Một số bị can trong vụ án mua bán hóa đơn trái phép của Nguyễn Minh Tú Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ

Một số bị can trong vụ án mua bán hóa đơn trái phép của Nguyễn Minh Tú Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ

Bóc gỡ đường dây mua bán hóa đơn trái phép giá trị “khủng”

0:00 / 0:00
0:00
Quá trình điều tra xác định, Nguyễn Minh Tú và đồng phạm đã mua 646 công ty, rồi điều hành đường dây bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn giá trị gia tăng, với tổng doanh số gần 64.000 tỷ đồng.

Thủ đoạn thiết lập đường dây mua bán hóa đơn trái phép

Qua công tác nắm tình hình các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế trên địa bàn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện Nguyễn Thúy Hạnh (sinh năm 1980, trú tại xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần Nam Sơn Vic (địa chỉ tại thị xã Phú Thọ) đã mua 31 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống, với tổng giá trị hàng hóa là 8,7 tỷ đồng.

Mở rộng điều tra, ngày 14/10/2022, đơn vị này đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra về hành vi “mua, bán trái phép hóa đơn” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Quá trình điều tra xác định, lợi dụng quy định đăng ký kinh doanh, chuyển nhượng doanh nghiệp được thực hiện qua mạng, từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2022, Nguyễn Minh Tú (sinh năm 1992, trú tại phường Tam Phú, Thủ Đức, TP.HCM) đã thông qua Nguyễn Thị Huế (sinh năm 1988, ở phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) và 2 cá nhân là Kiên và Vân (không xác định được đầy đủ danh tính) để mua 646 doanh nghiệp.

Trong đó, Tú thông qua Huế mua 500 doanh nghiệp, với chi phí 50 - 60 triệu đồng/doanh nghiệp. Tổng số tiền Tú trả cho Huế để thực hiện việc “mua” doanh nghiệp là 30,3 tỷ đồng.

Sau đó, thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo và các hội nhóm trên mạng Internet, Tú thiết lập mạng lưới 73 đối tượng trung gian (F1, F2…) để bán hóa đơn GTGT cho các đơn vị có nhu cầu trên cả nước, nhằm hưởng lợi bất chính.

- Trong quá trình điều tra vụ án, Nguyễn Minh Tú đã nộp lại hơn 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, còn lại 235 tỷ đồng chưa thể khắc phục. Bị can này cũng không có tài sản riêng có giá trị tại địa phương.

- Liên quan tới việc Nguyễn Thị Huế đã nhận làm thủ tục chuyển nhượng, đăng ký, thay đổi chủ sở hữu, kê khai khống số liệu đầu vào cho 300 trong tổng số 646 công ty của Tú để đảm bảo các công ty này không bị cơ quan thuế thanh, kiểm tra và được Tú trả số tiền 31,6 tỷ đồng, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi sau khi tách vụ án hình sự.

-Đối với các cơ quan quản lý thuế của 646 công ty bán hóa đơn và 91 đơn vị mua, sử dụng hóa đơn, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xem xét trách nhiệm liên quan sau khi tách vụ án.

Để che giấu việc bán hóa đơn trái phép, Tú thuê Huế với giá 1 - 2 triệu đồng để Huế “tự kê”, “khai khống” doanh số mua vào (thực tế không có hóa đơn đầu vào); khai giảm doanh số hóa đơn bán ra của các công ty bán hóa đơn trên tờ khai thuế điện tử.

Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn GTGT đã bán, Tú mua 6 công ty tài chính gồm: Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính Quốc Hùng, Công ty TNHH Tư vấn tài chính Viết Thanh, Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Vương Phát, Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Trần Khoa, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải nhiên liệu Trí Tài và Công ty Tài chính Hùng Cường, giao cho Võ Tấn Lộc (sinh năm 1997, trú tại TP.HCM) quản lý và thực hiện hợp thức thủ tục thanh toán.

Quá trình giao dịch, Tú và Lộc sử dụng sim “rác” để đăng ký ứng dụng Internet banking, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của F1 với số tiền bằng doanh số hóa đơn đã bán. Sau đó, F1 giữ lại tiền bán hóa đơn (theo tỷ lệ % đã thỏa thuận), rồi chuyển số tiền còn lại vào tài khoản cá nhân của các đơn vị mua hóa đơn.

Các cá nhân này nộp số tiền đã nhận được, cộng với số tiền % (F1 giữ lại) vào tài khoản doanh nghiệp mua hóa đơn, rồi chuyển khoản trả lại tài khoản các doanh nghiệp bán hóa đơn của Tú và đồng bọn, coi như hoàn thành việc thanh toán.

