Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đã 4 lần cảnh báo trên VTV về trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc hồi âm lo ngại của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp.

Hồi âm lo ngại của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trái phiếu doanh nghiệp trong phiên họp sáng 25/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã ra 5 thông cáo báo chí và đã có 4 cuộc trao đổi trên VTV cảnh báo những rủi ro đối với phát hành thị trường trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp.

Thảo luận về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tỏ rõ lo ngại khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng.

Ông Vương Đình Huệ lưu ý, có những doanh nghiệp bây giờ rao bán dự án để trả nợ, nhưng dự án đã đầy đủ cơ sở pháp lý đâu mà bán. Hai nữa là có đầy đủ pháp lý cũng có ai mua không khi đang vướng vào những sai phạm. Không trả được thì có nghĩa là vỡ nợ. Điểm này rất khác so với những năm trước.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đang sửa Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo Bộ trưởng, Nghị định 153 khi ra đời rất muốn tiếp cận với thông lệ của thế giới, tuy nhiên, sau khi ban hành lại thể hiện lỗ hổng, đã có những vi phạm nên cần phải siết lại.

"Chúng tôi đã nhận ra sự sơ hở này, nên khi tôi về làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi yêu cầu cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng, đã ra 5 thông cáo báo chí và đã có 4 cuộc trao đổi trên VTV, đồng thời có các diễn đàn báo chí, báo chí đăng tin về những rủi ro đối với phát hành thị trường trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp.

Riêng Bộ Tài chính có 3 văn bản chấn chỉnh và yêu cầu thanh tra. Vừa rồi, chúng ta có động thái xử lý nghiêm, chúng tôi thấy đây là một vấn đề cần phải xử lý để làm trong sạch thị trường và đi vào nề nếp, nhưng đồng thời cũng phải sửa các quy định của pháp luật", ông Phớc nói.

Cũng hồi âm vấn đề được Chủ tịch Quốc hội đặt ra trong trang thiết bị y tế, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, ông Lê Sỹ Bảy cho biết, hiện nay, Thanh tra Chính phủ đã và đang triển khai việc thanh tra tại một số địa phương, tại Bộ Y tế, tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM, cũng như hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thanh tra theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và dự kiến trong tháng 5 sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, kít, test, sinh phẩm xét nghiệm phòng chống Covid-19.

Bước đầu Thanh tra Chính phủ sơ bộ đã phát hiện ra một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc mua sắm trang thiết bị kit, test, sinh phẩm phòng, chống Covid-19. Kết quả chính thức sẽ được báo cáo Chính phủ trong tháng 5/2022.

Kết lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ bổ sung số liệu để nêu rõ những lĩnh vực cần phải có giải pháp quyết liệt để tiết kiệm, chống lãng phí như thống kê diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa, không chỉ sử dụng, sử dụng đất sai mục đích, giao đất không thu tiền sử dụng đất, kết quả việc quản lý đất đai của các nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết 112 của Quốc hội, các dự án treo, dự án nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư hiệu quả sử dụng chưa cao, vi phạm trật tự trong xây dựng.

Cũng cần làm rõ là việc xử lý liên quan đến các dự án doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các ngân hàng thua lỗ, chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, gây lãng phí. Đề nghị chú ý đến nội dung cải cách hành chính và thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho tiết kiệm liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Chính phủ còn được đề nghị bổ sung thông tin lĩnh vực tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến tín dụng Nhà nước, tài sản trong các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng cổ phần Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước và tình hình tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán gần đây.

Các số liệu, tình hình này ngoài việc bổ sung đầy đủ cho báo cáo năm 2021 còn cung cấp số liệu cho Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội để đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm và chống lãng phí, Phó chủ tịch lưu ý.

Với các nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cụ thể hóa hơn những giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó lưu ý các giải pháp để rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm công, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phẩn hóa.

Bên cạnh đó cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về định mức đơn giá tiêu chuẩn chế độ còn thiếu. Nghiên cứu ban hành quy định tiêu chí để định lượng rõ hơn các vấn đề liên quan đến năng suất, tiết kiệm của cán bộ, công chức, hợp đồng. Khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động ở mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi ngân sách. Tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, biên chế của các cơ quan nhà nước để tiết kiệm chi.

Tổ chức triển khai tốt Luật Quản lý tài sản công, quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, ngân sách nhà nước, đặc biệt là vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đặc biệt lưu ý các giải pháp gắn liền với việc tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế. Tình hình phức tạp quốc tế gần đây có ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống và xã hội, Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Tin bài liên quan