Giá than hạ nhiệt, sản lượng huy động tăng giúp các nhà máy nhiệt điện như PPC cải thiện lợi nhuận

Giá than hạ nhiệt, sản lượng huy động tăng giúp các nhà máy nhiệt điện như PPC cải thiện lợi nhuận

Bức tranh đối lập của ngành điện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo tài chính quý I/2024 của các doanh nghiệp ngành điện trên sàn cho thấy sự đối lập về hiệu quả kinh doanh giữa nhóm thủy điện và nhiệt điện than. Tình trạng này dự báo tiếp diễn trong các quý còn lại của năm nay.

Thuỷ điện “gặp hạn”

Quý đầu năm nay, CTCP Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã VSH) báo cáo doanh thu đạt 349,5 tỷ đồng, giảm 60,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế vẻn vẹn 1,77 tỷ đồng, giảm tới 99,6% so với cùng kỳ. Theo giải trình của Công ty, do tình hình thuỷ văn cuối năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 tại khu vực miền Trung không thuận lợi, lưu lượng nước về các hồ thấp hơn kế hoạch và trung bình nhiều năm, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất điện trong quý I/2024. Sản lượng điện thương phẩm trong quý I của VSH giảm 209,79 triệu kWh, tương ứng giảm 32,12% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Võ Thành Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị VSH cho biết, tình hình thủy văn năm 2024 dự báo không thuận lợi, hiện tượng El Nino kéo dài và gay gắt hơn. Bên cạnh đó, chính sách thị trường điện có nhiều thay đổi bất lợi cho các đơn vị phát điện, Qc giao theo sản lượng điện kế hoạch hàng tháng và giá trần thị trường điện giảm so với năm 2023 nên Công ty đặt các chỉ tiêu kinh doanh năm 2024 khá thận trọng, với sản lượng điện sản xuất ước đạt 2.121,31 triệu kWh, doanh thu 1.965,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 505 tỷ đồng (giảm 49,2% so với mức thực hiện năm ngoái), phấn đấu tỷ lệ cổ tức tối thiểu 15% bằng tiền.

Trong năm 2024, VSH tiến hành thuê tư vấn tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, môi trường, nhu cầu hệ thống... của dự án Thủy điện Vĩnh Sơn và Sông Hinh để tăng thêm công suất lần lượt là 40 MW và 70 MW.

Cũng có góc nhìn tương tự, CTCP Thủy điện - Điện lực 3 cho biết, hiện tượng khí hậu El Nino dự báo sẽ tiếp tục duy trì đến tháng 6/2024, sau đó hình thái thời tiết ENSO sẽ xuất hiện đến tháng 9/2024. Vì vậy, thời tiết tại Tây Nguyên khó dự đoán, dự báo lượng mưa trong khu vực rất thấp trong khoảng 8 tháng đầu năm. Giai đoạn nắng nóng và khô hạn khốc liệt được dự báo sẽ diễn ra đến tháng 7/2024. Ngoài ra, Công ty phải dừng máy để triển khai các công trình sửa chữa lớn, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ chưa thực hiện được trong năm 2023. Năm 2024, Công ty dự kiến sản lượng điện thương phẩm đạt 75 triệu kWh, giảm so với sản xuất năm 2023 (90,5 triệu kWh).

Trong khi đó, tại CTCP Thủy điện Hủa Na, trong quý I/2024, lượng nước về hồ bình quân đạt 18,45 m3/giây, bằng 49,73% so với cùng kỳ năm 2023 (37,1 m3/giây). Lượng nước thấp khiến sản lượng điện chỉ đạt 75,07 triệu kWh, trong khi con số này trong quý I/2023 là 125,54 triệu kWh. Kết quả doanh thu quý đầu năm 2024 của Thủy điện Hủa Na giảm tới 48,36% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 104,7 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Công ty báo lỗ gần 3,8 tỷ đồng.

