Ông Hà Hùng Cường

Ông Hà Hùng Cường

Bộ trưởng Bộ Tư pháp: “Lobby chính sách chỉ là phản ánh của dư luận”

(ĐTCK) Sáng ngày 20/8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời chất vấn trong phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề. Các chất vấn của đại biểu Quốc hội tập trung vào 3 nội dung chính, đó là tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn dưới luật; văn bản vi phạm pháp luật và văn bản “bất khả thi”.

“Lobby” chính sách: Mới chỉ là phản ánh của dư luận

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề tham nhũng chính sách, pháp luật. Cụ thể, đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) đặt vấn đề, có hay không tình trạng các DN tranh thủ cơ quan quản lý như bộ, ngành để có cơ chế, chính sách có lợi cho DN mà không phù hợp với chính sách pháp luật chung.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc “lobby” chính sách khá phổ biến ở nhiều nước, nhưng với Việt Nam , việc này là khó và không phù hợp, bởi pháp luật là thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng.

“Tôi cũng thấy dư luận nêu ý kiến nhưng có hay không ‘lobby’ thì không dám kết luận. Qua kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thì không có. Nếu có thì ở các văn bản điều hành (ví dụ văn bản điều hành giá cả tại từng thời điểm), mà những văn bản này không thuộc trách nhiệm thẩm định của Bộ Tư pháp”, Bộ trưởng Cường giải trình.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu tình trạng hiện nhiều văn bản của các bộ “đá” nhau để bảo vệ lợi ích của bộ mình. Vậy liệu có việc tham nhũng thông qua chính sách hay không? Bộ trưởng Cường cho biết, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện nay rất đầy đủ và được kiểm soát chặt chẽ qua nhiều tầng. Riêng chỉ có thông tư và thông tư liên tịch do các bộ ban hành thì hệ thống kiểm soát chưa được chặt chẽ. Không loại trừ có những quy định còn sơ hở, nhưng về cơ bản, lợi ích nhóm là kiểm soát được.

 

“Nợ đọng” văn bản; văn bản vi phạm pháp luật và văn bản “bất khả thi”

Ngoài ra, các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng 3 tồn tại, đó là tình trạng nợ đọng văn bản, văn bản vi phạm pháp luật và văn bản “bất khả thi”.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, trong số 760 nội dung cần quy định chi tiết trong các luật, pháp lệnh được thông qua từ ngày 1/1/2009 đến 30/6/2012, có 611 nội dung được quy định chi tiết. Trong 611 nội dung được quy định chi tiết này, lại tồn tại 225 nội dung chưa được quy định chi tiết, chiếm 29,6%, tức gần 1/3 nội dung chưa được quy định chi tiết.

Theo các đại biểu, tình trạng nợ đọng văn bản không những làm chậm quá trình đưa Luật vào cuộc sống, mà còn tạo khoảng trống pháp lý gây lúng túng cho các cơ quan quản lý và người dân. Vấn đề là Bộ Tư pháp sẽ làm thế nào và bao giờ có thể chấm dứt tình trạng “luật chết, luật treo” này.

Theo Bộ trưởng Cường, nhiều trường hợp khó tránh được tình trạng chậm trễ văn bản hướng dẫn. Ví dụ Luật năng lượng nguyên tử, việc ban hành Nghị định hướng dẫn còn tham khảo các nước và phải bắt tay vào thực tiễn mới biết phát sinh vấn đề gì.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cường cũng thừa nhận, “không ở đâu có nhiều thông tư như ở Việt Nam ”. Để giải quyết triệt để tình trạng này, giải pháp cốt lõi nhất là thừa nhận quyền giải thích văn bản pháp luật của Tòa án và cho phép TAND Tối cao xây dựng án lệ. Như vậy sẽ giảm bớt hầu hết việc ban hành thông tư.

Đối với tình trạng các văn bản vi phạm pháp luật, Bộ trưởng cho biết, cũng có một số văn bản còn sai sót gây bức xúc dư luận, nhưng không nhiều so với số lượng văn bản mà Bộ Tư pháp đã thẩm định (gồm 426 văn bản, mỗi văn bản có khoảng 50 nội dung). Những văn bản có sai sót, Bộ đã tiếp thu và chỉnh sửa, như quy định CMND ghi tên cha mẹ, xe chính chủ…

Bao trùm lên các tồn tại của công tác xây dựng pháp luật, nhiều đại biểu trở đi, trở lại với vấn đề trách nhiệm của Nhà nước, của cơ quan quản lý đối với các chủ thể tham gia quan hệ xã hội bị pháp luật điều chỉnh khi mà chậm ban hành văn bản, hoặc là văn bản ban hành không thể thực thi, không đúng pháp luật. Liệu khi một văn bản ban hành trái pháp luật, văn bản ban hành chậm và gây ra thiệt hại, người dân có thể khởi kiện ra Tòa án hành chính để đòi bồi thường? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại này?

Trả lời phần chất vấn này, Bộ trưởng Cường cho biết, khi xây dựng Luật Tố tụng hành chính, vấn đề này đã được đưa ra thảo luận, nhưng chưa có cơ sở để quy định trong Luật.

“Về vấn đề bồi thường nhà nước, chúng ta cũng đã bàn nhiều nhưng thấy không phù hợp đưa bồi thường với văn bản vi phạm pháp luật”, Bộ trưởng Cường nói và cho rằng, có thể khi sửa Luật Tố tụng hành chính sẽ xem xét để đưa vào hoặc đưa vào Hiến pháp. Bởi khi sửa đổi Hiến pháp cũng có nhiều ý kiến góp ý về Tòa án Hiến pháp. Nếu có Tòa án Hiến pháp thì các văn bản vi phạm Hiến pháp sẽ được giải quyết ở đây.