Bộ Giao thông Vận tải nói gì về tiến độ triển khai tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ?

0:00 / 0:00
0:00
Ban Quản lý dự án đường sắt đang được Bộ GTVT giao nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Ảnh minh họa. (Báo điện tử Chính phủ).

Ảnh minh họa. (Báo điện tử Chính phủ).

Đây là một trong những nội dung tại công văn số 8628/BGTVT – KHĐT vừa được Bộ GTVT gửi đoàn Đại biểu quốc hội TP. Cần Thơ.

Về triển khai tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, Bộ GTVT cho biết là theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 09/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có chiều dài khoảng 174 km, đường đôi, khổ 1.425mm, dự kiến nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.

Hiện nay, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Do dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, nên việc nghiên cứu chuẩn bị đầu tư cần được xem xét một cách kỹ lưỡng nhằm bảo đảm hiệu quả, tính khả thi và đáp ứng các yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật.

“Để sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, báo cáo các cấp có thẩm quyền về chủ trương đầu tư dự án, đề nghị UBND TP. Cần Thơ và các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề xuất.

Về triển khai tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT cho biết Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bác - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua chủ trương vào tháng 1/2022.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 để triển khai thực hiện. Đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư các dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau với nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được cân đối trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

“Để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị quản lý dự án) khẩn trương hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 18/NQ-CP”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Tin bài liên quan