“Bóng” trong chân CTCK

“Bóng” trong chân CTCK

(ĐTCK) Thị trường đăng ký giao dịch cổ phiếu các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) mới đi vào vận hành chưa đầy 2 tuần, nhưng cơ quan quản lý đã nhận được những phản ánh từ các thành viên thị trường cũng như NĐT về phương thức khớp lệnh và một số khó khăn khi giao dịch trên thị trường này.

Thị trường UPCoM có những ưu điểm gì, đâu là yếu tố mang tính cốt yếu để phân định thị trường này với hai thị trường niêm yết hiện nay, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX).

Vì sao thị trường UPCoM không áp dụng phương thức khớp lệnh liên tục, mà chỉ là giao dịch thoả thuận, thưa ông?

Mỗi phương thức khớp lệnh đều có những mặt ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Khớp lệnh liên tục có ưu thế là mức độ tự động cao và rất thích hợp với thị trường giao dịch tập trung. Ngược lại, UPCoM là thị trường được tổ chức theo định hướng là thị trường OTC có tổ chức nên việc áp dụng phương thức giao dịch thoả thuận là phù hợp. Trên thị trường này, các CTCK đóng vai trò trung tâm, có thể tổ chức giao dịch 24/24 giờ với NĐT và với CTCK khác. Với tư cách là nhà tạo lập thị trường, NĐT hay nhà môi giới, HNX mở hệ thống 3 giờ mỗi ngày để nhận kết quả giao dịch từ các CTCK rồi tổng hợp và chuyển kết quả sang Trung tâm Lưu ký chứng khoán (TTLK) để thực hiện bù trừ và thanh toán theo chu kỳ T+3. Đây cũng là thời gian HNX nhận và tổng hợp tình trạng dư mua, dư bán chứng khoán tại các CTCK để hình thành bảng giá tham chiếu cho NĐT tham khảo và giao dịch.

Nói tóm lại, đây là phương thức giao dịch rất linh hoạt, tạo điều kiện để các CTCK vừa có thể là nhà tạo lập thị trường (liên tục đưa ra các lệnh mua - bán hai chiều), vừa là NĐT (cùng mua, cùng bán), vừa là nhà môi giới (chào mua, chào bán, thực hiện mua bán cho NĐT).

Với cách tổ chức như trên, NĐT khi có nhu cầu giao dịch có thể đề nghị với CTCK thực hiện một phần hoặc toàn bộ khối lượng cần giao dịch ở một mức giá nhất định (không nhất thiết cứng nhắc ở một khối lượng và giá). Tuy nhiên, phải thừa nhận giao dịch theo phương thức thoả thuận cũng có nhược điểm là chậm hơn so với khớp lệnh liên tục.

 

Việc chậm khớp lệnh có phải là nguyên nhân chính khiến các công ty đại chúng ngại lên giao dịch và NĐT vẫn dành sự quan tâm nhiều hơn đến cổ phiếu trên thị trường niêm yết?

Như tôi đã nói thì mỗi phương thức giao dịch có mặt ưu và nhược riêng, nên việc áp dụng phương thức giao dịch thoả thuận không phải là nguyên nhân chính làm cho UPCoM chưa sôi động tại thời điểm này. Theo tôi, có một số nguyên nhân khác quan trọng hơn, như UPCoM vẫn còn quá mới mẻ nên công chúng và cả CTCK chưa quen, quy mô thị trường còn nhỏ nên sự quan tâm chung chưa lớn, công ty đại chúng chưa niêm yết - đối tượng chính của UPCoM vẫn đang trong giai đoạn nghe ngóng, dò xét, trong đó có nhiều ngân hàng thương mại. Tôi cho rằng, khi những vấn đề trên được tháo gỡ thì mức độ quan tâm của NĐT đối với thị trường UPCoM sẽ tăng lên.

Cũng như việc niêm yết cổ phiếu tại HNX trước đây, cần có thêm thời gian để công chúng đầu tư và doanh nghiệp làm quen. Trong khi đó, UPCoM mới vận hành chưa được nửa tháng.

 

Như ông nói ở trên thì các CTCK có vai trò rất lớn trong việc tạo ra thanh khoản trên thị trường UPCoM. Vậy nhưng, động lực nào để các CTCK tích cực làm nhà tạo lập thị trường nếu như công việc đó không mang lại cho họ lợi nhuận?

Tôi cho rằng, thị trường UPCoM tạo ra một sân chơi lớn và cơ hội lớn về lợi nhuận cho các CTCK. Không phải ngẫu nhiên mà trước ngày UPCoM khai cuộc, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản cho phép các CTCK được mua - bán cùng phiên. Tất nhiên, cơ hội lớn đó chỉ thành hiện thực khi thị trường đã lớn và sôi động. Các CTCK vừa là người bảo trợ để đưa doanh nghiệp tham gia UPCoM, phát triển quy mô thị trường, vừa đóng vai trò lớn trong việc tạo thanh khoản cho các loại chứng khoán, phục vụ tốt hơn nhu cầu của NĐT. Nói tóm lại, CTCK đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng, phát triển thị trường UPCoM và tìm kiếm lợi nhuận chính đáng trên chính thị trường này.

Trong thời gian tới, khi nhận thức đầy đủ hơn về vai trò và cơ hội, các CTCK thành viên sẽ tham gia tích cực hơn vào việc tạo hàng và giao dịch trên thị trường UPCoM.

Về phía cơ quan quản lý, theo tôi, cần một văn bản quy định về quyền lợi và trách nhiệm cũng như các tiêu chí đạo đức nghề nghiệp của nhà tạo lập thị trường. Khi đó, các CTCK sẽ tham gia tích cực, thể hiện rõ hơn vai trò nhà tạo lập thị trường trên UPCoM và tạo cho UPCoM thêm sôi động.

 

NĐT và công ty đại chúng chủ yếu quan tâm đến tính thanh khoản của cổ phiếu. Vì thế, những quy định khá chặt chẽ khi giao dịch tại UPCoM hiện nay khiến NĐT cảm thấy không thoải mái khi giao dịch, thưa ông?

Tôi có nhận được phản ánh của một số NĐT, so sánh cách thức họ thực hiện giao dịch trên thị trường OTC tự do với cơ chế giao dịch trên UPCoM. Tôi thấy việc so sánh như vậy là hơi khập khiễng, nhưng cũng thừa nhận một số kiến nghị của NĐT rất đáng để nghiên cứu, xử lý.

Sau khi giao dịch một thời gian, chúng tôi sẽ xem xét các vướng mắc để chỉnh sửa cho phù hợp, trong đó có việc HNX sẽ nghiên cứu trình Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép NĐT được mở nhiều tài khoản, giao dịch ký quỹ, cùng mua cùng bán trong phiên. Việc áp dụng các nghiệp vụ này trên UPCoM vừa tạo thêm thanh khoản cho thị trường, vừa có thể được xem như quá trình thử nghiệm trước khi áp dụng cho thị trường niêm yết.