Cơ hội và rủi ro luôn song hành trên thị trường chứng khoán

Cơ hội và rủi ro luôn song hành trên thị trường chứng khoán

"Trái đắng" đầu tư cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 đã hé lộ hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ lớn trong đầu tư cổ phiếu.

Lỗ nặng với HPG

Công ty cổ phần Hoá An (mã DHA) hoạt động trong ngành đá xây dựng, nhưng mấy năm nay còn được biết đến với việc đầu tư chứng khoán, với “khẩu vị” ưa thích là cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát.

Hoá An bắt đầu mua cổ phiếu HPG từ cuối năm 2021, giai đoạn giá cổ phiếu lập đỉnh. Đầu năm 2022, danh mục đầu tư chứng khoán của doanh nghiệp này có 300.000 cổ phiếu HPG, với giá trị đầu tư hơn 15,26 tỷ đồng, giá mua trung bình là 50.900 đồng/cổ phiếu. Đến cuối quý II/2022, khi thị giá HPG giảm sâu, Công ty tiếp tục mua thêm 2,24 triệu cổ phiếu, nâng tổng số lượng nắm giữ lên 2,54 triệu cổ phiếu, với giá trị đầu tư gần 78,16 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân 30.771 đồng/cổ phiếu.

Tuy vậy, cổ phiếu HPG vẫn tiếp tục đi xuống và Hóa An vẫn tiếp tục mua vào để trung bình giá. Tại thời điểm giữa năm 2023, Công ty ghi nhận khoản chứng khoán kinh doanh là 88,53 tỷ đồng, trong đó khoản đầu tư vào HPG có giá vốn là 80,3 tỷ đồng. Với việc đầu tư cổ phiếu, Hóa An phải dự phòng giảm giá chứng khoán 35,67 tỷ đồng vào cuối năm 2022, trong đó riêng cổ phiếu HPG là 32,8 tỷ đồng.

Sau gần hai năm miệt mài trung bình giá xuống, tại thời điểm 30/9/2023, danh mục đầu tư chứng khoán của Hóa An đã không còn HPG, cho thấy doanh nghiệp ngành đá xây dựng này đã thẳng tay cắt lỗ “cổ phiếu quốc dân”. Từ khoản trích lập hơn 14 tỷ đồng cho toàn bộ danh mục hồi cuối quý II/2023, đến cuối quý III/2023, Hoá An chỉ còn trích lập dự phòng gần 3 tỷ đồng cho những cổ phiếu khác.

Một doanh nghiệp khác cũng có trải nghiệm tương tự với cổ phiếu HPG là Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt (mã TVB). TVB mua vào cổ phiếu HPG từ thời điểm tháng 10/2021, ở vùng giá 43.000 đồng/cổ phiếu. Tại thời điểm cuối quý I/2023, khoản đầu tư vào HPG của TVB có giá gốc hơn 171,2 tỷ đồng, nhưng giá trị hợp lý được ghi nhận là 91 tỷ đồng, tương đương mất 48% giá trị.

Đến ngày 30/9/2023, danh mục các loại tài sản tài chính của TVB vẫn còn cổ phiếu HPG, với giá trị gốc là 159,5 tỷ đồng, giá trị hợp lý còn 106,8 tỷ đồng, giảm 33%.

Ngoài HPG, danh mục đầu tư chứng khoán của TVB còn có cổ phiếu MBB, MWG, NKG, FPT và một số cổ phiếu khác. Trong đó, FPT có giá gốc 178,2 tỷ đồng nhưng giá trị hợp lý lên tới 247,3 tỷ đồng, MWG có giá gốc 139,2 tỷ đồng hiện đang ghi nhận giá trị hợp lý 154,1 tỷ đồng. Các mã còn lại đều thua lỗ.

Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (mã TVC), doanh nghiệp nắm hơn 50% cổ phần của TVB cũng đang ghi nhận khoản lỗ lớn từ cổ phiếu HPG. Tính đến cuối quý III/2023, các khoản đầu tư chứng khoán của TVC chiếm gần 69% tổng tài sản (1.314 tỷ đồng). Trong đó, TVC đang đầu tư 746 tỷ đồng vào HPG, 273 tỷ đồng vào FPT, 212 tỷ đồng vào MWG, 11 tỷ đồng vào TDH, 13 tỷ đồng vào NKG và 48 tỷ đồng vào MBB... Doanh nghiệp này phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán hơn 95 tỷ đồng, trong đó dự phòng cho cổ phiếu HPG là hơn 93 tỷ đồng.