Đối với các công ty do Tú trực tiếp sử dụng để bán hóa đơn GTGT, Tú thu tiền bán hóa đơn từ 1% đến 1,5% doanh số tiền hàng ghi trên hóa đơn đã thực hiện hợp thức thanh toán qua ngân hàng và toàn bộ số hóa đơn thanh toán bằng tiền mặt; còn đối với các công ty giao cho đối tượng trung gian, thì Tú thu 0,7%. Tú trả cho Lộc 0,1% số tiền các công ty tài chính đã thanh toán hợp thức.

Kết quả điều tra xác định, Tú và đồng phạm đã bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn GTGT cho 88.053 đơn vị, tổ chức với tổng doanh số gần 64.000 tỷ đồng; qua đó Tú hưởng lợi hơn 294 tỷ đồng.

Số tiền này, Tú đã chia cho Võ Tấn Lộc hơn 12 tỷ đồng; trả cho Nguyễn Thị Huế hơn 31,6 tỷ đồng tiền “mua” doanh nghiệp và thuê làm các thủ tục kê khai hóa đơn.

Ngoài ra, đối với các hóa đơn đã xuất bán mà mặt hàng cần điều kiện phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như đất, cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm…, Nguyễn Minh Tú thông qua mạng Internet tìm kiếm và đặt mua 32 con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền, sau đó sử dụng các con dấu để tạo “khống” các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa ghi trên các hóa đơn, rồi chuyển lại cho doanh nghiệp mua hóa đơn sử dụng để thanh, quyết toán với cơ quan thuế.

Hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp “nhúng chàm”

Trong số này, bị can Trương Như Tùng (sinh năm 1976, trú tại phường Đông Hòa, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Phú Gia Khang bị truy tố cả 2 tội danh.

Theo đó, do mua kim loại, phế liệu của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, không có hóa đơn, nên Tùng đã liên hệ mua 73 hóa đơn GTGT với tổng doanh số hơn 63 tỷ đồng, trong đó tiền thuế GTGT là 5,75 tỷ đồng. Tùng phải trả số tiền 2,3 tỷ đồng, tương đương 4% giá trị tiền hàng cho trung gian.

Sau khi sử dụng 73 hóa đơn trái phép trên để kê khai thuế đầu vào tại Chi cục Thuế TP. Dĩ An, doanh nghiệp của Tùng được khấu trừ số tiền thuế GTGT là 5,75 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trương Như Tùng cũng là kế toán của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Huy, do Lâm Thành Công làm Giám đốc. Để hợp thức hóa đơn đầu vào, Công chỉ đạo Tùng liên hệ mua 31 hóa đơn GTGT khống của Công ty TNHH Thương mại và Thu gom phế liệu Ngọc Hạnh phát hành, với tổng doanh số là 38 tỷ đồng, trong đó, tiền thuế GTGT kê khai tại Chi cục Thuế TP. Thủ Đức là gần 3,5 tỷ đồng.

Cũng với hành vi mua bán trái phép hóa đơn để hợp thức đầu vào của hàng hóa được mua bán trôi nổi như trên, 30 người là giám đốc, người đại diện hoặc nhân viên nhiều doanh nghiệp khác cũng bị truy tố về tội “trốn thuế”, với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Đơn cử, tại Công ty TNHH Gỗ Đại Thiên Phát, bị can Lê Thị Sáng, Giám đốc và nhân viên là Phan Thị Biên đã mua 414 hóa đơn GTGT của 11 công ty trong nhóm của Tú, với tổng doanh số hơn 262 tỷ đồng, trong đó, tiền thuế GTGT là 20,5 tỷ đồng.

Còn tại Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại dịch vụ Hoàng Hương, Công ty cổ phần Xây dựng Trường Khương Thịnh do vợ chồng Nguyễn Công Danh (sinh năm 1975) làm Giám đốc, để hợp thức việc mua cát san lấp không có nguồn gốc, Danh đã mua 69 hóa đơn GTGT với tổng doanh số 168 tỷ đồng, trong đó tiền thuế GTGT là hơn 13 tỷ đồng.

Đổi lại, Danh trả cho trung gian hơn 4,8 tỷ đồng, tương đương 3% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn.

Bên cạnh đó, có 68 bị can bị truy tố về tội danh “mua bán trái phép hóa đơn” theo khoản 1, khoản 2, Điều 203, Bộ luật Hình sự, do tham gia vào các hoạt động môi giới, mua bán hóa đơn trong đường dây này.

Tin bài liên quan