Bloomberg: UBS đang xử lý các khoản cho vay rủi ro của Credit Suisse với các khách hàng châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) UBS đang lên kế hoạch thu hồi hàng tỷ đô la mà Credit Suisse cho vay ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, nhằm nỗ lực giảm thiểu rủi ro đối với khả năng sinh lời và hạn chế ảnh hưởng tới danh tiếng của ngân hàng.
Bloomberg: UBS đang xử lý các khoản cho vay rủi ro của Credit Suisse với các khách hàng châu Á

Theo Bloomberg, UBS dự định sẽ thu hồi hoặc bán bớt phần lớn các khoản vay có cấu trúc phức tạp hơn và rủi ro cao hơn của Credit Suisse ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Những tài sản rủi ro hơn đó sẽ được đưa vào “Thành phần không cốt lõi” dành cho các doanh nghiệp mà UBS không muốn cho vay. UBS có khả năng sẽ giữ các khoản vay ít phức tạp hơn được bảo đảm bằng tài sản thế chấp có thanh khoản - gọi là khoản vay Lombard.

Kể từ khi hoàn tất việc tiếp quản Credit Suisse vào tháng 6, UBS đã xem xét kỹ lưỡng sổ sách cho vay trị giá khoảng 75 tỷ franc Thụy Sĩ (86 tỷ USD) dành cho các khách hàng giàu có trên toàn cầu. Thời kỳ đỉnh cao vào năm 2019, có hơn 45 tỷ franc dư nợ là cho các khách hàng giàu có ở châu Á Thái Bình Dương. UBS đã đồng ý mua Credit Suisse vào tháng 3 vừa qua trong một thỏa thuận khẩn cấp do chính phủ làm trung gian, sau một cuộc khủng hoảng niềm tin và khách hàng rút tiền gửi ồ ạt khiến ngân hàng này suýt phá sản.

Khoảng 25% danh mục cho vay của Credit Suisse trong các doanh nghiệp giàu có toàn cầu của ngân hàng về bản chất là rủi ro cao, trong khi khoảng 50% danh mục bao gồm các khoản cho vay Lombard có rủi ro thấp hơn.

Cơ cấu danh mục cho vay của Credit Suisse (dựa theo báo cáo quý I/2022)

Cơ cấu danh mục cho vay của Credit Suisse (dựa theo báo cáo quý I/2022)

Động thái này là một phần trong nỗ lực của UBS nhằm đảm bảo rằng các hoạt động kinh doanh mà họ mua lại từ ngân hàng đối thủ đang gặp khó khăn và tuân thủ cách tiếp cận thận trọng hơn đối với rủi ro.

UBS cho biết, họ có kế hoạch thu hẹp quy mô ngân hàng đầu tư của Credit Suisse và đưa các nhân viên ngân hàng vào một “bộ lọc văn hóa” để loại bỏ các hành vi không mong muốn.

Thông tin chi tiết hơn về những gì diễn ra sẽ được thể hiện trong báo cáo quý II của ngân hàng kết hợp được công bố vào ngày 31/8. UBS sẽ giảm bớt các tài sản không cốt lõi theo cách cũng tính đến các mối quan hệ chính, quá trình này sẽ giải phóng vốn để sử dụng ở các bộ phận khác của ngân hàng.

Khi xem xét kỹ lưỡng danh mục cho vay của Credit Suisse ở thị trường châu Á đang phát triển nhanh chóng, Giám đốc điều hành của UBS, Sergio Ermotti phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan là làm thế nào để tiếp tục xây dựng dựa trên sự hiện diện của UBS ở đó trong khi bảo vệ ngân hàng khỏi những rủi ro tiềm ẩn. Một nguồn tin cho biết, chiến lược của ngân hàng này vẫn xoay quanh các kế hoạch tăng trưởng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương bên cạnh Mỹ.

UBS muốn thu hồi các khoản vay ở các quốc gia hoặc lĩnh vực kinh doanh mà UBS không muốn hiện diện ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, cụ thể là những thị trường có xác suất vỡ nợ quá cao hoặc nơi ngưỡng rủi ro cao hơn mức bình thường cho phép, và cũng bao gồm những khoản nợ không có khả năng hoàn trả.

Trước khi UBS tiếp quản, Credit Suisse đã theo đuổi một nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ vào Đông Nam Á, là nơi mà ngân hàng này cho các gia đình tỷ phú kinh doanh vay.

Điều đó đã giúp Credit Suisse trở thành ngân hàng nước ngoài dành cho các doanh nhân, một vị thế có thể giúp thúc đẩy tham vọng của UBS. Tuy nhiên, danh sách khách hàng của Credit Suisse trong khu vực cũng bao gồm các cá nhân và công ty mà UBS có thể không muốn hợp tác kinh doanh.

Cách thiết lập đó khác với hoạt động kinh doanh cho vay của Credit Suisse dành cho những người giàu có ở những nơi khác trên thế giới. Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, các khoản vay dành cho cá nhân và doanh nghiệp của họ luôn song hành với nhau và là một phần của mối quan hệ tương tự với ngân hàng hơn là thông lệ ở các khu vực khác.

Dưới thời cựu giám đốc điều hành Credit Suisse, Tidjane Thiam vào năm 2015, một bộ phận kinh doanh đã được thành lập đặc biệt để nhắm mục tiêu hiệu quả hơn đến các doanh nhân đang khát vốn. Những khách hàng này được xem là một nguồn tiềm năng không chỉ cho mảng private banking quản lý khối tài sản ngày càng tăng của các cá nhân giàu có mà còn cho mảng ngân hàng đầu tư để có thể giúp thu xếp các khoản đầu tư hoặc khoản vay vốn cổ phần để giúp doanh nghiệp của họ phát triển.

Khi mối quan hệ với các triệu phú và tỷ phú ở Đông Nam Á ngày càng lớn mạnh, Credit Suisse sẵn sàng đảo nợ và tái cấp vốn thay vì chuyển món nợ không trả được để xử lý hoặc tái cấu trúc. Nguồn tin quen thuộc của Bloomberg cho biết, việc tái cấp vốn cho các khoản vay khó đòi đã diễn ra trong nhiều năm và Credit Suisse được hưởng lợi từ các khoản phí khi gia hạn các khoản vay.

Trong một số trường hợp nhất định, Credit Suisse cho phép một số khách hàng Indonesia chỉ trả lãi cho khoản nợ không trả được thay vì tổng dư nợ và ngân hàng sẽ gia hạn thời gian đáo hạn của khoản vay.

Credit Suisse bắt đầu nới lỏng một số khoản vay phức tạp và rủi ro hơn sau nhiều vụ bê bối khác nhau trong hai năm qua đã buộc ngân hàng này phải cải tiến cách tiếp cận của mình đối với việc chấp nhận rủi ro. Một số khách hàng từng được Credit Suisse “khoan dung” giờ đây có khả năng phải đối mặt với sự “khó tính” của UBS rằng các khoản vay phải được thanh toán hoặc bàn giao tài sản thế chấp vì ngân hàng này đang cố gắng loại bỏ các rủi ro mà Credit Suisse từng gặp phải.

Tin bài liên quan