Bong bóng nhà ở London sắp vỡ!

Bong bóng nhà ở London sắp vỡ!

(ĐTCK) Hiện London (Anh) đang dẫn đầu danh sách những thành phố có tốc độ tăng giá nhà chóng mặt trên toàn thế giới.

Với mức tăng trưởng giá nhà trung bình mạnh mẽ hơn 20% trong vòng một năm qua, đến thời điểm tháng 6/2014, theo số liệu của Cục Đất đai Anh quốc, thị trường nhà ở London đang khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về nguy cơ bong bóng bất động sản sắp vỡ.

Hiện London đang dẫn đầu danh sách những thành phố có tốc độ tăng giá nhà chóng mặt trên toàn thế giới, xếp sau là Manhattan (New York - Mỹ) với 18% và Sydney với 15,4% (Úc). Trong khi đó, theo số liệu thăm dò của Bloomberg, hai “cựu vô địch” châu Á là Singapore và Hồng Kông lần lượt chứng kiến mức giá giảm 3,7% và 0,6%.

Bằng cách áp dụng những biện pháp kìm hãm thị trường như quy định cho vay thế chấp, mức thuế đối với tài sản sở hữu và thuế suất dành cho người mua nhà nước ngoài, chính quyền Singapore và Hồng Kông đã kiểm soát thành công thị trường nội địa về phương diện giao dịch nhà ở, cũng như lợi nhuận đi kèm. Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu London có thể thu về kết quả tích cực như 2 nền kinh tế châu Á nêu trên, nếu áp dụng những biện pháp tương tự?

Thực tế, chính quyền Singapore và Hồng Kông nắm trong tay quyền kiểm soát đối với nguồn cung đất đai. Điều này mang lại cho họ những ưu thế nhất định trong việc thực thi các biện pháp kìm hãm thị trường bất động sản đang tăng nóng. Đơn cử, vào tháng 1/2013, Cơ quan tiền tệ Singapore ra quyết định cắt giảm tỷ lệ thế chấp khi mua căn nhà thứ hai trở đi, đồng thời tăng gấp đôi các khoản thanh toán từ mức tối thiểu 10% lên 25%, buộc các ngân hàng tại đây đồng loạt tuân theo.

Trái lại, chính quyền London hay New York không có quyền kiểm soát đối với nền kinh tế và điều chỉnh hành vi của cư dân giống như chính quyền Singapore và Hồng Kông.

“Chính sách trên sẽ trở thành ‘cơn ác mộng’ nếu được áp dụng tại Mỹ, nơi có sự hiện diện của hơn 7.000 ngân hàng và các cơ quan quản lý”, giáo sư Sumit Agarwal, người chuyên nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế, tài chính và bất động sản ở Trường đại học Quốc gia Singapore nói.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Chính phủ Anh quốc đứng ngoài cuộc. Mới đây nhất, vào tháng 6/2014, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney công bố biện pháp kìm hãm thị trường bất động sản bằng cách giới hạn thế chấp ở mức ít hơn 4,5 lần so với thu nhập hàng năm của người đi vay, đồng thời yêu cầu các ngân hàng từ chối cho vay đối với các cá nhân không chứng minh được khả năng trả nợ. Cách làm này đã bắt đầu phát huy tác dụng khi lần đầu tiên giá nhà ở London cho thấy dấu hiệu chững lại trong tháng 7/2014 kể từ tháng 12/2012, sau khi chứng kiến mức tăng 0,5% vào tháng trước.

Song vấn đề gây đau đầu và khó kiểm soát hơn cả ở thị trường nhà ở London là làn sóng người mua nhà giàu có đến từ Nga, Trung Đông hay châu Á, khi họ là nhân tố chính đẩy giá nhà tại đây ngày một leo thang. Sở dĩ cơn sốt mua nhà từ khách hàng ngoại quốc bùng phát nhờ vào những ưu đãi về thuế. Thêm nữa, theo nhà kinh tế học Matthew Pointon ở Hãng Capital Economics Ltd, Chính phủ Anh quốc cũng không có ý định can thiệp vào dòng tiền từ khách hàng quốc tế, bởi nó đi ngược lại với hình ảnh mở cửa tự do kinh doanh.

Xét về góc độ tác động của khách mua nước ngoài với nguồn cung nội địa, rõ ràng người dân Singapore và Hồng Kông sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều hơn so với người dân London khi với phạm vi địa lý nhỏ, họ không thể di chuyển sang các quận hoặc tiểu bang lân cận khác với mức giá thấp hơn. Điều này lý giải vì sao chính quyền Hồng Kông hoặc Singapore quyết liệt trong việc áp dụng biện pháp can thiệp quyền sở hữu nhà của người mua nước ngoài so với London.

Bên cạnh đó, những chính sách khuyến khích sở hữu nhà như cho vay giá rẻ, trợ cấp nhà ở hoặc chương trình hỗ trợ mua nhà thông qua khoản lương hưu đã góp phần kích thích nguồn cầu trong nhân dân, giúp thị trường trở về thế cân bằng. Theo số liệu của Cục Nhà ở và Phát triển Singapore, trong khi thị trường nhà ở London và New York bị thống trị bởi khu vực tư nhân, thì có hơn 80% người dân Singapore sinh sống trong những dự án căn hộ do chính quyền Singapore xây dựng. Hơn 90% trong số đó là chủ nhân thực sự của căn nhà.

Tin bài liên quan