BOJ được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ nguyên chính sách tiền tệ trong tháng 7

BOJ được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ nguyên chính sách tiền tệ trong tháng 7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phần lớn các nhà phân tích cho rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ chưa đưa ra thay đổi về việc điều chỉnh kiểm soát đường cong lợi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng 7.

Khoảng 82% trong số 50 nhà kinh tế trong một cuộc khảo sát của Bloomberg kỳ vọng BOJ sẽ tiếp tục giữ vững lập trường nới lỏng tiền tệ trong tháng 7. Trước đó, trong cuộc khảo sát vào tháng trước, gần 33% các nhà phân tích kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ thay đổi chính sách kiểm soát đường cong lợi suất vào tháng 7.

Sự thay đổi này diễn ra khi Thống đốc Kazuo Ueda tiếp tục đưa ra quan điểm ủng hộ việc kích thích tiền tệ và khi hoạt động của thị trường trái phiếu nhìn chung đã được cải thiện.

Tháng 10 hiện được xem là thời điểm có khả năng thay đổi chính sách nhất, với 28% các nhà phân tích kỳ vọng BOJ sẽ thay đổi chính sách tiền tệ trong tháng đó.

Hôm thứ Ba (18/7), Thống đốc Kazuo Ueda cho biết, BOJ sẽ duy trì lập trường nới lỏng miễn là các quan chức tin rằng ngân hàng trung ương vẫn còn một số cách để đạt được mục tiêu lạm phát trên cơ sở bền vững. Nhận xét đó làm suy yếu đồng yên bằng cách hạ nhiệt suy đoán về một sự thay đổi chính sách kiểm soát đường cong lợi suất sắp xảy ra.

Nhiều nhà kinh tế cho đến gần đây đã hình dung ra một sự thay đổi trong tháng 7 vì BOJ dự kiến sẽ tăng dự báo lạm phát cho năm tài chính tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.

Dự báo trung bình của các nhà phân tích được khảo sát dự kiến cho thấy BOJ sẽ tăng dự báo lạm phát từ 1,8% lên 2,3% trong năm 2023, và mức dự báo cho năm sau không thay đổi ở mức 2%.

Kazuhiko Sano, chiến lược gia trưởng tại Tokai Tokyo Securities Co. đã giảm bớt kỳ vọng về việc bình thường hóa chính sách tiền tệ. “Với việc điều chỉnh tăng trong dự báo lạm phát tiêu dùng là điều không thể tránh khỏi, việc điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất sẽ đổ thêm dầu vào lửa, vì vậy BOJ có thể sẽ tránh làm điều đó”, ông cho biết.

Trong khi các quan điểm khác nhau về triển vọng lạm phát, phần lớn các nhà kinh tế cho biết dữ liệu của Nhật Bản đã cho thấy dấu hiệu lạm phát đạt đỉnh, báo hiệu sự chuyển dịch trong giai đoạn của nền kinh tế.

Ngoài ra, Thống đốc Kazuo Ueda đã trích dẫn sự thiếu tin tưởng vào tính bền vững của lạm phát là lý do chính để tiếp tục các chính sách kích thích.

Tin bài liên quan