Bộ Giao thông sẽ là đầu mối thực hiện cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025

0:00 / 0:00
0:00
Đây là phương án tổ chức thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Chính phủ trình Quốc hội.
Thảm bê tông nhựa trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Thảm bê tông nhựa trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng ký tờ trình số 568/TTr – CP Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Đây là tờ trình thứ 4 về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 kể từ tháng 9/2021 tới nay đã cho thấy sự cầu thị và quyết tâm của Chính phủ đối với công trình cao tốc xuyên Việt này.

Trong tờ trình mới nhất, Chính phủ kiến nghị Quốc hội Quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, với địa điểm triển khai là từ Hà Tĩnh (Bãi Vọt) đến Quảng Trị (Cam Lộ), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa), từ Cần Thơ đến Cà Mau.

Toàn bộ tuyến đường thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư căn cứ quy mô của từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Theo phương án của Chính phủ, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa 2 vụ khoảng 1.532 ha, rừng phòng hộ khoảng 110 ha, rừng sản xuât khoảng 1.436 ha và sẽ GPMB tất cả các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe, các dự án thành phàn trên đoạn cần Thơ - Cà Mau theo quy mô 4 làn xe như quy hoạch đã được phê duyệt.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 146.990 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng, gồm 47.169 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, phần còn thiếu 72.497 tỷ đồng sẽ được cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triên kinh tế - xã hội và từ nguồn vôn ngân sách đã bố trí cho ngành GTVT trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025; chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 27.324 tỷ đồng.

Trong tờ trình của Chính phủ lần này về tổ chức thực hiện dự án, Chính phủ đề xuất Bộ GTVT là đầu mối tổ chức thực hiện đầu tư dự án, trừ các dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có đề xuất riêng.

Như vậy, nếu chủ trương đầu tư Dự án được Quốc hội thông qua vào tháng 1/2022, việc tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi có thể kết thúc vào tháng 9/2022, tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến (dự kiến kéo dài 17 tháng); lựa chọn nhà thầu từ tháng 3/2023 - 6/2023; tổ chức thi công từ tháng 6/2023 đến tháng 12/2025.

Cũng tại Tờ trình số 568, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án, trình ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trong bước nghiên cứu khả thi; tổ chức triển khai thực hiện Dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng phương án thu phí để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách trung ương.

Tin bài liên quan