ, khả thi và dễ triển khai.

Trong các giải pháp hiện nay, năng lượng mặt trời là một hướng đi đơn giản, hiệu quả và dễ áp dụng nhất. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rào cản về tài chính và nhận thức vẫn là một thách thức lớn. Việc tiếp cận tín chỉ carbon hay triển khai các chương trình chuyển đổi đôi khi bị xem là tốn kém và phức tạp.

Chính vì vậy, vai trò của các chính sách như Nghị quyết 68, các kế hoạch hành động quốc gia và các thể chế hỗ trợ đang trở nên đặc biệt quan trọng. Những chính sách này không chỉ tạo điều kiện tiếp cận vốn, công nghệ mà còn giúp doanh nghiệp định hình tư duy đúng đắn về phát triển bền vững.

“Thay vì lo ngại và chần chừ, đã đến lúc các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ cần chủ động hành động từ những bước nhỏ nhất để không bỏ lỡ cơ hội trong một cuộc chuyển đổi đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu”, bà Quỳnh nhấn mạnh.

Ông Simon. C.Y. Wong, Cố vấn Độc lập, Trưởng khoa Tài chính Bền vững của Viện Lãnh đạo Phát triển Bền vững Cambridge (CISL) cũng khẳng định, chuyển đổi và xây dựng kế hoạch hành động vì biến đổi khí hậu là một hành trình tất yếu của tất cả các doanh nghiệp, đòi hỏi cam kết mạnh mẽ, sự đầu tư về thời gian, nguồn lực, cùng với tinh thần học hỏi và cải tiến liên tục.

Tin bài liên quan