BMC: thuế xuất khẩu giảm không “đỡ” nổi sụt giá, tăng phí

BMC: thuế xuất khẩu giảm không “đỡ” nổi sụt giá, tăng phí

(ĐTCK) Trong quý III/2013, nhờ thuế xuất khẩu giảm mạnh, doanh thu của CTCP Khoáng sản Bình Định (BMC) tăng. Tuy nhiên, do yếu tố sụt giảm giá bán, tăng chi phí đầu vào, lợi nhuận của Công ty vẫn sụt giảm.

Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2013 của BMC, trong quý III, Công ty đạt 99 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi 19,4 tỷ đồng sau thuế. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Công ty là 294,851 tỷ đồng, lãi sau thuế 61,174 tỷ đồng. Với kết quả này, thu nhập trên mỗi cổ phần BMC trong 9 tháng lên tới 4.934 đồng. Vốn chủ sở hữu của  Công ty cũng lên mức 220,7 tỷ đồng trên vốn điều lệ 123,926 tỷ đồng.

BMC: thuế xuất khẩu giảm không “đỡ” nổi sụt giá, tăng phí ảnh 1

Mặc dù đây là kết quả rất tốt so với mặt bằng chung của các DN niêm yết trên thị trường, nhưng nếu so với chính BMC của 1 năm trước, thì hiệu quả kinh doanh của Công ty có sụt giảm đáng kể. Quý III năm 2012, BMC đạt 79,933 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi sau thuế 20,668 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2012 đạt 274,768 tỷ đồng, lãi sau thuế 74,402 tỷ đồng.

Có 2 đặc điểm đáng chú ý của BMC liên quan đến hoạt động kinh doanh trong năm nay, đó là việc giảm khá mạnh thuế xuất khẩu phải nộp và tăng mạnh tỷ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần.

Trong quý III/2013, tỷ trọng thuế xuất khẩu trên tổng doanh thu của Công ty là gần 12,87%, trong khi quý III/2012 là gần 17,56%. Việc thay đổi tỷ lệ thuế xuất khẩu phải nộp đã tác động không nhỏ đến nguồn thu của BMC, giúp Công ty tiết kiệm được trên 5,3 tỷ đồng tiền thuế riêng trong quý III năm nay. Ngược lại, tỷ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần lại tăng từ mức gần 51,41% cùng kỳ năm trước lên 66,55% của quý III năm nay. Đây là lý do chính khiến doanh thu thuần tăng, nhưng lợi nhuận sau thuế của BMC lại giảm mạnh. Theo lý giải của Ban lãnh đạo Công ty, tình trạng khó khăn về thị trường tiêu thụ dẫn tới giảm giá bán sản phẩm và các khoản phí, thuế phải nộp năm nay tăng so với năm trước là nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần tăng mạnh.

Tại ngày 30/9/2013, BMC có hơn 59 tỷ đồng tiền và tương đương tiền; tăng mạnh so với đầu năm nay. Ngày 1/1/2013, BMC có số dư 15,2 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, kèm theo khoản tiền gửi có kỳ hạn 33 tỷ đồng. Không có vay nợ, số dư tiền mặt nhiều, nhưng BMC lại có tới 19,584 tỷ đồng là số dư phải trả người lao động, tăng mạnh so với đầu năm nay là 8,48 tỷ đồng.