Lượng nước về hồ thấp do hiện tượng El Nino cũng khiến nhiều doanh nghiệp thủy điện ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2024 giảm sâu. Đơn cử, CTCP Thủy điện A Vương chỉ đạt 92 tỷ đồng doanh thu trong quý I, giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 40,4 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 172,4 tỷ đồng đạt được trong quý I/2023. Hay CTCP Thủy điện Miền Trung chỉ đạt 32,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý đầu năm, giảm 71% so với cùng kỳ; CTCP Thủy điện Sông Ba Hạ báo lãi trước thuế 14,5 tỷ đồng, giảm 59,5% so với cùng kỳ năm trước; CTCP Thủy điện Sê San 4A lãi 14,4 tỷ đồng, giảm 38,2% so với cùng kỳ; CTCP Thủy điện Cần Đơn báo lãi 20,4 tỷ đồng, giảm 19,4%; CTCP Thủy điện - Điện lực 3 báo lãi 13,6 tỷ đồng, giảm 29,9%…

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Quốc tế về xã hội và khí hậu (IRI), El Nino có xác suất cao sẽ diễn ra trong năm 2024 trước khi chuyển sang pha trung tính. Điều này đồng nghĩa nền nhiệt cao, lượng mưa giảm và mực nước của các hồ, ảnh hưởng đến khả năng huy động của các nhà máy thuỷ điện. Đặc biệt, tại khu vực miền Bắc, tình hình cung ứng điện sẽ gặp nhiều khó khăn khi loại hình này chiếm khoảng tới 46% tổng công suất lắp đặt. Vì vậy, như dự báo của lãnh đạo VSH, kết quả kinh doanh của Công ty có thể tiếp tục gặp thách thức trong quý II và kỳ vọng sẽ có sự cải thiện từ quý III/2024, khi bắt đầu vào mùa mưa trong năm.

Nhiệt điện sáng hơn

Trái ngược với thuỷ điện, nhóm nhiệt điện có động lực tăng trưởng trong năm 2024, đến từ nhu cầu điện tích cực. Dự báo nền nhiệt cao trong 2024 khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh (do tần suất sử dụng các thiết bị làm mát), đặc biệt trong những tháng nắng nóng đỉnh điểm. Ngoài ra, theo phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nhu cầu điện sẽ tăng cùng với kỳ vọng sự phục hồi sản xuất của nhóm khách hàng công nghiệp, theo đó, huy động tăng lên cho nhóm nhiệt điện khi thuỷ điện suy yếu.

Trong cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam hiện nay, thuỷ điện và nhiệt điện vẫn chiếm tỷ trọng chính. Vì vậy, với dự báo hiện tượng El Nino vẫn tiếp diễn, nhiệt điện kỳ vọng là trọng tâm huy động để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong năm nay. Chưa kể, giá than, khí trên thế giới đã có dấu hiệu hạ nhiệt và ổn định, đây là yếu tố hỗ trợ chi phí đầu vào của các nhà máy nhiệt điện, giúp giá phát điện của nhóm này cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, trong năm 2024, nhiều nhà máy nhiệt điện đã hoàn thành sửa chữa, đại tu và sẵn sàng cho huy động đầy đủ các tổ máy.

Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong nhóm nhiệt điện đang cho tín hiệu tích cực. Chẳng hạn, quý I/2024, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) đạt 1.996 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 157,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 52% và 294% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024, PPC đặt mục tiêu doanh thu đạt 8.755 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 420 tỷ đồng, lần lượt tăng 50,6% và 9,8% so với kết quả đạt được trong năm 2023.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng giám đốc PPC cho biết, doanh thu và lợi nhuận quý I/2024 tăng trưởng tốt so với cùng kỳ do sản phẩm bán điện trong quý đầu năm tăng mạnh. Điều này phần lớn làm điều kiện thủy văn thuận lợi vào những tháng đầu năm, làm nhu cầu dành cho nhiệt điện tăng cao. Tính đến cuối quý I/2024, tổng tài sản của PPC đạt hơn 6.900 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; trong đó, tài sản ngắn hạn tăng mạnh 38%, tăng hơn 4.000 tỷ đồng, chủ yếu do khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng gia tăng.

Liên quan đến việc cung ứng than của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cho PPC, ông Hải cho biết, năm 2024, việc cung cấp than bổ sung việc triển khai giám định độc lập về chất lượng, khối lượng than, điểm mới này có tính hiệu quả, tích cực.

Một số doanh nghiệp nhiệt điện khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2024 tích cực. CTCP Nhiệt điện Hải Phòng cho biết, sản lượng điện sản xuất trong quý I/2024 đạt 1.816 tỷ kWh, tăng 0,519 tỷ kWh so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận doanh thu 2.788 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 162,8 tỷ đồng, tăng 1.421% so với cùng kỳ. Tương tự, CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 3.009 tỷ đồng và 251,7 tỷ đồng, tăng tương ứng 0,46% và 66,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tin bài liên quan