Bộ Giao thông Vận tải bật đèn xanh cho Quảng Trị đầu tư cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo

0:00 / 0:00
0:00
Tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo có chiều dài khoảng 70km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2030.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Trị liên quan đến việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP.

Theo đó, Bộ GTVT cho rằng đề xuất của UBND tỉnh Quảng trị về việc nghiên cứu đầu tư, xây dựng hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trong giai đoạn 2026 - 2030 là phù hợp với Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 3/3/2016 cũng như Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng quốc gia được lập và đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Liên quan đến chủ trương phân cấp, phân quyền cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện triển khai các dự án đường bộ cao tốc theo hình thức PPP, Bộ GTVT cho biết là Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó đề ra nhiệm vụ và giải pháp phải thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương.

Tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua, trong đó cũng xác định một trong ba đột phá chiến lược là “Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông...” với mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 cũng khẳng định việc thực hiện “Đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương”.

Theo quy định tại Luật PPP số 64/2020/QH14 ngày 18/6/2020 “Trường hợp dự án thuộc phạm vi quản lý của nhiều cơ quan có thẩm quyền, hoặc trong trường hợp thay đổi cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan này báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định giao một cơ quan làm cơ quan có thẩm quyền”.

Tại Thông báo số 92/TB-VPCP ngày 3/5/2021 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “khuyến khích giao UBND các tỉnh có nguồn lực về ngân sách, năng lực, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư để thực hiện nhiệm vụ là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường bộ cao tốc qua địa bàn nhằm chủ động huy động, sử dụng các nguồn lực của địa phương, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác GPMB và cung cấp nguồn vật liệu xây dựng…Nguyên tắc là triển khai đường bộ cao tốc qua địa phương nào, địa phương đó phải chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn tự có đã được phân bổ, việc hỗ trợ ngân sách trung ương phải được Chính phủ xem xét cân nhắc kỹ và chỉ hỗ trợ một phần”.

Như vậy, việc giao UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP, theo Bộ GTVT, là phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ và quy định pháp luật.

“Bộ GTVT thống nhất và đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, Bộ GTVT sẽ phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trong giai đoạn 2026 – 2030.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Thủ tướng, Bộ GTVT xem xét, chấp thuận bổ sung vào Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 để triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP và giao địa phương này làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Được biết, tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo có chiều dài tuyến 70km, đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m. Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến khoảng 7.700 tỷ (trong đó vốn nhà nước từ ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 28,31%), thời gian hoàn vốn 19 năm.

Hiện nay giao thông từ Cam Lộ lên cửa khẩu Lao Bảo phụ thuộc hoàn toàn Quốc lộ 9. Tuyến đường này đã mãn tải từ lâu, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên, gây khó khăn cho các hoạt động thương mại trên Quốc lộ 9, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

Tin bài liên quan