Thị trường chứng khoán điều chỉnh trong xu hướng tăng trưởng dài hạn, nên vẫn thu hút nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán điều chỉnh trong xu hướng tăng trưởng dài hạn, nên vẫn thu hút nhà đầu tư.

"Buông câu" mùa biển động

(ĐTCK) Sau chuỗi tăng kéo dài hơn 4 tháng, thị trường chứng khoán có pha điều chỉnh mạnh trong tháng 9, nhưng dòng tiền vẫn chuyển động tích cực để tìm cơ hội.

Tích lũy chờ nhịp tăng mới

Mua cổ phiếu VIC ở vùng giá 55.000 - 57.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, đây là mức giá hấp dẫn khi thấp hơn đỉnh ngắn hạn gần 30%. Vậy nhưng, chỉ sau 1 tuần, giá cổ phiếu VIC lại tiếp tục giảm, còn 45.000 đồng/cổ phiếu khi kết thúc phiên 28/9/2023.

Nhà đầu tư này chia sẻ, mặc dù giá trị tài khoản giảm hơn 1 tỷ đồng, nhưng ông không quá lo lắng vì không sử dụng giao dịch ký quỹ (margin) và quyết định nắm giữ chờ ngày giá tăng trở lại (thực tế, phiên cuối tuần qua, giá cổ phiếu VIC tăng lên 46.850 đồng/cổ phiếu). Trong khi đó, những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy để bắt đáy ngắn hạn phải xoay xở tiền để ký quỹ bổ sung, hoặc buộc phải bán cắt lỗ.

Các đợt điều chỉnh thường khác nhau về nguyên nhân và mức độ giảm giá, nên việc bắt đáy ngắn hạn có thể không thành công ngay.

Theo các chuyên gia, các đợt điều chỉnh trên thị trường chứng khoán nói chung, cổ phiếu riêng lẻ nói riêng thường khác nhau về nguyên nhân và mức độ giảm giá nên việc bắt đáy ngắn hạn có thể thành công ngay, nhưng đa số phải chờ đợi mới mang lại kết quả, đôi khi phải chờ rất lâu. Bởi lẽ, bối cảnh thị trường thay đổi liên tục, có những nhóm cổ phiếu phù hợp với việc nắm giữ, nhưng cũng có những cổ phiếu cần mua - bán linh hoạt trong từng nhịp để hạn chế tối đa thiệt hại.

Trong nhịp điều chỉnh của thị trường từ ngày 7/9 đến 26/9, VN-Index giảm hơn 100 điểm, nguyên nhân được chỉ ra là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ duy trì nền lãi suất cao tới năm 2025, làm giảm sự kỳ vọng của giới đầu tư về tăng trưởng kinh tế thế giới, qua đó ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam vốn có độ mở lớn.

Trong khi đó, tỷ giá có diễn biến tăng khi Fed duy trì nền lãi suất cơ bản ở mức cao 5,25 - 5,5%/năm, còn Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng và yêu cầu các ngân hàng giảm thêm lãi suất, dẫn tới dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán có động thái rút ròng.

Tâm lý găm giữ USD càng tạo áp lực lên tỷ giá, dù nguồn cung được hỗ trợ bởi vốn FDI, thặng dư thương mại, kiều hối… Thị trường lo ngại rằng, để giữ cho tiền đồng không mất giá, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải tăng cường hút tiền trong lưu thông về thông qua phát hành tín phiếu, thậm chí là tăng lãi suất trở lại.

Các thị trường nhạy cảm với thông tin như chứng khoán phản ứng bằng cách bán ra, áp đảo lực mua vào, khiến chỉ số giảm điểm, nhất là khi thị trường chứng khoán trước đó tăng điểm xuất phát từ một lượng không nhỏ dòng tiền đầu cơ, nên áp lực chốt lời ở mức cao.

Thực tế, sự tăng giá bởi kỳ vọng quá cao, hoặc không gắn với tăng trưởng doanh nghiệp thường gây ra các nhịp điều chỉnh sâu. Bên cạnh đó, không ít ý kiến lo ngại, Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định nhiều trường hợp các tổ chức tín dụng không được cho vay sẽ hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Ngoài ra, một số công ty chứng khoán siết lại hoạt động cho vay ký quỹ cũng có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Viết Công, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS cho biết, trong quá trình đi lên của thị trường thường có những giai đoạn tăng quá đà và các nhịp điều chỉnh sâu là một quy luật vận động thường xuyên.

