Big_trends: Bám sát thị trường để tìm ra các cơ hội tốt

Big_trends: Bám sát thị trường để tìm ra các cơ hội tốt

(ĐTCK) Hạn chế giao dịch ngắn hạn nhưng vẫn bám sát thị trường để tìm ra các cơ hội cổ phiếu tốt bị bán tháo. Đó cũng có thể là các cơ hội mua vào tuyệt vời.

2 phiên giao dịch đầu năm đã khiến các nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoảng sợ hơn là vui mừng như các năm trước.

VN-Index mất gần 60 điểm trong chỉ 2 phiên của tuần đã xóa bỏ mọi thành quả của tuần giao dịch trước nghỉ lễ. Sự lan nhanh của virus Corona đi kèm với tác động của truyền thông đã khiến các nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo cổ phiếu.

Hiện tượng “Vius Corona” không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, kinh tế trung quốc và cả Việt Nam, mà còn cả thị trường chứng khoán toàn cầu thông qua tác động trực tiếp đến cung cầu cổ phiếu của các nhóm ngành bị tác động như Hàng không, dịch vụ tài chính, du lịch dịch vụ và cả tâm lý nhà đầu tư.

Như vậy, một trong những hiện tượng thiên nga đen đầu tiên của năm - nguy cơ bùng phát “Virus Corona” mà chúng ta không có khả năng dự báo trước đã tác động lên xu hướng của thị trường chứng khoán. Tệ hơn, làn sóng bán tháo, chuỗi phiên call margin bị kích hoạt càng khiến VN-Index giảm sâu.

Nhà đầu tư cũng phải chuẩn bị sẵn tâm lý, chiến lược giao dịch phù hợp với hoàn cảnh mới. Hành động hợp lý trong bối cảnh rủi ro gia tăng sẽ là thử thách lớn đối với mọi nhà đầu tư. Phải làm gì khi mà thị trường đi xuống nếu tiếp tục phá đáy 935 - 940 điểm? Liệu nguy cơ bệnh dịch lan tràn có khiến các nhà đầu tư sẽ bán hết tài khoản để thu về tiền mặt không, hay đây sẽ là cơ hội đối với các nhà đầu tư kỷ luật và kiên nhẫn đợi mua vào các cổ phiếu giá rẻ?

Nếu theo thống kê số liệu thì trên thế giới và Việt Nam cũng đã trải qua rất nhiều đợt mà dịch bệnh đã gây ít nhiều thiệt hại đến con người và nền kinh tế. Dịch cúm Tây Ban Nha đã từng là nạn dịch tồi tệ nhất thế giới gây nhiều thương vong giai đoạn những năm 1918 hoặc dịch SARS bùng phát từ Hồng Kông cũng diễn ra quy mô rộng vào năm 2003.

Đối với mỗi nạn dịch, thời gian cũng sẽ không kéo dài (3 tháng đến 2 năm), nhưng mức độ ảnh hưởng đến nền kinh tế, tâm lý nhà đầu tư chắc chắn sẽ là không nhỏ. Động thái bán tháo cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tuần qua cũng đến từ tâm lý hoảng loạn của các nhà đầu tư - diễn biến tăng mạnh/giảm mạnh trái chiều giữa 1 bên là các cổ phiếu dược phẩm, y tế và một bên là các cổ phiếu nhóm ngân hàng, dịch vụ chứng khoán, dầu khí, hàng không…

Cho dù diễn biến này sẽ chưa thể kết thúc ngay và chúng ta không thể nào phủ nhận việc VN-Index đang có diễn biến tồi tệ hơn so với giai đoạn đầu năm ngoái, VN-Index dường như có thể quay trở lại đáy của năm 2018 tương ứng với mốc 880 - 890 điểm hoặc sâu hơn, nhưng chúng ta cũng nên vì quan tâm quá đến sự hoảng loạn từ phía các nhà đầu tư mà không có hành động hợp lý. Hãy suy nghĩ thấu đáo và thận trọng nắm giữ cổ phiếu với tầm nhìn dài hơi.

Thị trường có thể giảm mạnh bất ngờ và có thể kéo dài hơn, nhưng sẽ quay trở lại xu thế đi lên một khi dịch bệnh được kiểm soát tốt - thời điểm mà thời tiết trở nên ấm áp hơn và bình minh sẽ quay trở lại. Hạn chế giao dịch ngắn hạn nhưng vẫn bám sát thị trường để tìm ra các cơ hội cổ phiếu tốt bị bán tháo. Đó cũng có thể là các cơ hội mua vào tuyệt vời.

Chúng ta nên nhớ, thị trường chứng khoán Mỹ cũng tăng từ mốc 66 điểm năm 1900 và tăng lên đến sát mốc 29.000 điểm 2019 cho dù rất nhiều biến cố xẩy ra.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ biến động thăng/trầm, nhưng xu hướng đi lên vẫn là điều mà không cần phải bàn cãi.

Tin bài liên quan