Thanh khoản phân khúc biệt thự, nhà liền kề đang rất thấp. Ảnh: Dũng Minh

Thanh khoản phân khúc biệt thự, nhà liền kề đang rất thấp. Ảnh: Dũng Minh

Biệt thự, nhà liền kề “tìm nhiều, mua chẳng bao nhiêu“

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từng rất sôi động vài năm trước, nhưng nay phân khúc biệt thự, liền kề cũng rơi vào tình trạng “hỏi nhiều, mua ít”.

Theo dữ liệu mới công bố của batdongsan.com.vn, tính trung bình toàn quốc, trong tháng 1/2023, nhu cầu tìm mua căn hộ tăng 64% và biệt thự tăng 96% so với cùng kỳ năm trước. Tại TP. HCM, mức độ quan tâm tăng 74% đối với chung cư và tăng 131% đối với biệt thự, còn tại Hà Nội tăng tương ứng 57% và 103%.

Nhu cầu tìm kiếm đối với loại hình biệt thự, nhà liền kề dù tăng cao, nhưng thanh khoản lại rất thấp, thậm chí không có giao dịch ở nhiều dự án. Khảo sát thực tế của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, một căn biệt thự rộng hơn 300 m2 thuộc một dự án tại Long Biên cuối năm 2022 được trả giá 85 tỷ đồng mà chủ sở hữu còn chưa bán, thì nay căng băng rôn giảm giá còn hơn 50 tỷ đồng.

Tương tự, một dự án nhà liền kề mỗi căn rộng 96 m2, cao 4 tầng 1 tum thuộc dòng cao cấp ở gần Hà Nội đang được rao bán với mức giá “cắt lỗ” 2 tỷ đồng/căn. Được biết, giá gốc là gần 14,5 tỷ đồng/căn, nếu thanh toán trước 30% thì ngân hàng hỗ trợ vay 70% không lãi suất đến tháng 6/2023.

Tiến Anh - một môi giới địa ốc cho biết, mức giá 50 tỷ đồng của căn biệt thự trên là chủ đầu tư công bố, nếu đàm phán giá có thể giảm thêm, bởi trên thực tế, mức giá này vẫn cao hơn đáng kể so với giá chào bán ban đầu, nên khó có thể giao dịch thành công vào thời điểm này.

“Tôi nhận được khá nhiều cuộc điện thoại hỏi về dự án biệt thự này, nhưng chủ yếu là để thăm dò giá, chứ không thực sự muốn mua. Người mua có xu hướng chờ giá giảm sâu hơn mới tính chuyện xuống tiền”, môi giới này thông tin thêm.

Còn bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho hay, giá biệt thự, nhà liền kề có xu hướng giảm nhẹ trong quý IV/2022, nhưng mức giảm không đáng kể.

“Mặt bằng giá chung của nhà liền thổ tại thị trường Hà Nội vẫn neo ở mức cao, trong đó sản phẩm biệt thự có giá từ 10-30 tỷ đồng chiếm tỷ trọng khoảng 55%, trên 30 tỷ đồng là 20% và dưới 10 tỷ đồng là 25% tỷ trọng”, bà Hằng nói, đồng thời cho biết thêm, do có nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển dự án dẫn đến việc chi phí đầu tư cao hơn dự tính ban đầu. Chẳng hạn, quá trình xin cấp phép, phê duyệt dự án kéo dài làm gia tăng các loại chi phí, từ đó tác động đến giá thành sản phẩm. Ngoài ra, tại thị trường thứ cấp, sản phẩm đã trải qua nhiều lần mua đi bán lại nên giá càng bị đẩy lên, dẫn đến khó điều chỉnh giảm.

Đồng quan điểm, ông Trần Minh, chuyên gia bất động sản cho biết, giai đoạn 2019-2021 là thời điểm thị trường bất động sản diễn biến sôi động nên nhiều người đổ tiền vào đầu tư địa ốc, trong đó không ít trường hợp sử dụng vốn vay ngân hàng vì lãi vay xuống thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, các chương trình ưu đãi lãi suất vay mua bất động sản thường chỉ diễn ra trong một năm, nên đến năm 2022, phần lớn chương trình này đều kết thúc. Lãi suất thả nổi tăng theo động thái điều chỉnh tăng lãi suất của các ngân hàng khiến những người vốn mỏng không thể tiếp tục “gồng” lãi, buộc phải giảm giá sâu sản phẩm để đẩy hàng, thu hồi vốn.

Theo dự báo của Savills Việt Nam, thị trường bất động sản Hà Nội sẽ đón khoảng 1.600 sản phẩm mới từ 15 dự án trong năm 2023. Trong đó, huyện Hoài Đức dự kiến cung cấp 20% nguồn cung tương lai, tiếp đó là huyện Thanh Trì với 16% và quận Long Biên với 15%. Dẫu vậy, giới chuyên gia nhận định, loại hình bất động sản có giá trị lớn như biệt thự, nhà liền kề sẽ còn gặp khó khăn về thanh khoản do khả năng tiếp cận tín dụng của người mua tiếp tục bị hạn chế và lãi vay vẫn neo ở mức cao.

Tin bài liên quan