Bình Định giao chỉ tiêu thu hút đầu tư khu, cụm công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Trong quý I/2024, Khu công nghiệp Hòa Hội phải hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1. Đến năm 2025, các khu công nghiệp Nhơn Hòa, Nhơn Hội A, Hòa Hội (giai đoạn 1) cơ bản lấp đầy diện tích.
KCN Hòa Hội phải hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 trong quý I/2024. Ảnh: Hữu Đông.

KCN Hòa Hội phải hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 trong quý I/2024. Ảnh: Hữu Đông.

Giao chỉ tiêu cụ thể

Tại Hội nghị Giao chỉ tiêu đầu tư, phát triển năm 2024 đối với các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định, đại diện Sở Công thương đã có báo cáo tình hình và định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp.

Theo đó, đến năm 2030, toàn tỉnh Bình Định có 15 khu công nghiệp (KCN), tổng diện tích trên 7.539 ha; 68 cụm công nghiệp (CCN), tổng diện tích trên 3.470 ha.

Mục tiêu đặt ra cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2024 là trong quý I/2024, KCN Hòa Hội phải hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1.

Đến năm 2025, KCN Becamex đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đảm bảo điều kiện thu hút đầu tư từ 30 - 40% diện tích, KCN Hòa Hội triển khai đầu tư giai đoạn 2; các KCN Nhơn Hòa, Nhơn Hội A, Hòa Hội (giai đoạn 1) cơ bản lấp đầy diện tích.

Đối với KCN, Bình Định cũng đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, mời gọi đầu tư vào KCN, xây dựng tiến độ và cam kết thời gian lấp đầy KCN, phấn đấu hàng năm thu hút từ 10 - 15 dự án; thực hiện công khai, minh bạch trong công tác xúc tiến đầu tư.

Lần đầu tiên tỉnh Bình Định tiến hành giao chỉ tiêu đầu tư, phát triển cho các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Ảnh: Thùy Trang.

Lần đầu tiên tỉnh Bình Định tiến hành giao chỉ tiêu đầu tư, phát triển cho các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Ảnh: Thùy Trang.

Đối với CCN, Bình Định tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các CCN, ít nhất mỗi địa phương từ 20 - 30 ha/ năm; ưu tiên bố trí 335,5 ha đất phục vụ chế biến nông, lâm, thuỷ, hải sản trong CCN; thu hút và ưu tiên các doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật từ 8 - 10 CCN.

Bình Định yêu cầu chủ đầu tư lập kế hoạch, tổ chức thực hiện xúc tiến đầu tư và thu hút ít nhất 2 dự án/năm hoặc lấp đầy tối thiểu 30% diện tích đất công nghiệp trở lên; số lượng CCN hoạt động có công trình bảo vệ môi trường đến năm 2025 đạt 100%.

Tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, quyết định chỉ tiêu giao cho 31 doanh nghiệp, ban quản lý là chủ đầu tư các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh là những chỉ tiêu cơ bản chính phải thực hiện. Mục tiêu của tỉnh là phát triển KCN, CCN theo hướng đồng bộ, bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, địa phương sẽ tập trung vào tỉ lệ lấp đầy, thu hút đầu tư, vấn đề hạ tầng, môi trường và đặc biệt là giá thuê để đưa vào kê khai giá, ngăn tình trạng các đơn vị quản lý khu, cụm công nghiệp lợi dụng thu hút đầu tư để nâng giá…

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định mong muốn các nhà đầu tư quan tâm giúp đỡ hai huyện còn gặp nhiều khó khăn là An Lão và Hoài Ân triển khai, đầu tư thêm các cụm, khu công nghiệp tại địa bàn này, để hai huyện từng bước thu hẹp khoảng cách với các địa phương khác.