Thị trường chứng khoán đi lên từ sự kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng, câu chuyện doanh nghiệp và hoạt động của dòng tiền, nhưng khi có các thông tin tiêu cực, áp lực chốt lời có thể lập tức xuất hiện.

Trong giai đoạn hiện nay, thị trường tài chính gặp thách thức trong việc đẩy nguồn tiền dư thừa trong hệ thống ngân hàng ra thị trường và tỷ giá có dấu hiệu căng thẳng. Tuy nhiên, việc giảm điểm của VN-Index lần này có thể coi là nhịp chốt lời sau giai đoạn tăng nóng.

Những phiên cuối tháng 9, VN-Index dao động quanh mức 1.150 điểm. Ông Công nhận định, áp lực bán vẫn còn, nhưng các dòng cổ phiếu nóng đã có nhịp điều chỉnh khoảng 20% thị giá sẽ sớm tìm được điểm cân bằng.

Trường hợp chỉ số tiếp tục giảm, áp lực bán từ các tài khoản không đảm bảo tỷ lệ ký quỹ có thể gây ra hiện tượng giảm giá nhanh trên thị trường, nhưng sẽ kích thích dòng tiền bắt đáy. Đặc biệt, chính sách tiền tệ thời gian tới dự kiến chưa thay đổi, lãi suất gửi tiết kiệm và cho vay vẫn có xu hướng giảm, một phần dòng tiền dư thừa sẽ chảy kênh cổ phiếu.

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VPBankS đánh giá, VN-Index đang có diễn biến tích lũy trước khi quay trở lại nhịp tăng mới, với triển vọng vĩ mô trong và ngoài nước tích cực hơn trong những tháng cuối năm.

Một số nhóm cổ phiếu có dư địa tăng

Theo ông Đào Hồng Dương, thị trường chứng khoán điều chỉnh, nhưng vẫn đang nằm trong xu hướng tăng trưởng dài hạn, trong bối cảnh chính sách tiền tệ linh hoạt, lãi suất cho vay giảm dần, đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ, các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu của chu kỳ phục hồi…

Sau nhịp điều chỉnh, dự báo dòng tiền sẽ có sự phân bổ lại, tập trung vào các nhóm ngành có khả năng ghi nhận lợi nhuận khả quan trong 2 quý cuối năm 2023. Trong đó, nhóm tài chính, ngân hàng và chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền.

Với ngành ngân hàng, biên lãi ròng kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ chi phí vốn giảm và mức định giá hấp dẫn là điểm nhấn thu hút dòng tiền.

Đối với nhóm chứng khoán, tính toán của VPBankS cho thấy, giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán niêm yết trong quý III/2023 ước đạt hơn 21.700 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức bình quân của quý II và tương đương với giai đoạn sôi động năm 2021.

Mức tăng trưởng lợi nhuận hàng quý của 25 công ty chứng khoán hàng đầu trong năm 2021 trung bình là 18%, sau khi tăng đột biến vào quý I ở mức 25% so với quý liền trước, với thanh khoản trên thị trường niêm yết đạt trên 21.000 tỷ đồng/phiên. Do đó, lợi nhuận của nhóm chứng khoán có triển vọng tăng trưởng tích cực trong 2 quý cuối năm 2023.

Một số nhóm ngành khác đáng quan tâm là sản xuất công nghiệp, phân bón, hóa chất, dầu khí, cảng biển, logistics.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Viết Công cho rằng, không nên quá lo ngại khi thị trường giảm điểm. Với những người còn nhiều khả năng mua trong tài khoản, các nhịp điều chỉnh là cơ hội để giải ngân. Các nhóm cổ phiếu đang tạo được mặt bằng giá hấp dẫn và có dư địa tăng trưởng trong quý IV/2023 bao gồm chứng khoán (SHS, SSI, VIX, VCI, HCM), dầu khí (PVS, PVD, BSR), khu công nghiệp (KBC, IDC, VGC), thép (HPG, NKG, HSG), phân bón (DCM, DPM, DGC) và một số cổ phiếu trong ngành điện, năng lượng tái tạo.

Chọn “buông câu trong mùa biển động”, nhà đầu tư có thể tự trấn an rằng, thị trường sau chuỗi tăng dài sẽ có vài đợt rung lắc để tạo mặt bằng giá hấp dẫn hơn, sau đó tiến lên mốc điểm mới, bởi xu hướng chính trong dài hạn vẫn tích cực.

Tin bài liên quan