Bình Định kiến nghị gỡ vướng mắc ảnh hưởng tiến độ cao tốc Bắc - Nam

0:00 / 0:00
0:00
Bình Định kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho điều chỉnh, bổ sung diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên để thực hiện cao tốc Bắc - Nam.

UBND tỉnh Bình Định cho biết, theo các Quyết định phê duyệt của Bộ GTVT chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Định là 4.953 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận hồ sơ cọc mốc, phạm vi giải phóng mặt bằng của Ban QLDA2, 85, địa phương kiểm tra, rà soát với tổng kinh phí thực hiện khoảng 5.693 tỷ đồng (cao hơn 740 tỷ đồng so với kinh phí đã được Bộ GTVT phê duyệt).

Vì thế, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương để Bộ GTVT xem xét, bổ sung thêm kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư còn thiếu là 740 tỷ đồng.

Đồng thời, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng diện tích đất lúa, đất rừng phục vụ dự án cao tốc được tính riêng, không tính vào chỉ tiêu sử dụng đất phân bổ trên địa bàn tỉnh Bình Định tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.

UBND tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho điều chỉnh, bổ sung diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên để thực hiện Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh. Cụ thể, đất trồng lúa nước hai vụ trở lên từ 331,49 ha thành 409,58 ha (tăng 78,09 ha); đất rừng phòng hộ từ 32,6 ha thành 37,96 ha (tăng 5,36 ha); đất rừng sản xuất từ 481,34 ha thành 612,82 ha (tăng 131,48 ha).

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đề nghị khi UBND tỉnh chuyển hồ sơ nộp tiền trồng rừng thay thế về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian chưa bố trí được quỹ đất trồng rừng thay thế ở tỉnh khác thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản giao Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam tạm thu tiền trồng rừng thay thế để các chủ dự án nộp tiền và UBND tỉnh có cơ sở quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc, có các giải pháp, hướng dẫn rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục trồng rừng thay thế nhằm đẩy nhanh thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng; hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 175/TB-VPCP ngày 11/5/2023 và thực hiện công tác quản lý, sử dụng tầng đất mặt theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 94/NĐ-CP của Chính phủ, phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với Bộ GTVT, UBND tỉnh kiến nghị sớm có ý kiến thống nhất đối với phần diện tích đất nông nghiệp còn lại lớn hơn 200m2 nhưng không đủ điều kiện sản xuất thì được thu hồi và bồi thường hỗ trợ từ nguồn kinh phí của dự án cao tốc (theo quy định thì được thu hồi; tuy nhiên, phải có ý kiến thống nhất của Bộ GTVT để làm cơ sở cho các địa phương phê duyệt phương án thu hồi).

Theo UBND tỉnh, liên quan đến Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025 qua địa phận tỉnh Bình Định, tính đến tháng 7/2023, diện tích các đơn vị đăng ký trồng rừng thay thế năm 2023 là 90ha và đã được UBND tỉnh bố trí trồng rừng thay thế.

Trong khi đó, tổng diện tích cần chuyển mục đích sử dụng rừng phục vụ Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua Bình Định hiện nay khoảng 202,87ha.

Do đó, địa phương phải gửi hồ sơ trồng rừng thay thế về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bố trí trồng rừng thay thế ở tỉnh khác, nhưng việc bố trí trồng rừng ở các tỉnh khác mất rất nhiều thời gian, không phù hợp với thời gian quy định tại Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, làm chậm công tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác vì chưa hoàn thành công tác trồng rừng thay thế theo quy định.

Mặt khác, chủ đầu tư chậm bàn giao hồ sơ và ranh, mốc giới bãi thải, một số mỏ vật liệu, trạm dừng nghỉ và phạm vi chiếm dụng đất rừng tuyến chính cao tốc phát sinh phải chuyển mục đích làm chậm việc thực hiện rà soát, tổng hợp của địa phương để trình HĐND tỉnh chuyển mục đích sử dụng rừng.

Hiện nay, chủ đầu tư đang tiếp tục thực hiện điều chỉnh phạm vi mốc giải phóng mặt bằng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; bàn giao bổ sung cho các địa phương.

Do đó, các địa phương phải triển khai thực hiện các bước đo đạc, kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất đai, công khai, phê duyệt phương án, chi trả... làm kéo dài thời gian thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tin bài liên quan