Nhận diện hạn chế

Trong năm 2023, tỉnh Bình Định thu hút 6 doanh nghiệp (gồm Công ty TNHH Thịnh Tiến, Công ty TNHH Tân Lập, Công ty TNHH Thiên Kim Bình Định, Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển kho bãi Nhơn Tân, Công ty TNHH Thiên Hưng My Thọ, Công ty TNHH Đầu tư Hạ tầng Kamado) làm chủ đầu tư đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật 7 cụm công nghiệp gồm Bình An, Đệ Đức - Hoài Tân, Hoài Hương, Tân Tường An, Bình Tân, Gò Cầy, Bình Nghi với tổng diện tích 240,4 ha.

Lũy kế tính đến đầu tháng 12/2023, Bình Định có 19 cụm công nghiệp (CCN) do 15 doanh nghiệp làm chủ đầu tư với diện tích 652,9 ha, tổng vốn đầu tư 3.406,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn thực hiện của các cụm công nghiệp này chỉ có 1.185,7 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 34,8%).

Bình Định còn có 37 CCN do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư với tổng diện tích 990,2 ha, tổng vốn đầu tư 2.073,8 tỷ đồng. Song, tổng vốn thực hiện cũng chỉ 449,2 tỷ đồng (đạt 27,1%).

Theo UBND tỉnh Bình Định, đến ngày 3/12/2023, địa phương này có 42 trên 60 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp 947,7 ha. Diện tích đất công nghiệp đã cho các doanh nghiệp thứ cấp thuê là 592,7 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 62,5%.

Các CCN tại Bình Định đã thu hút được 430 dự án đăng ký đầu tư, bình quân 1,7 ha/dự án. Tổng vốn đầu tư của các dự án trong các CCN 15.690,8 tỷ đồng, vốn thực hiện 7.962.8 tỷ đồng (đạt 50,7%, với suất đầu tư bình quân 36,5 tỷ đồng/dự án).

Đáng chú ý, 47/60 CCN đã và đang thực công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, chỉ có 17/46 CCN đã hoàn thành đạt 100% diện tích, 14/47 CCN đã hoàn thành trên 50% diện tích.

UBND tỉnh Bình Định chỉ ra “việc triển khai bồi thường, GPMB của các CCN chủ yếu theo nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư”.

Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh Bình Định về kết quả giám sát chuyên đề Công tác quy hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giao đất, thuê đất các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh do ông Đoàn Văn Phi, Phó chủ tịch HĐND tỉnh này trình bày tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã nêu ra nhiều tồn tại, hạn chế của các CCN.

Cụ thể, tính đến đầu tháng 12/2023, Bình Định mới có 22/52 CCN có giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật (với mức giá cho thuê bình quân đạt 6,1 tỷ đồng/ ha theo chu kỳ).

Hầu hết các CCN do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư chưa chưa xây dựng, ban hành thực hiện phương án giá sử dụng hạ tầng kỹ thuật, phí duy tu bảo dưỡng CCN (chỉ có 3/33 CCN có phương án giá).

Thậm chí, một số CCN có giá sử dụng hạ tầng kỹ thuật và phí duy tu bảo dưỡng thấp, không đủ chi phí vận hành bộ máy.

Về hệ thống xử lý nước thải, 2/9 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư đi vào hoạt động đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Con số này đối với UBND cấp huyện làm chủ đầu tư là 5/33 CCN.

Đặc biệt, Bình Định chưa có cụm công nghiệp nào do doanh nghiệp hay UBND cấp huyện làm chủ đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc nước thải tự động theo quy định tại điều 97, Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/1/2022 về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Về hạ tầng, “hầu hết cụm công nghiệp do nhà nước làm chủ đầu tư chỉ đầu tư một số hạng mục cơ bản như đường trục chính, đường điện vào cụm công nghiệp. Các hạng mục hạ tầng giao thông, hệ thống xử lý nước thải nước mưa chưa được đầu tư đúng mức”, ông Phi trình bày.

Đối với CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, suất đầu tư cao, vốn đầu tư lớn nên một số nhà đầu tư sau khi được Nhà nước cho thuê đất thì tiến độ, mức độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật còn chậm so với yêu cầu; còn có 2/12 CCN chưa triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Tin bài liên quan