Bộ Tài chính bác bỏ nhiều kiến nghị của VASEP và doanh nghiệp thủy sản

Bộ Tài chính bác bỏ 3/6 kiến nghị của Hiệp hội chế biến xuất khẩu Việt Nam (VASEP).
Bộ Tài chính bác bỏ nhiều kiến nghị của VASEP và doanh nghiệp thủy sản

VASEP vừa xác nhận, Bộ Tài chính đã có công văn số 9494/BTC-VP gửi Hiệp hội về việc trả lời đề xuất, kiến nghị của VASEP và doanh nghiệp thủy sản.

Theo đó, với 6 kiến nghị, có 3 nội dung kiến nghị được Bộ Tài chính ghi nhận, xem xét và sẽ sửa đổi, bổ sung trong các văn bản thời gian tới.

Cụ thể, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết 2023.

Trả lời, Bộ Tài chính cho hay đã nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, trong đó có quy định về gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất).

Năm 2023, để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, trình Chính phủ tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023 theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ.

Theo đó, cho phép gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 5/2023 và quý 1 năm 2023, gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6/2023 và quý II năm 2023; gia hạn 4 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7/2013, gia hạn 3 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8/2023; gia hạn 3 tháng đối với số thuế TNDN tạm nộp quý I, quý II của kỳ tính khoản thuế này năm 2023: hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế GTGT, thuế TNCN năm 2023 chậm nhất là ngày 30/12/2023; gia hạn 6 tháng đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023.

Với kiến nghị sửa đổi điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế TNDN; sửa đổi quy định các đối tượng không thuộc phạm vi áp trần chi phí lãi vay tại điểm c, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP như tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, ... để các doanh nghiệp sản xuất không phải chịu áp mức trần của tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Bộ Tài chính ghi nhận kiến nghị, đề xuất về việc xác định các bên có quan hệ liên kết trong trường hợp vay vốn ngân hàng. Hiện nay, Bộ Tài chính đang thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 132/NĐ-CP và sẽ tổng hợp vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các Hiệp hội, các doanh nghiệp để nghiên cứu, đánh giá và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP trong thời gian tới.

VASEP kiến nghị Bộ Tài chính đưa vào văn bản quy phạm pháp luật nhằm xác định rõ hoạt động chế biến thủy sản là “hoạt động chế biến" để thực hiện chính sách thuế TNDN theo tinh thần văn bản số 2550/BTC-TCT ngày 12/3/2021 của Bộ Tài chính để thực hiện thống nhất & hiệu lực, hiệu quả.

Đối với nội dung này, Bộ Tài chính ghi nhận ý kiến để nghiên cứu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách.

Với các kiến nghị còn lại, Bộ Tài chính cho hay, chưa đủ cơ sở xem xét hoặc đề nghị giữ nguyên theo quy định hiện hành.

Cụ thể, với kiến nghị không hồi tố thời gian chậm nộp thuế GTGT khi tái nhập hàng xuất khẩu đã được hoàn thuế GTGT bị trả về, Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay là không phù hợp vì quy định về xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế hiện hành được thực hiện theo quy định tại Điều 59 Luật quản lý thuế.

Với kiến nghị về giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi Việt Nam, theo Bộ Tài chính, trước mắt đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 58/NQ-CP, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ rà soát các mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước và trao đổi ý kiến với các Bộ, ngành, Hiệp hội có liên quan để đề xuất phương án điều chỉnh cho phù hợp.

Với kiến nghị cải tiến quy trình kiểm tra sau thông quan cho các doanh nghiệp trong đó giảm thiểu việc kiểm tra đối với những doanh nghiệp có quy trình vận hành tốt và không có lịch sử vi phạm các quy định về hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính nhận thấy, số cuộc kiểm tra sau thông quan đối với doanh nghiệp thuỷ sản (46 cuộc kiểm tra) trên tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu thuỷ sản (trên 2.900 doanh nghiệp) chỉ chiếm tỷ lệ chưa đến 1,6% trong thời gian hơn 2 năm trên toàn quốc. Bộ Tài chính thấy chưa có cơ sở xem xét kiến nghị về công tác kiểm tra sau thông quan đối với doanh nghiệp thuỷ sản.

Tin bài liên quan