Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

BSC: Trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể đạt trên 1.360 điểm trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trung tâm Phân tích Nghiên cứu, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) vừa đưa ra báo cáo nhận định thị trường chứng khoán trong 10 tháng đầu năm 2023 và dự báo kịch bản những tháng còn lại của năm 2023 và trong năm 2024.

Theo BSC, thời gian qua, xu hướng giảm giá là xu hướng chung của thị trường chứng khoán thế giới, trong đó Việt Nam cũng không ngoại trừ do những lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu. Chỉ số VN-Index đã có mức giảm tới gần 11% và là thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 10.

Tuy nhiên, tại thời điểm ngày 31/10/2023, so với cùng kỳ năm trước, hầu hết các nhóm ngành đều có sự tăng trưởng tốt với 15/18 ngành tăng điểm. Trong đó, các ngành có mức tăng trưởng ấn tượng nhất là: Truyền thông (tăng trưởng 116,44%), Dịch vụ tài chính (tăng trưởng 47,50%), Tài nguyên cơ bản (tăng trưởng 38,43%), Công nghệ thông tin (tăng trưởng 36,59%)… Ngược lại, chỉ 3/18 ngành có mức giảm điểm là Bất động sản (giảm 13,87%), Bán lẻ (giảm 6,67%), Thực phẩm và đồ uống (giảm 1,31%).

Vận động ngành theo thời gian trong 5 năm gần nhất. Nguồn: FiinPro, BSC tổng hợp
Vận động ngành theo thời gian trong 5 năm gần nhất.

Nguồn: FiinPro, BSC tổng hợp

Đặc biệt, BSC đánh giá nhóm ngành Dịch vụ tài chính là nhóm tăng ấn tượng nhất trong những tháng đã qua của năm 2023, với điểm sáng là nhóm ngành chứng khoán. Trong bức tranh về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III/2023 vừa được công bố với chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận tiếp tục giảm dù đà giảm dần thu hẹp hơn thì nhóm Dịch vụ tài chính nổi bật lên với hoạt động vượt trội khi có quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, sau khi lợi nhuận tạo đáy vào quý IV/2022.

Trong quý III/2023, giá trị giao dịch trung bình của thị trường chứng khoán đạt 24,5 nghìn tỷ đồng/phiên (tăng 54% so với cùng kỳ), là mức cao nhất kể từ quý II/2022, giúp cho biên lợi nhuận ròng của ngành chứng khoán cao nhất toàn thị trường ở mức 26,2%, cao gấp 2 lần cùng kỳ. Ngược lại, phần lớn các ngành có biên lợi nhuận thu hẹp khiến biên lợi nhuận ròng toàn thị trường giảm từ 6,5% trong quý III/2022 xuống 5,9% trong quý III/2023.

Đối với nhóm ngành Bán lẻ, mặc dù kinh tế 2023 được nhận định là đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nhiều nhà kinh tế dự báo đây sẽ là năm phục hồi của ngành bán lẻ sau dịch Covid-19 với nhiều tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ sẽ mở cửa trở lại, thậm chí mở rộng hệ thống và thị trường kinh doanh trên cơ sở được hỗ trợ bởi các yếu tố như tăng trưởng thu nhập, sự phục hồi của xuất nhập khẩu, du lịch cũng như các ngành nghề liên quan như lưu trú, vận tải… Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng của thị trường, tiêu dùng trong nước liên tục có dấu hiệu suy yếu qua các tháng và hoạt động xuất nhập khẩu suy giảm mạnh trong nửa đầu năm.

“Ngành bán lẻ trong năm 2023 là câu chuyện về sức mua yếu do những ảnh hưởng tiêu cực từ sự trì trệ của nền kinh tế cả trong nước và thế giới trong thời gian vừa qua. Nhóm cố phiếu ngành Bán lẻ là nhóm có mức giảm nhiều thứ 2 sau nhóm Bất động sản và để lại sự nuối tiếc khi nhóm ngành này chưa tăng được như kỳ vọng”, BSC nhấn mạnh.

Tuy nhiên, BSC kỳ vọng sự phục hồi rõ nét hơn của nhóm ngành này đến trong quý IV/2023 từ 2 nhân tố chủ đạo: Thứ nhất, trong nước, Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng cùng với các địa phương sẽ đẩy mạnh và triển khai các chương trình kích cầu đến cuối năm.

Thứ hai, kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong xu hướng phục hồi của nhu cầu thế giới đặc biệt là với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hoa Kỳ (nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng cao hơn dự kiến, tồn kho hàng hóa tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm)…

BSC cũng đưa ra những dự báo về triển vọng thị trường giai đoạn cuối 2023 và năm 2024.

Theo BSC, trong cả năm 2023, tăng trưởng kinh tế thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách tiền tệ toàn cầu thắt chặt, đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Với vị thế là một nền kinh tế có độ mở cao với kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 90% GDP, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng sâu sắc khi các thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc giảm nhu cầu. Nền kinh tế đã trải qua những giai đoạn khó khăn trong đầu năm 2023, và dần dần phục hồi từng bước trở lại khi SBV hạ lãi suất điều hành 4 lần, những chính sách nới lỏng hơn cho nền kinh tế được đưa ra.

Bên cạnh đầu tư công đang có diễn biến tích cực khi được đẩy mạnh từ đầu năm, xuất nhập khẩu là động lực chính cho nền kinh tế hiện tại khi nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cải thiện hơn về cuối năm.

Tuy nhiên trong bối cảnh Fed và châu Âu vẫn đang thắt chặt chính sách tiền tệ và phát tín hiệu sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong 1 thời gian dài, và châu Âu được dự báo sắp bước vào một cuộc suy thoái kỹ thuật, xuất nhập khẩu của Việt Nam chưa thể kỳ vọng vào một đợt hồi phục mạnh mẽ trong năm sau.

Về yếu tố trong nước, theo BSC, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn đang có diễn biến vô cùng ảm đạm. Trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN là 205.867 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước khi xảy ra những vụ việc xử phạt vi phạm pháp luật trong việc phát hành trái phiếu bắt đầu từ năm 2022 (giá trị phát hành TPDN năm 2020: 458.778 tỷ đồng; 2021: 775.888 tỷ đồng; năm 2022: 266.734 tỷ đồng).

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố trong nước và quốc tế, BSC xây dựng kịch bản dự báo VN-Index năm 2023 và 2024.

Năm 2023, VN-Index dao động trong vùng 1.100-1.200 điểm dựa trên cơ sở: NHNN có khả năng sẽ ổn định được tỷ giá mà không sử dụng các công cụ như can thiệp trên thị trường ngoại hối; Tốc độ giải ngân đầu tư công tiếp tục tích cực; Mặt bằng lãi suất cho vay thực tế giảm đồng thời kết quả kinh doanh các doanh nghiệp cho thấy tín hiệu lạc quan; Thanh khoản 3 sàn bình quân ở mức 15 - 17 nghìn tỷ/phiên.

Năm 2024, BSC đưa ra 2 kịch bản, trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể đạt trên 1.360 điểm; ngược lại với kịch bản tiêu cực, chỉ số này có thể về dưới 1.200 điểm.

Tin bài liên quan