Nhà đầu tư “tay ngang” ngấm đòn

Cuối quý III/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán 13,5 tỷ đồng

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại thép nhưng do thị trường thép đang khó khăn, mảng kinh doanh cốt lõi kém tích cực, Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) gần đây đã tích cực tham gia đầu tư chứng khoán. Song, hoạt động mới chẳng đem lại lợi nhuận như kỳ vọng của doanh nghiệp.

Cuối năm 2022, Thép Tiến Lên ghi nhận khoản đầu tư 105,6 tỷ đồng (chiếm khoảng 2,5% tổng tài sản) vào thị trường chứng khoán, trong đó phải trích lập dự phòng 62,9 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 59,6% tổng danh mục. Trong đó, cổ phiếu SHB mua vào 23,5 tỷ đồng, phải trích lập dự phòng tới 13,5 tỷ đồng; cổ phiếu VIX mua vào 21,2 tỷ đồng, trích lập dự phòng 14,7 tỷ đồng; cổ phiếu IJC mua vào 18,2 tỷ đồng, trích lập dự phòng 11,2 tỷ đồng; các cổ phiếu khác mua vào 42,7 tỷ đồng, trích lập dự phòng 23,5 tỷ đồng.

Đến ngày 30/9/2023, nhờ thị trường chứng khoán hồi phục, danh mục đầu tư của Thép Tiến Lên được cải thiện, hơn nhưng vẫn chưa hoà vốn. Do bán cổ phiếu SHB (khoản đầu tư lớn nhất danh mục) và mua mới cổ phiếu NVL trong quý III/2023, giá trị đầu tư thời điểm này của Công ty là 88,2 tỷ đồng (chiếm 2,2% tổng tài sản) và vẫn phải trích lập dự phòng 13,5 tỷ đồng, tương ứng mức lỗ tạm tính là 15% toàn danh mục.

Trong đó, khoản đầu tư 12,02 tỷ đồng vào cổ phiếu NVL hiện đang phải trích lập dự phòng 1,73 tỷ đồng; đầu tư 5,56 tỷ đồng vào cổ phiếu IJC, trích lập dự phòng 0,43 tỷ đồng; đầu tư 4,59 tỷ đồng vào cổ phiếu VIX, trích lập dự phòng 0,7 tỷ đồng; đầu tư 66,06 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác, trích lập dự phòng 10,6 tỷ đồng.

Mặc dù kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị trường học nhưng Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Long An (mã LBE) cũng có trải nghiệm “đáng nhớ” trong đầu tư chứng khoán. Đến cuối quý II/2023, khoản đầu tư chứng khoán của Công ty ghi nhận giá gốc hơn 5,7 tỷ đồng, trích lập dự phòng hơn 800 triệu đồng, tương đương lỗ 14%.

Danh mục chứng khoán kinh doanh của công ty sách này có 6 cổ phiếu, trong đó giá trị lớn nhất là 232.000 cổ phiếu VDL của Công ty Thực phẩm Lâm Đồng và 126.100 cổ phiếu QTC của Công ty Công trình Giao thông Vận tải Quảng Nam. Ngoài ra là các cổ phiếu DGD, TNA, FRM, STC.

Tương tự, Công ty cổ phần Sách Giáo dục tại TP. Đà Nẵng (mã DAE) đầu tư gần 5,7 tỷ đồng vào cổ phiếu HHS của Công ty Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy và tới thời điểm 30/9/2023 phải trích lập dự phòng giảm giá gần 3 tỷ đồng.

Từng rời bỏ thị trường chứng khoán trong quý đầu năm 2023, Công cổ phần Licogi 14 (mã L14) quay lại khi thị trường sôi động. Tại thời điểm 30/9/2023, Công ty ghi nhận giá trị đầu tư chứng khoán kinh doanh hơn 56 tỷ đồng, tăng 14 tỷ đồng so với cuối quý II/2023 và phải dự phòng giảm giá đầu tư hơn 2 tỷ đồng.

Sau giai đoạn hồi phục tích cực trong 8 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán trong nước đã có nhịp điều chỉnh mạnh từ tháng 9 tới nay và xu hướng vẫn kém tích cực trước nhiều biến số vĩ mô trong nước và thế giới. Ngay cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp như TVB, TVC cũng chịu thua lỗ không nhỏ, huống chi những nhà đầu tư “tay ngang”.

Tin bài liên quan