BlackRock huy động được 1 tỷ USD cho quỹ tương hỗ đầu tiên của Trung Quốc

BlackRock huy động được 1 tỷ USD cho quỹ tương hỗ đầu tiên của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock đã huy động được 6,7 tỷ nhân dân tệ (1 tỷ USD) cho quỹ tương hỗ đầu tiên ở Trung Quốc.

Tháng trước, BlackRock đã trở thành tập đoàn toàn cầu đầu tiên được chấp thuận cho hoạt động kinh doanh quỹ tương hỗ sở hữu 100% vốn nước ngoài ở Trung Quốc. Điều này cũng diễn ra sau khi Trung Quốc loại bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài trong ngành quỹ tương hỗ từ ngày 01/04/2020.

Động thái của BlackRock là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn trong lĩnh vực tài chính quốc tế vào thị trường quản lý tài sản trị giá 19 tỷ USD đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc ngay cả khi đối mặt với căng thẳng địa chính trị gia tăng với Mỹ.

Thông báo mới nhất của BlackRock được đưa ra sau một sự thay đổi giọng điệu gần đây đáng kể của Trung Quốc khi đang tìm cách thắt chặt đối với các ngành từ công nghệ đến giáo dục và đã tiết lộ động lực "thịnh vượng chung" để phân phối lại của cải.

Việc siết các quy định đối với Didi Chuxing vào tháng 7 đã ảnh hưởng đến cổ phiếu của công ty này chỉ vài ngày sau khi IPO được 4,4 tỷ USD ở New York. Trong khi đó, lệnh cấm dạy thêm vì lợi nhuận đã thổi bay phần lớn vốn hoá thị trường của các tập đoàn giáo dục Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ.

Tin tức về việc BlackRock đã hoàn tất việc huy động vốn được đưa ra một ngày sau khi tỷ phú George Soros cho rằng, việc BlackRock thành lập quỹ tương hỗ ở Trung Quốc là một "sai lầm bi thảm và sẽ gây tổn hại đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và các nền dân chủ khác”.

George Soros trích dẫn cụ thể việc ra mắt hoạt động kinh doanh quỹ tương hỗ và cảnh báo rằng chương trình thịnh vượng chung “không có lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài”.

Rachel Lord, người được bổ nhiệm làm giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BlackRock trong năm nay và sẽ giám sát việc mở rộng của tập đoàn tại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng, BlackRock “rất vui khi có thể đóng góp chuyên môn đầu tư và quản lý rủi ro của chúng tôi để giúp đầu tư dễ dàng hơn và giá cả phải chăng hơn cho các nhà đầu tư Trung Quốc”.

Việc áp đặt các hạn chế xã hội và thương mại gần đây ở Trung Quốc bao gồm cả trò chơi điện tử, đồng thời với quá trình tự do hóa lâu dài hệ thống tài chính thể hiện qua việc Bắc Kinh sẵn sàng cho phép các công ty nước ngoài sở hữu hoàn toàn các quỹ tương hỗ. Trước đây, các nhà quản lý tài sản buộc phải hợp tác với một đối tác liên doanh địa phương.

Khi công bố ra mắt quỹ tương hỗ nhằm phục vụ cho các nhà đầu tư Trung Quốc, vào tháng 8, BlackRock cho biết họ sẽ “tìm kiếm sự tăng giá vốn dài hạn thông qua một chiến lược tổng lợi nhuận có cách tiếp cận đầu tư dài hạn được hỗ trợ bởi nghiên cứu chuyên sâu cho từng cổ phiếu và kiểm soát quản lý rủi ro nghiêm ngặt”.

Tin bài liên quan